Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiASEAN trước “canh bạc” Donald Trump

ASEAN trước “canh bạc” Donald Trump

Việc Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump thực thi đến đâu các tuyên bố trong cương lĩnh tranh cử của ông sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế, an ninh ASEAN

Theo số liệu của Nhà Trắng, dưới chính quyền của Tổng thống Barack Obama, trao đổi thương mại giữa Mỹ và các quốc gia ASEAN tăng 55%, đạt 226 tỉ USD tính đến cuối năm 2015. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ, trong khi Mỹ là đối tác lớn thứ ba của cả ASEAN. Khoảng 500.000 người Mỹ hiện đang phục vụ cho các hoạt động thương mại và dịch vụ giữa nước này với ASEAN. Tương tự, đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp Mỹ vào ASEAN cũng tăng gần gấp đôi kể từ năm 2008, đạt 226 tỉ USD vào cuối năm 2015, lớn hơn cả châu Âu và Trung Quốc cộng lại.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng là trọng tâm trong chiến lược tái cân bằng do Tổng thống Obama khởi xướng năm 2011, nhằm chuyển phần lớn sức mạnh quân sự của Mỹ về khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay, chiến lược này đã tiến vào giai đoạn 3 với kế hoạch xây dựng một mạng lưới an ninh rộng khắp trong khu vực, mở cửa đối với bất kỳ quốc gia nào.

Chiến lược tái cân bằng trên mặt trận kinh tế cũng được Tổng thống Obama khởi xướng bằng Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 quốc gia, trong đó có 4 nước ASEAN là Brunei, Malaysia, Singapore và VN. Được cho là một hiệp định thương mại và đầu tư tự do với tiêu chuẩn cao cấp, TPP đã được các thành viên ký kết hồi tháng 2.2016 sau nhiều vòng đàm phán cam go, và hiện đang chờ quốc hội Mỹ phê chuẩn để có thể đưa vào thực thi.

TPP ngắc ngoải

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng viên Trump đã gọi TPP là “kẻ phản bội lớn nhất của lao động Mỹ” và tuyên bố sẽ “vứt sọt rác” hiệp định này nếu thắng cử. Đối thủ của ông ở đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng tuyên bố không ủng hộ những điều khoản hiện tại của TPP. Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore, quốc gia được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong số các thành viên ASEAN nếu TPP được thực thi, vì thế đã xác định trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time ngày 26.10: “Tôi nghĩ TPP sẽ chết nếu nó không được phê chuẩn trước tháng 1.2017”, thời điểm Tổng thống Obama phải rời Nhà Trắng.

Việc ông Trump, nhân vật được đánh giá là có tư tưởng “cô lập” nước Mỹ trước toàn cầu hóa, chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 8.11 trong khi ông Obama chỉ còn vài tháng tại vị với tầm ảnh hưởng sụt giảm vì thế khiến nhiều nhà quan sát tin rằng TPP đã hết hy vọng.

“Không TPP gì nữa. Ông Trump sẽ tập trung hồi sinh nền kinh tế nội địa và sẽ không có đầu tư mới vào ASEAN”, tiến sĩ Oh Ei Sun tại Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (RSIS, Singapore) nói với Thanh Niên. Cùng nhận định, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore) Ooi Kee Beng cho rằng: “TPP đã chết trong trứng nước. Và kết quả đó ảnh hưởng ghê gớm đến uy tín của Mỹ. Chiến lược tái cân bằng vì thế cũng bị nghi ngờ”. “Ông Trump còn nói rằng sẽ buộc Nhật Bản và Hàn Quốc trả phí cho việc Mỹ bảo hộ an ninh cho hai nước này. Như vậy, nhiều khả năng là Mỹ sẽ ít can dự vào an ninh khu vực hơn”, tiến sĩ Oh nói thêm.

Nhìn nhận sự sụt giảm uy tín của Mỹ, vị phó giám đốc viện nghiên cứu hàng đầu về Đông Nam Á cũng tỏ ra lo lắng: “Điều này sẽ dẫn tới việc các quốc gia ASEAN xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc”. Theo nhiều nhà quan sát, trước mắt, để “lấp khoảng trống” TPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc lĩnh xướng với sự tham gia của cả 10 quốc gia ASEAN cùng Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand sẽ có cơ hội tiến nhanh trên bàn đàm phán.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Channel News Asia ngày 9.11 về “giấc mơ Trung Hoa” trong bối cảnh bầu cử Mỹ, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế của ĐH Nhân dân Trung Quốc Vương Nghĩa Ngôi cũng thừa nhận “một nước Mỹ theo chủ nghĩa cô lập sẽ giúp Trung Quốc có nhiều cơ hội hơn”.

30 chưa phải là tết

Mặc dù khá thất vọng và lo lắng trước chiến thắng của ông Trump, nhiều nhà quan sát lại cho rằng mọi thứ vẫn ở phía trước và không chắc ông Trump sẽ thực thi tất cả những gì ông tuyên bố trong tranh cử. “Bất luận lời lẽ của ông Trump trong chiến dịch tranh cử như thế nào, tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để nói chiến lược tái cân bằng của người tiền nhiệm sẽ bị vứt bỏ”, chuyên gia về an ninh biển tại RSIS Collin Koh Swee Lean nói với Thanh Niên. Tiến sĩ Koh giải thích: “Sau bầu cử, chính quyền mới sẽ có thời gian để suy nghĩ về các chính sách một cách khôn ngoan hơn. Cá nhân tôi lạc quan rằng ông Trump sẽ tiếp tục cam kết can dự vào an ninh khu vực bằng việc duy trì các mối quan hệ đồng minh và đối tác hiện có”. Thủ tướng Lý Hiển Long trong cuộc phỏng vấn ngày 26.10 cũng nói: “Trong mọi cuộc bầu cử ở Mỹ, có rất nhiều điều gàn dở được tuyên bố, nhiều lập trường được nêu ra để rồi người thắng cuộc sẽ cố quên đi sau đó”.

Ông Duterte hứa thôi nặng lời với Mỹ

Hãng Reuters hôm qua đưa tin Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hứa sẽ thôi “cãi vã” với đồng minh Mỹ sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống nước này. “Tôi muốn chúc mừng ông Donald Trump. Muôn năm!”, ông Duterte phát biểu tại buổi nói chuyện với cộng đồng người Philippines trong chuyến thăm Malaysia. “Cả hai bên đều nặng lời. Thậm chí chuyện nhỏ chúng tôi cũng nặng lời. Tôi sẽ thôi cãi vã vì Trump đã chiến thắng”, ông nói. Trước đó, ông Duterte thường lớn tiếng thóa mạ Tổng thống Barack Obama và đe dọa chấm dứt hợp tác quân sự với Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới