Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giới9 điều ít biết về Tổng thống Rodrigo Duterte

9 điều ít biết về Tổng thống Rodrigo Duterte

Ngoài sự giống nhau về những phát ngôn “văng mạng”, dẫn tới liên tục bị “vạ miệng”, ông Duterte và tỷ phú Mỹ Trump hầu như khác biệt hoàn toàn.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thời trẻ (bên phải)

Trước đây, ông Rodrigo Duterte chỉ được biết đến như một thị trưởng khét tiếng cứng rắn của thành phố Davao, người được mệnh danh là “Người trừng phạt” – đã có công biến thành phố từng bị gọi là “thủ đô giết người của Philippines” những năm 1970 – 1980 thành một trong 5 thành phố an toàn nhất thế giới. Nhưng chỉ vài tháng sau khi tranh cử Tổng thống Philippines, ông đã có thêm biệt danh “Donald Trump của châu Á”. Nhưng ngoài sự giống nhau về những phát ngôn “văng mạng”, dẫn tới liên tục bị “vạ miệng”, ông Duterte và tỷ phú Mỹ Trump khác biệt hoàn toàn.

Dưới đây là 9 điều ít biết về đời tư ông Duterte.

1. Những cái Nhất

Không chỉ là Tổng thống Philippines già nhất từ trước đến nay (trúng cử Tổng thống năm 71 tuổi), ông Duterte còn là người đầu tiên có bước nhảy vọt lớn nhất từ địa phương lên tới vị trí quốc gia, cũng như là người đầu tiên từ Mindanao được bầu làm Tổng thống.

Ông cũng là Tổng thống đầu tiên của Philippines xuất thân từ luật sư kể từ năm 1939, khi ông Ferdinand Marcos đắc cử Tổng thống.

2. “Gốc rễ” Cebu

Ông Rodrigo Duterte sinh ngày 28/3/1945 trong một gia đình giàu truyền thống chính trị có gốc gác từ tỉnh Cebu. Người cha của ông – cố Thống đốc Davao Vicente Duterte, cũng từng kinh qua vị trí Thị trưởng thành phố Danao ở Cebu.

Năm 1950, ông Vincente Duterte chuyển đến Davao, nhưng gia tộc này vẫn còn nhiều người ở lại Cebu và đảm nhiệm các chức vụ quan trọng ở đây. Anh họ của ông Duterte, ông Ronald Duterte từng là thị trưởng thành phố Cebu từ năm 1983 đến năm 1986. Cha của ông Ronald, ông Ramon Duterte, cũng giữ vị trí này từ năm 1957 – 1959.

Mặc dù ông Rodrigo Duterte đã làm thị trưởng Davao hơn 20 năm, nhưng ông vẫn coi mình là một người Cebu. Trong thực tế, ông sở hữu một số tài sản nhỏ ở thành phố Danao và thậm chí, đã từng hé lộ dự định sẽ về nghỉ hưu ở Cebu. Vì gốc rễ Cebu của ông Duterte, mà một số chính trị gia ở tình này đã bày tỏ sự ủng hộ cho Duterte ngay cả trước khi ông đắc cử Tổng thống Philippines.

3. Tuổi thiếu niên ngỗ ngược

Rodrigo Duterte (tên thường gọi là Rody) thời niên thiếu rất ngỗ ngược, thường chỉ về nhà vào lúc 3 hay 4 giờ sáng, sau khi la cà hết các quán bar, tụ điểm ăn chơi, cùng đám bạn đường phố.

Thành tích học tập của Rody cũng rất tệ, từng bị trường trung học Ateneo de Davao cho thôi học đến 2 lần và phải mất tới 7 năm mới tốt nghiệp trung học.

Em gái ông, bà Celyn Duterte tiết lộ, bước ngoặt với con đường học vấn, và có thể nói là với cả cuộc đời ông Duterte chỉ đến khi ông 23 tuổi, vào năm 1968, sau sự qua đời của cha mình. “Anh ấy bắt đầu chú tâm vào học tập, theo đuổi ngành luật một cách nghiêm túc”, bà Celyn kể lại.

