Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNgư dân Philippines khốn khổ vì Trung Quốc chiếm bãi ngầm Scarborough

Ngư dân Philippines khốn khổ vì Trung Quốc chiếm bãi ngầm Scarborough

BienDong.Net: Giống như nhiều khu vực khác ở Philippines, người dân thị trấn Subic và Masinloc sống chủ yếu nhờ nghề biển.

Tuy nhiên, giờ đây nhiều người đang phải tính tới chuyện rời bỏ nơi đã gắn bó bao năm qua vì cuộc sống khó khăn, không có thu nhập do bị “treo thuyền”. Đó là nội dung bài viết của hãng tin CNN qua bản chuyển ngữ của ANTĐ.

 

Thu nhập nghề cá của ông Efren Forones giảm mạnh vì hành động của Trung Quốc

Xa vời những chuyến tàu đầy ắp cá

Một năm trước đây, ông Efren Forones trở về sau những chuyến đi biển với khoảng 3,5 tấn cá. Với số tiền bán cá thu được, ông có thể mua gạo cho gia đình mỗi tháng và dành dụm cho ít nhất 1 trong 6 đứa con của ông vào đại học. 

Nhưng những chuyến tàu đầy ắp cá giờ đã quá xa vời. Giờ đây, mỗi chuyến ra khơi trở về, ông Efren Forones chỉ đánh bắt được khoảng 400kg và như thế đã được xem là may mắn. Điều này đồng nghĩa với việc ông mua được ít gạo hơn, trong khi việc học hành của con cái hiện đã trở nên quá sức và ông cũng không dám nghĩ xa xôi.

Nguyên nhân dẫn đến điều này, ông Efren Forones nói rằng do ông không còn được đánh bắt cá ở khu vực xung quanh bãi Scarborough nữa. Bãi Scarborough (hay đảo Hoàng Nham theo cách gọi của Trung Quốc) nằm cách Luzon của Philippines 200km về phía tây là một trong số khu vực tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.

Căng thẳng kéo dài giữa Philippines và Trung Quốc leo thang vào tháng 4 – 2012 sau khi Manila cáo buộc tàu thuyền Trung Quốc đánh bắt cá trái phép trong khu vực này. Tàu hải quân Philippines kiểm tra các thuyền của Trung Quốc, phát hiện “một lượng lớn san hô đánh bắt trái phép, trai khổng lồ và cá mập sống” trên một trong số những chiếc thuyền này. Sau đó, hai tàu của hải giám Trung Quốc đã tới “án ngữ” ở lối vào bãi cạn Scarborough “ngăn cản việc bắt giữ” tàu của ngư dân. Các tàu này cũng căng dây trước lối vào khu vực trên, ngăn không cho tàu của ngư dân Philippines vào đánh bắt. Ngày 22 – 1 vừa qua, chính phủ Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển (ITLOS) nhằm phản đối việc Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với phần lớn khu vực Biển Đông, tuy nhiên phía Trung Quốc đã từ chối tham gia.

Không có nơi nào khác 

Diễn biến căng thẳng ở khu vực bãi cạn Scarborough đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của ngư dân Philippines. Thị trấn Masinloc ở phía tây đảo Luzon với dân số khoảng 40.000 người, trong đó gần 80% sống dựa vào nghề biển. Theo Cục Thủy sản và nghề cá Philippines, hàng nghìn ngư dân ở đây đã mất việc khi việc đánh bắt bị suy giảm.

Ông Forones là một trong số những người này. Ngư dân 52 tuổi này đánh bắt cá ở vùng biển ngoài khơi Masinloc đã 22 năm. Gia đình ông sống trên một cái bè tre trên biển. Đứa con gái nhỏ nhất của ông năm nay mới 4 tuổi. Ông Forones không có thuyền riêng nhưng ông thường được các chủ thuyền khác thuê và mỗi chuyến đi biển, ông được trả 85 USD. Giờ đây, chẳng còn ai thuê ông nữa. Và để kiếm miếng cơm cho cả gia đình, ông đã cố gắng thuê riêng một chiếc tàu và cùng vài ngư dân khác ra khơi, nhưng số lượng cá đánh bắt được lại quá ít, không đủ trang trải tiền thuê tàu và nhiên liệu.

