Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhu vực nhận biết phòng không (ADIZ): Tiềm ẩn nguy cơ gia...

Khu vực nhận biết phòng không (ADIZ): Tiềm ẩn nguy cơ gia tăng căng thẳng Nhật – Trung

BienDong.Net: Hãng tin Kyodo ngày 10.11 dẫn nguồn tin quân sự nội bộ của Trung Quốc cho biết quân đội Trung Quốc (PLA) đang tính đến khả năng thiết lập khu vực nhận biết phòng không (ADIZ) có thể gồm cả vùng biển Hoa Đông chồng lấn với ADIZ của Nhật Bản, một động thái tiềm ẩn nguy cơ gia tăng căng thẳng giữa hai nước.

Một ADIZ giống như một vành đai quốc phòng trên đó có thể diễn ra những cuộc rượt đuổi máy bay chiến đấu một khi chiến đấu cơ của nước ngoài xâm nhập vùng này mà không có báo trước. Những khu vực này được thiết lập nhiều khi mở rộng ra cả bên ngoài không phận quốc gia nhằm ngăn chặn các vụ xâm nhập của các máy bay lạ.

alt 

Khu vực nhận biết phòng không của Nhật Bản

Từ khi tranh chấp đảo Senkaku nóng lên vào mùa thu năm 2012, cụm từ “Khu vực nhận biết phòng không” thường xuyên xuất hiện trên truyền thông Nhật Bản. Cuối tháng trước, nhiều tốp máy bay quân sự Trung Quốc bay qua chuỗi đảo thứ nhất, tiến ra Tây Thái Bình Dương trong các cuộc diễn tập huấn luyện.

Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản lo ngại những máy bay này có thể xâm nhập “Khu vực nhận biết phòng không” của họ, vì vậy đã điều máy bay quân sự bám theo, chụp ảnh ở cự ly gần. Các sự cố tương tự giờ đã xảy ra thường xuyên.

Trung Quốc đến nay vẫn chưa xác định ADIZ. Nếu nước này thiết lập một khu vực nhận biết phòng không như vậy thì chắc chắn nó sẽ chồng lấn với Nhật Bản vì phần lớn ADIZ của Nhật Bản trên biển Hoa Đông gần với Trung Quốc hơn so với đường trung tuyến giữa hai nước.

Theo tài liệu nội bộ của quân đội Trung Quốc mà Kyodo có được, một sĩ quan không quân nước này đã đề xuất tăng cường các hoạt động phòng không bằng cách thiết lập ADIZ. Người này cho rằng các nước láng giềng “đang gây bất lợi cho Trung Quốc bằng những đòi hỏi về tính hợp lệ của ranh giới biển”.

Vị sĩ quan này cũng cho rằng Trung Quốc không thể kiểm soát tài nguyên biển hiệu quả nếu không có ADIZ.

Động thái trên xuất hiện vào thời điểm ngày càng có nhiều máy bay của Trung Quốc đi vào ADIZ Nhật Bản kể từ khi chính quyền Tokyo quốc hữu hóa một phần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông hồi tháng 9.2012.

Theo các nhà phân tích, sau khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945, Mỹ đã xác định “Khu vực nhận biết phòng không” xung quanh Nhật Bản và do quân Mỹ đóng tại Nhật Bản kiểm soát. Mãi đến năm 1969, để thoát khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam, rút lui chiến lược khỏi Châu Á, Nixon hạ lệnh cho quân Mỹ đồn trú tại Nhật chuyển quyền kiểm soát khu vực này cho Nhật Bản.

Dương Bá Giang, Phó Trưởng phòng nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, tiết lộ: Sau khi được chuyển giao năm 1969, Nhật Bản không ngừng mở rộng “Khu vực nhận biết phòng không” của họ. Lần thứ nhất vào tháng 5 năm 1972, lần thứ hai vào năm 2010.

Ông Dương Bá Giang cho rằng mặc dù do Mỹ chuyển giao cho họ, nhưng việc Nhật Bản mở rộng “Khu vực nhận biết phòng không” đến cửa nước khác (Trung Quốc) như vậy là “tùy tiện, không hợp lý và phi pháp”.

Theo quy định của Điều 84 Luật Lực lượng Phòng vệ, đối với các mục tiêu khả nghi xâm nhập “Khu vực nhận biết phòng không” và không phận Nhật Bản, Nhật Bản sẽ bước vào trình tự cảnh báo dưới đây – radar dò tìm, tính toán đường bay, khẩn cấp kêu gọi, máy bay chiến đấu khẩn cấp cất cánh, máy bay chiến đấu phát đi lời cảnh cáo vô tuyến điện, máy bay chiến đấu lắc lư cánh để cảnh cáo, yêu cầu hạ cánh, và bắn cảnh cáo đạn tín hiệu.

Thiếu tướng hải quân Trương Triệu Trung, nhà bình luận quân sự Trung Quốc cho rằng: “Khu vực nhận biết phòng không này (của Nhật Bản) dù sao cũng không phải là không phận. Trung Quốc, Nga chưa từng thừa nhận chúng”. 

Ông nói thêm: “Trung Quốc đã tuyên bố đường cơ sở lãnh hải đảo Senkaku, đó là lãnh hải, không phận của Trung Quốc, không có liên quan đến Nhật Bản. Ở biển Hoa Đông, vùng trời ngoài lãnh hải Okinawa Nhật Bản, máy bay Trung Quốc có thể bay tùy ý, hoàn toàn hợp pháp”.

Theo Dương Bá Giang, tuy trước đây Nhật Bản tương đối thận trọng trong việc sử dụng vũ lực, nhưng hai năm gần đây, Nhật Bản đã uỷ quyền cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển, tăng thêm quyền lực cho quan chức chỉ huy tiền phương. Trong bối cảnh này, nếu thiết bị bay (máy bay) nước ngoài xâm nhập “Khu vực nhận biết phòng không”, đồng thời trong tay người chỉ huy tiền phương của Nhật Bản lại có quyền xử trí, thì nguy cơ xảy ra xung đột sẽ tăng lên” và đây là điều gây lo ngại cho Trung Quốc.

Trung Quốc xem xét lập “Khu vực nhận biết phòng không”

Tờ “Phương Đông” dẫn tờ tạp chí “Kanwa Defense Review” Canada gần đây cho biết, Quân đội Trung Quốc đang xem xét khả năng lập ra “Khu vực nhận biết phòng không”. Giáo sư, Đại tá Lương Phương, Ban Chiến lược, Đại học Quốc phòng Trung Quốc kiến nghị cần nhanh chóng xác định và tuyên bố “Khu nhận biết phòng không” của Trung Quốc.

Lương Phương cho rằng: “Nhật Bản đơn phương vạch ra Khu nhận biết phòng không, cách đường bờ biển của họ xa tới 100 – 600 km, nơi xa nhất cách bờ biển tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) chỉ 130 km, không chỉ đã bao trùm lên đảo Senkaku, mà còn vượt qua ‘tuyến trung gian’ trên biển Hoa Đông do Nhật Bản chủ trương, bao trùm lên toàn bộ các mỏ dầu khí của Trung Quốc như mỏ Xuân Hiểu”. Lương Phương cho rằng, “Khu nhận biết phòng không” của Nhật Bản như vậy đã trở thành “pháo đài bay” xâm phạm chủ quyền lãnh hải, không phận của Trung Quốc.

Lương Phương kêu gọi: “Vì vậy, Trung Quốc cần nhanh chóng thiết lập Khu vực nhận biết phòng không của mình, công bố với bên ngoài, đưa ra cảnh cáo, theo dõi, xua đuổi đối với máy bay chiến đấu nước khác khi nó xâm nhập, khi phát hiện đối phương có ý đồ thì hoàn toàn có quyền bắn rơi chúng. Chỉ có như vậy mới có thể bảo vệ tốt hơn “an ninh không phận và quyền lợi biển của mình”.

Theo báo Phương Đông, ý định của Trung Quốc đối với Khu vực nhận biết phòng không là, vạch ra vùng trời xung quanh vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, ở những vùng biển tương đối nhỏ hẹp này, như biển Hoàng Hải, vịnh Bắc Bộ sẽ lấy tuyến trung gian là cơ sở mở rộng ra bên ngoài. Diện tích của nó sẽ tăng 10 – 12 lần so với diện tích lãnh hải, vùng trời của Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, điều này có nghĩa là, “Khu vực nhận biết phòng không” của hai nước Trung Quốc, Nhật Bản chắc chắn sẽ chồng lấn lên nhau một phần, nguy cơ tiếp cận, va chạm với máy bay quân sự Nhật Bản sẽ tăng mạnh.

Chuyên gia không quân Tống Tâm Chi cho rằng, lợi ích lớn nhất từ việc thiết lập “Khu nhận biết phòng không” của Trung Quốc chính là “thúc giục” Quân đội Trung Quốc nâng cao mức độ phòng không của họ. “Sau khi công bố Khu vực nhận biết phòng không, chúng ta (Trung Quốc) đã có căn cứ pháp lý rõ ràng. Khi máy bay Trung Quốc tuần tra ở xung quanh đảo Senkaku, sẽ có được tính hợp pháp mạnh hơn”. “Một khi máy bay quân sự của nước có liên quan xâm nhập khu vực này, lực lượng hàng không của Hải, Không quân Trung Quốc có thể ngăn chặn có hiệu quả hoạt động trinh sát trên không của Mỹ, Nhật, bảo vệ bí mật quân sự của Trung Quốc”.

ADIZ là giới hạn phòng thủ quốc gia mà một chiếc máy bay chỉ có thể vượt qua sau khi cung cấp chi tiết về chuyến bay cho các nhà chức trách hàng không sở tại, nếu nó không sẽ bị máy bay quân sự ngăn chặn. Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập ADIZ, trong đó khu vực nhận biết phòng không mới nhất của Mỹ được thiết lập xung quanh thủ đô Washington sau vụ tấn công khủng bố tháng 9.2001.

Do các khu vực nhận biết phòng không cho đến nay đều được các nước thiết lập dựa vào luật nội địa và không có quy định quốc tế nào ràng buộc chúng, các khu vực này tiềm ẩn nguy cơ xung đột rất lớn, nhất là tại những khu vực hẹp về địa lí và tồn tại những tranh chấp chủ quyền chưa được giải quyết thấu đáo. Muốn tránh rắc rối và hạn chế xung đột, các khu vực này cũng phải được thiết lập trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền lợi của các nước liên quan./.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới