Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngNga-Trung phân tán sức mạnh Mỹ, Duterte tháo ngòi nổ Biển Đông

Nga-Trung phân tán sức mạnh Mỹ, Duterte tháo ngòi nổ Biển Đông

Mọi sự thay đổi tiếp theo trên Biển Đông sẽ còn phụ thuộc vào việc ai sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Gideon Rachman, Giám đốc đối ngoại của Financial Times, là một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, EU và toàn cầu hóa ngày 17/10 có bài bình luận trên báo này nhận định, nước Mỹ đang bị phân tâm trong một thế giới nguy hiểm.

3 tháng tới sẽ là giai đoạn nguy hiểm của chính trị quốc tế, từ Mosul – Iraq cho đến Biển Đông. Các cuộc tấn công chống IS ở thành phố Mosul bắt đầu từ tuần này đánh dấu sự khởi đầu cho 3 tháng nguy hiểm đó.

Nga – Trung Quốc tranh thủ bầu cử Tổng thống Mỹ, liên thủ phân tán sức mạnh Hoa Kỳ 

Chiến sự đang được đẩy mạnh ở Trung Đông, căng thẳng Nga – phương Tây gia tăng, quan hệ Trung Quốc với các nước láng giềng đang ngày một nhạy cảm hơn. 

Tất cả các động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc chạy đua nước rút vào Nhà Trắng giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump.

Moscow và Bắc Kinh từ lâu đã công khai tỏ vẻ không hài lòng, không chấp nhận một trật tự quốc tế do Hoa Kỳ thống trị. Một nước Mỹ bị phân tâm bởi bầu cử là cơ hội cho cả Putin và Tập Cận Bình.

Cả Nga và Trung Quốc đều xem bà Hillary Clinton là người sẽ có chính sách đối ngoại “hiếu chiến” với họ hơn nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Do đó 2 nước này có thể bị cám dỗ hành động nhanh chóng trước khi bà bước vào phòng Bầu Duc.

Những quyết định lớn và nguy hiểm đang lờ mờ hiện ra.

Tại Trung Đông, liên quân Nga – Syria tấn công dữ dội phe đối lập ở Aleppo đã đẩy quan hệ Moscow – phương Tây đến bờ vực của sự đổ vỡ.

Nếu không có một kế hoạch ngoại giao thông thường để giữ hai bên ngồi lại với nhau, Nga và phương Tây có thể trượt vào một cuộc đối đầu công khai ngay tại Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tính toán rằng, chính quyền Obama đã từ chối hành động quân sự chống lại chế độ Bashar al Assad kể từ năm 2011, cho đến bây giờ xu hướng này vẫn là điều không thể đảo ngược.

Tuy nhiên nếu người Nga ép Hoa Kỳ, có thể dẫn đến những tính toán và phản ứng từ Mỹ. 

Đặc biệt là trong lúc chính quyền Obama rất tức giận vì hoạt động chiến tranh mạng từ Moscow nhằm gây ảnh hưởng đến bầu cử Tổng thống Mỹ.

Mặc dù chưa có dấu hiệu cho thấy tình hình Syria tiếp tục xấu hơn nữa, chiến sự ở Trung Đông sẽ gia tăng trong vài tuần tới.

2 nước cờ Mỹ lựa chọn để hóa giải nguy cơ đối đầu trực diện với Nga ở Syria

Chính phủ Iraq dưới sự hỗ trợ không quân của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, đã bắt đầu thúc đẩy các cuộc tấn công lớn nhằm tái chiếm thành phố Mosul từ tay khủng bố IS.

Obama sẽ rất vui nếu có được một thắng lợi đáng kể trong cuộc chiến chống IS, trước khi thu xếp khăn gói rời Nhà Trắng.

Đẩy mạnh tấn công IS ở Mosul thay vì tăng cường tham chiến ở Syria là một lựa chọn hấp dẫn hơn đối với Mỹ, vì sẽ giảm thiểu đáng kể nguy cơ đối đầu trực diện với Nga.

Một cuộc tấn công do Mỹ hậu thuẫn mà tái chiếm được Mosul cũng có thể giúp Hoa Kỳ xóa bỏ những ấn tượng về sự yếu kém của mình ở Trung Đông.

Tuy nhiên có những rủi ro mà Mỹ phải đối mặt khi lựa chọn Mosul chứ không phải Aleppo. Đó là hơn 1 triệu dân đang sống quanh thành phố bị IS chiếm đóng có thể trở thành nạn nhân.

Mặt khác cuộc chiến tại Mosul cũng có thể kích hoạt đụng độ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, 2 đồng minh trên danh nghĩa của Washington.

Người Nga cũng có thể cảm thấy rằng, vài tháng tới là một cơ hội cho Moscow ở Đông Âu và Ukraine. EU đang bị phân tâm vì Brexit và bầu cử Tổng thống Pháp.

Moscow hy vọng EU sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế đã áp đặt lên Nga kể từ cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014.

Tuy nhiên thực tế ngược với những mong đợi của người Nga khi NATO tăng cường quân vào các nước Baltic giáp biên giới với Nga.

Đáp lại, Moscow đã quyết định điều động tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân tới Kaliningrad, một vùng lãnh thổ của Nga nằm giữa Lithuania và Ba Lan.

Nước cờ này của Putin rõ ràng để phản ứng lại với động thái điều quân của NATO, nhưng nó nguy hiểm cho tất cả. 

Còn theo cá nhân người viết, đây là nước cờ thứ 2 của Washington nhằm tránh rơi vào một cuộc đối đầu trực diện với Nga lúc này ở Syria.

Rodrigo Duterte kiềm chân Trung Quốc, tháo ngòi nổ xung đột ở Biển Đông

So với Nga, Trung Quốc đang tỏ ra kiềm chế hơn. Tuy nhiên hành động của Bắc Kinh những tháng gần đây trên Biển Đông vẫn khiến các nước láng giềng lo ngại.

Trung Quốc tỏ ra rất bất mãn với Phán quyết Trọng tài 12/7. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã trở nên dữ dằn hơn, nhiếc móc và đe dọa không tiếc lời với các nước thân thiện như Singapore, Hàn Quốc và Úc trong các vấn đề an ninh.

Nhật Bản thì lo ngại sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Trong khi đó các nước Đông Nam Á đang lo lắng theo dõi xem, Bắc Kinh sẽ làm gì tiếp theo trên Biển Đông.

Đúng lúc này, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã xuất hiện và làm đảo lộn tính toán chiến lược của các siêu cường.

Chiến lược đối ngoại của ông có thể làm giảm đáng kể động cơ thúc đẩy Trung Quốc hội quân ở Thái Bình Dương. [1]

Người viết cho rằng, những phân tích của tác giả Gideon Rachman trong bài viết này khá thuyết phục và phù hợp với những gì đang diễn ra trong thực tiễn.

Những phát ngôn gây sốc của ông Rodrigo Duterte có thể khiến nhiều người ác cảm, nhưng nó mang lại những hiệu ứng rất tích cực.

Nói như nhà bình luận cao cấp của South China Morning Post, Alex Lo ngày 17/10 rằng, Rodrigo Duterte đang làm cho tất cả mọi người phải nhổm dậy và chú ý đến Philippines. [2]

Ông Rodrigo Duterte đang tháo ngòi nổ xung đột ở Biển Đông. Hoa Kỳ có lẽ cũng thừa biết điều này có lợi cho họ trong “tháng củ mật”, khi cuộc đua vào Nhà Trắng bước vào giai đoạn nước rút.

Chính vì vậy, ông chủ Điện Manacanang “chửi” Mỹ thoải mái, Washington vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt. Rodrig Duterte đã nhìn thấy cơ hội này và đang tranh thủ tận dụng tối đa.

Vì vậy khả năng Trung Quốc leo thang làm căng hơn nữa ở Biển Đông trong 3 tháng tới, theo người viết là ít có cơ hội xảy ra. Người làm nhiệm vụ cầm chân Trung Quốc không ai khác, chính là Rodrigo Duterte.

Mọi sự thay đổi tiếp theo trên Biển Đông sẽ còn phụ thuộc vào việc ai sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

RELATED ARTICLES

Tin mới