Ông Forones buồn bã cho biết, bãi Scarborough là ngư trường quan trọng nhất ở khu vực này. “Họ (Trung Quốc) đuổi chúng tôi đi, không cho phép người Philippines đến gần khu vực đó. Chỉ có họ được đánh bắt cá ở đấy, còn chúng tôi thì không. Chúng tôi không còn được đánh bắt ở Scarborough, và giờ thì rất khó khăn, chúng tôi chẳng kiếm được gì cả”.

Tuy vậy, Forones và vợ ông vẫn phải ở Masinloc. Ông Forones cho biết ông sẽ cố gắng lặn bắt tôm, cua, sò, hến. Với số tiền thu được khoảng 5 USD mỗi ngày, tạm đủ để mua gạo và thức ăn nuôi sống gia đình. “Chúng tôi chẳng có nơi nào khác để đi. Tôi vẫn sẽ ở đây, bắt nghêu sò để kiếm sống” – bà Gemme, vợ ông Forones nói. “Nhưng có những ngày, chúng tôi kiếm chẳng đủ gạo ăn”.

Nhiều khu vực khác tình hình cũng tương tự. Tại thị trấn Subic, nằm cách Masinloc khoảng 88 km với khoảng 90.000 dân, những người chuyên thu mua cá ở đây nói rằng, việc buôn bán của họ bị giảm một nửa kể từ khi các ngư dân không được đánh bắt cá ở khu vực bãi Scarborough. Anh Ronnie Drio 46 tuổi, cha của 8 đứa con kể lại: “Khi chúng tôi tới đó (bãi cạn Scarborough), một chiếc tàu hải giám của Trung Quốc đã tới chặn, chúng tôi cố gắng đi qua, nhưng họ gọi thêm một tàu khác nữa đến và tiếp tục chặn đường khiến chúng tôi bị kẹt ở giữa. Lúc này, có một người trên tàu Trung Quốc – dường như là viên chỉ huy, bước ra và ra hiệu cho chúng tôi phải dời đi ngay lập tức. Chúng tôi bị xua đuổi như người ta xua lợn vậy”.

Những lo lắng hiện hữu

Nhiều người ở Subic và Masinloc cũng đang phải tính tới chuyện rời bỏ quê hương vì không thể kiếm sống. Một trong số này là Tolomeo “Lomi” Forones, 58 tuổi, em họ của ông Efren Forones. Ông Tolomeo đã đi biển hơn 30 năm qua, nhưng bây giờ phải chuyển sang làm nghề “xe ôm”, và ngày nào kiếm được 2 USD đã được xem là may mắn. “Chúng tôi kiếm được nhiều tiền hơn khi còn đánh bắt cá ở Scarborough, thậm chí còn để dành được, nhưng bây giờ, chúng tôi chỉ mong sao kiếm đủ ăn, có ngày chẳng đủ tiền mua gạo” – Tolomeo nói.

Ông Tolomeo vẫn thỉnh thoảng ra khơi nhưng điều này khiến vợ ông lo lắng. Bà Janet Forones muốn rời Masinloc không hẳn chỉ vì thu nhập ít: “Ai mà chẳng lo lắng khi ra khu vực đó, nếu chẳng may bị bắn?” – bà Forones muốn nói tới sự hiện diện của các tàu thuyền Trung Quốc.

Những ngư dân Philippines đơn thuần không hiểu hết được những sâu xa trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng họ không thể giải thích được một điều là tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở khu vực này đã tồn tại nhiều năm qua và mới chỉ vài tháng trước, cả ngư dân Philippines và ngư dân Trung Quốc vẫn có thể đánh bắt ở khu vực này, nhưng giờ đây chỉ có ngư dân Trung Quốc, còn họ thì không. 

Giải pháp cho các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ không thể đưa ra trong trước mắt, việc đưa vấn đề ra tòa án Liên Hiệp Quốc có thể kéo dài. Nhưng người dân thì vẫn phải ăn. Và không ít ngư dân cùng gia đình họ sẽ phải rời bỏ nghề kiếm sống bấy lâu của mình để bắt đầu một công việc khác, một cách vô cùng chật vật.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới