Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngNăm 2017 ASEAN - TQ hoàn thiện khung COC

Năm 2017 ASEAN – TQ hoàn thiện khung COC

TP – Ngày 18/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, sau một thời gian dài tham vấn không có tiến triển, ASEAN và Trung Quốc vừa đặt mục tiêu hoàn thành phần khung của Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vào giữa năm sau, nhằm giảm nhiệt căng thẳng trên biển Đông.

Trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp sắp diễn ra Hội nghị ngoại giao 29 và Hội nghị Ngoại vụ 18, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói rằng, việc đặt được mục tiêu cụ thể về COC như vậy là tín hiệu rất tích cực để chúng ta hy vọng các nước càng lớn càng phải có trách nhiệm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về thông tin ASEAN và Trung Quốc vừa nhất trí sẽ hoàn thành phần khung của COC vào giữa năm 2017, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) năm 2002, trong đó có  điều khoản thể hiện các bên mong muốn xây dựng COC có tính chất ràng buộc hơn để duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông. 

COC đã được thảo luận từ lâu, nhưng diễn ra quá chậm so với mong muốn của ASEAN và Việt Nam. Việt Nam luôn là nước thúc đẩy, thúc giục sớm hoàn thiện COC vì nếu đạt được những nội dung quan trọng, có tính chất ràng buộc thì đó sẽ là cơ chế pháp lý để kiềm chế, kiểm soát tình hình biển Đông, giải quyết được các vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Vì vậy, Việt Nam luôn đề nghị sớm ký kết COC. Trên thực tế, khi làm điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Việt Nam đã đưa ra những thành tố của COC và được các nước ASEAN nhất trí. 

Nhưng tiến trình đó vừa qua bị chậm lại do tình hình biển Đông phức tạp hơn, do ý chí của một vài nước… Vừa qua, trong cuộc họp vừa qua giữa ASEAN và Trung Quốc tại Lào, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói sẽ cố gắng cùng ASEAN hoàn thành COC vào năm 2017. “Việt Nam hy vọng tuyên bố như vậy của Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhanh COC. COC nếu đạt được trong năm 2017 sẽ trở thành văn kiện pháp lý quan trọng trên biển Đông”, Phó Thủ tướng nói.

Hôm qua, báo chí Trung Quốc đưa tin, tại một cuộc họp vừa diễn ra ở đông bắc Trung Quốc, Bắc Kinh và ASEAN cũng nhất trí rằng, bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển được các nước trong khu vực ký năm 2014 sẽ được áp dụng trên biển Đông, và hai bên đã thông qua các hướng dẫn về sử dụng đường dây nóng giữa ASEAN và Trung Quốc đối với các tình huống khẩn cấp trên biển. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng, những văn bản về đường dây nóng và quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển sẽ được trình để lãnh đạo các nước thông qua tại hội nghị ASEAN – Trung Quốc sắp tới tại Lào, báo Trung Quốc China Daily đưa tin.

Không lo Philippines, Trung Quốc “đi đêm”

Trả lời câu hỏi của báo chí về lo ngại Trung Quốc và Philippines “đi đêm” với nhau trong vấn đề biển Đông, dù tranh chấp ở quần đảo Trường Sa liên quan 5 nước 6 bên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói rằng, nếu có vấn đề liên quan Trung Quốc và Philippines thì hai nước phải giải quyết tranh chấp với nhau. Nhưng vấn đề về Trường Sa liên quan đến 5 nước, 6 bên, nên phải có các nước liên quan tham gia. Với các đảo Việt Nam đang quản lý đúng theo luật pháp quốc tế, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền đối với vùng 200 hải lý theo luật pháp quốc tế.

Việt Nam cũng có những đàm phán riêng với Trung Quốc về phân định ngoài vịnh Bắc bộ hay các vấn đề nhạy cảm khác. “Không có gì phải lo ngại nếu những đàm phán đó là nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và những đàm phán đó không ảnh hưởng đến hòa bình và lợi ích của các nước khác”, Phó Thủ tướng nói.

Về lo ngại một số nước thành viên ASEAN nhiều lần tuyên bố đứng ngoài tranh chấp trên biển Đông, Phó Thủ tướng nói rằng, vấn đề biển Đông chỉ là một nội dung của ASEAN. Thực tế là quan điểm của một số nước thành viên đối với vấn đề biển Đông có khác nhau. Nhưng ASEAN phải hiểu rằng, biển Đông tác động đến hòa bình, ổn định; nếu xảy ra xung đột trên biển Đông thì sẽ tác động đến môi trường hòa bình, ổn định của các khu vực cũng như từng nước. Dù nước này nước kia đề cập vấn đề biển Đông với mức độ khác nhau nhưng mẫu số chung là phải đảm bảo hòa bình, ổn định khu vực. Trên thực tế, 7/10 nước ASEAN đã sử dụng các công cụ pháp lý như trọng tài để giải quyết tranh chấp với nhau.

Năm sau, ASEAN - Trung Quốc hoàn thiện khung COC - ảnh 1

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn ngày 18/8 tại Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Trước câu hỏi Việt Nam sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình sau phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện của Philippines trên biển Đông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong phán quyết còn nhiều yếu tố pháp lý liên quan lợi ích của Việt Nam nên Việt Nam phải nghiên cứu kỹ để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). 

Trước câu hỏi Việt Nam có gì thay đổi từ khi có phán quyết, Phó Thủ tướng trả lời, cần phải khẳng định rằng, quan điểm, chủ trương của Việt Nam đối với vấn đề biển Đông là không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS. “Lập trường của chúng ta không thay đổi, nhưng vấn đề đặt ra là trong thời gian tới phải hết sức kiềm chế để không làm ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định; tìm ra các biện pháp để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”, Phó Thủ tướng nói.

Hội nghị Ngoại giao 29 sẽ tiếp tục xác định nhiệm vụ chủ yếu của ngoại giao là duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Hội nghị cũng sẽ là bước đổi mới tư duy một cách toàn diện trong hoạt động đối ngoại, đặc biệt là tư duy về ngoại giao phục vụ phát triển. Hội nghị Ngoại giao 29 sẽ được tổ chức cùng Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc 18 để các địa phương cùng nắm bắt “hơi thở” của tình hình quốc tế và khu vực, và quan trọng hơn, là cùng đề ra các biện pháp triển khai công tác đối ngoại thống nhất từ trung ương tới địa phương.

Các thành tựu đối ngoạiPhó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khái quát những thành tựu đối ngoại nổi bật của Việt Nam thời gian qua. Thứ nhất, chúng ta đã giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, đưa các mối quan hệ đối ngoại quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Thứ hai, công tác đối ngoại đã đóng góp tích cực và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Thứ ba, công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Năm năm qua, công tác biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia đều có tiến triển. Về cơ bản, đường biên giới trên bộ của nước ta với các nước láng giềng được bảo vệ ổn định, bảo đảm an ninh, trật tự, hòa bình, hữu nghị. Trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông, đối ngoại đã sử dụng linh hoạt, triệt để các biện pháp chính trị-ngoại giao, mọi kênh đối thoại, tiếp xúc, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời chủ động tranh thủ mọi cơ hội để giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài. Thứ tư, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. 

Thứ năm, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được chú trọng và triển khai tích cực, qua đó xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ kiều bào ổn định địa vị pháp lý, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, khơi thêm nguồn lực cho đất nước. Công tác bảo hộ công dân đã được triển khai kịp thời, hiệu quả, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của công dân Việt Nam ở các khu vực có thảm họa thiên tai, chiến sự, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân, tàu cá Việt Nam ở biển Đông và các vùng biển xa…

RELATED ARTICLES

Tin mới