Kịp thời tu chí học tập sau khi cha mình qua đời, ông Duterte đã tốt nghiệp cử nhân luật năm 1972 và sau đó trở thành công tố viên của thành phố Davao. Thành phố này cũng là nơi ghi dấu bước chân đầu tiên của ông vào chính trường, lại cũng đúng là bước chân nối nghiệp cha mình: trở thành Thị trưởng vào năm 1988, sau 2 năm làm Phó thị trưởng thường trực.

4. Tình trường sôi động

Những gì người ta biết là ông Duterte có 2 người vợ: Một người vợ hợp pháp đã chia tay là bà Elizabeth Zimmerman (cưới năm 1973 và ly hôn năm 2000) và hiện nay ông đang sống cùng với bà Honeylet Avanceña – y tá cũ của bà Zimmerman. Ông Duterte nói là ông sẽ cưới bà Avanceña khi tiết kiệm đủ tiền.

Nói về đổ vỡ hôn nhân đầu tiên, ông Duterte tiết lộ ông không phải là người nói lời chia tay. “Bà ấy đã bỏ tôi. Bà ấy đã nộp đơn ly dị. Tôi không phải là người chủ động. Bà ấy không yêu tôi nữa. Chúng tôi chẳng thể làm gì cả. Đó là khi tôi quyết định cưới y tá Honeylet của bà ấy” – Tổng thống Duterte chia sẻ.

Trước khi chia tay, ông Duterte và bà Elizabeth Zimmerman đã có 3 người con là Inday Sara Duterte (Thị trưởng thành phố Davao), Paolo (Phó thị trưởng thành phố Davao) và Sebastian. Hiện tại, Tổng thống Duterte và người vợ mới Avanceña cũng đã có với nhau một người con gái tên Veronica.

Trong suốt chiến dịch tranh cử thổng thống , ông Duterte không ngần ngại nói về Zimmerman, Avanceña và 2 người tình giấu tên hiện tại của mình. Ông tiết lộ một người trong số đó làm việc tại một cửa hàng mỹ phẩm ở thành phố Davao, người còn lại làm thu ngân.

Trước những chỉ trích về đời sống tình cảm phức tạp của mình, ông Duterte khẳng định nếu người dân không muốn ông làm tổng thống chỉ vì điều này, họ nên bỏ phiếu cho những ứng viên tranh cử tổng thống khác. Ông giải thích rằng ông chỉ muốn mọi người biết con người thật của ông và ông là một người tử tế mà họ có thể bỏ phiếu.

5. Dân biểu mải chơi

Do Hiến pháp năm 1987 của Philippines quy định, các dân biểu và quan chức địa phương không thể được bầu quá 3 nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ 3 năm), nên sau 3 nhiệm kỳ làm Thị trưởng thành phố Davao, ông Duterte “buộc” phải rời chức vụ, đi vận động tranh cử và trở thành Nghị sỹ của Davao vào năm 1998.

Trả lời phỏng vấn của tờ Philippines Daily Inquirer về quãng đời làm dân biểu “nhàn rỗi” của mình, ông Duterte cho biết, thời gian ông dành cho Quốc hội ít hơn thời gian “đi thực tế”. Vào mỗi kỳ họp, cứ sau lễ chào cờ tại Quốc hội, ông lại đi “lượn” các trung tâm mua sắm và xem phim. “Tôi đã không được xem phim trong 30 năm… (nhưng khi tôi còn là nghị sỹ) tôi đã đi xem “Nottingham Hill”, “Gladiator” (Đấu sĩ).

6. Bí mật về “Biệt đội tử thần”

Trấn áp tội phạm chính là thành tựu được nhắc đến nhiều nhất của ông Duterte khi là Thị trưởng Davao, khi biến Davao từ một “thủ đô giết người”, với tỷ lệ tội phạm cao, thành một thành phố “kiểu mẫu”, xếp vào loại an toàn bậc nhất tại Philippines.

Để làm được điều này, Duterte không ngại mạnh tay với tội phạm. Nổi bật nhất phải kể đến cáo buộc ông đứng sau cái gọi là “Biệt đội thần chết” – nhóm sát thủ chuyên đi tiêu diệt các phần tử tội phạm nguy hiểm trong địa phương. Chỉ trong 10 năm từ 1998 đến 2008, nhóm này bị cho là có dính líu tới các vụ mất tích và cái chết của trên 1.000 người tại Davao.

Cũng vì vậy mà tên tuổi Duterte bị gắn liền với hình ảnh tàn bạo. Một tay mang lại hòa bình, ổn định cho Davao nhưng những gì ông nhận được lại chỉ là sự khiếp sợ từ dư luận cả nước và sự căm phẫn của các tổ chức và cá nhân hoạt động nhân quyền. Biệt danh “kẻ trừng phạt” từ đó cũng gắn liền với ông.

Sau hàng chục năm phủ nhận hoặc né tránh, phải mãi đến tận năm 2015, trên đài truyền hình địa phương, ông Duterte mới thừa nhận mình có tham gia vào “Biệt đội thần chết”.

Tuy nhiên, thành tựu của Thị trưởng Duterte không chỉ có trấn áp tội phạm. Ông còn biến nơi đây thành một trung tâm kinh doanh phát đạt, trang bị riêng đường dây nóng khẩn cấp (911) 24/7. Ngoài ra, ông Duterte còn ban hành một số lệnh đáng chú ý như lệnh cấm rượu (trong đó nghiêm cấm việc bán và tiêu thụ đồ uống có cồn 13 giờ đến 8 giờ sáng ở nơi công cộng), và Pháp lệnh chống hút thuốc lá.

7. Từ chối nhiều giải thưởng

Vào tháng 4 năm 2014, Thị trưởng Davao Duterte được đề cử nhận giải thưởng “Thị trưởng thế giới” – Giải thưởng được trao 2 năm một lần của Quỹ Thị trưởng nhằm vinh danh các nhà lãnh đạo phục vụ cộng đồng xuất sắc. Tuy nhiên, ông Duterte đã lịch sự từ chối và nói rằng: “Tôi không làm việc đó cho vinh quang của riêng tôi, mà vì những gì mọi người mong đợi tôi làm”.

Trước đó, ông từng từ chối nhận giải thưởng cho thành phố Davao, trong đó có một giải của Hiệp hội Ung thư Mỹ và giải thưởng chống hút thuốc lá của Singapore hồi năm 2010.

8. “Mọt sách” chính hiệu

Đó là những gì tờ Rapple phát hiện khi Thị trưởng Davao Duterte mời họ tham quan trụ sở làm việc vào tháng 9 năm 2015. Ông đặc biệt thích tiểu thuyết gián điệp của các tác giả nổi tiếng Robert Ludlum và Sidney Sheldon. Chính trị gia cứng rắn này cũng thích đọc những cuốn sách lịch sử, đặc biệt là về lịch sử Mindanao.

Tất nhiên, người ta không thể là một nhà lãnh đạo chiến lược nếu sở thích đọc chỉ giới hạn ở những đề tài tầm thường. Theo những người bạn thân của Duterte, ông đã đọc cuốn sách khác nhau, từ tiểu sử của các nhà lãnh đạo thế giới có ảnh hưởng đến những tài liệu tham khảo chuyên sâu về kinh tế, an ninh lương thực, và chính trị

9. Không thể ngủ nếu không có màn

Những người thân quen với Duterte đều biết rằng ông không thể ngủ mà không có màn. Đó là thói quen ông không bỏ được dù đã chuyển vào dinh thự dành cho Tổng thống Philippines, phòng có điều hòa và cách biệt với bên ngoài.

Bà Avanceña – vợ thứ hai của ông tiết lộ, chiếc màn chống muỗi được đặt làm ở thành phố Davao là cách để giúp chồng bà thích nghi với cuộc sống mới.

RELATED ARTICLES

Tin mới