Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ thực sự "ngưng" khuấy động Biển Đông?

TQ thực sự “ngưng” khuấy động Biển Đông?

Trung Quốc không “ngưng” các hoạt động thực hiện mục đích độc chiếm Biển Đông mà chỉ chuyển đổi thủ đoạn từ cứng sang mềm, từ quân sự sang kinh tế.

Trung Quốc được cho là đã hoàn tất việc cải tạo các đá nhân tạo ở Trường Sa. Ảnh minh họa: NYT

Ngày 16/11 Báo VnExpress có bài phân tích: “Ba lý do Trung Quốc ngưng khuấy động Biển Đông”, tóm lược nhận định của một số học giả, chuyên gia quốc tế tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ VIII ở Nha Trang hôm 14, 15/11 vừa qua:

Bắc Kinh sẽ không tăng căng thẳng ở Biển Đông thời gian tới vì nước này đã hoàn tất việc bồi đắp, muốn lôi kéo thêm các nước ASEAN và chờ chính sách mới của Mỹ.

Trước đó hôm 15/11 Báo Dân Trí có bài nhận định “Trung Quốc chưa thay đổi tham vọng ở Biển Đông thì tình hình khó dịu đi”, dẫn lời PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng – Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá:

“Nguồn gốc của căng thẳng thì chúng ta đã biết là tham vọng của Trung Quốc về Biển Đông không thay đổi. Cho nên chúng ta cũng không nên hi vọng rằng khi Trung Quốc chưa thay đổi thì có nghĩa là tình hình sẽ dịu đi.”

Cá nhân tôi không tham dự hội thảo này nên không rõ các học giả trong và ngoài nước đã trao đổi cụ thể những nội dung gì và như thế nào, chỉ biết thông tin qua các chủ đề thảo luận và phản ánh của báo chí.

Tuy nhiên có một số người rất quan tâm tới cuộc hội thảo này và muốn tôi có bài phân tích cục diện Biển Đông sau Phán quyết Trọng tài, xu hướng diễn biến, đề xuất giải pháp từ góc độ nghiên cứu cá nhân, cũng như tổng hợp đánh giá của giới nghiên cứu trong nước và quốc tế qua hội thảo lần này.

Bởi vậy tôi xin có mấy lời chia sẻ những nhận thức cá nhân về một vấn đề dư luận đang quan tâm, liên quan trực tiếp tới chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. 

Thông tin tôi phân tích có thể không đầy đủ, vì mới chỉ dựa vào những phát biểu, đánh giá của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu thể hiện tại Hội thảo, được báo chí phỏng vấn và đưa tin, mà không được tiếp cận trực tiếp với các bản tham luận.

Người viết hy vọng được nghe nhiều kiến giải mới từ các nhà nghiên cứu khác.

Những nhận định, đánh giá khác nhau về hiện trạng

Báo VnExpress cho biết: “Các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo Biển Đông tại Khánh Hoà có chung nhận định diễn biến ở khu vực gần đây tương đối “yên ả” và xu hướng này sẽ duy trì vài tháng tới.”

Nguyên nhân của hiện trạng này được VnExpress tổng hợp từ phát biểu của các học giả quốc tế, cụ thể gồm 3 yếu tố:

Một là: “Bắc Kinh dường như không cần tiếp tục bất cứ hoạt động xây dựng nào nữa, các cơ sở hạ tầng và thiết bị của họ có thể đã sẵn sàng để được triển khai nhanh chóng trong tình huống khẩn cấp, không nhất thiết phải lắp đặt từ bây giờ.”

Hai là: Trung Quốc ngưng “khuấy động” Biển Đông được cho là vì muốn thuyết phục các nước cùng có tranh chấp trong ASEAN chấp thuận phương án đàm phán song phương.

Ba là: Bắc Kinh đang chờ đợi xem chính quyền Mỹ sẽ có các chính sách gì dưới thời tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Như vậy có thể thấy, các học giả quốc tế được VnExpress dẫn lời nhận định rằng, cục diện Biển Đông hậu Phán quyết Trọng tài 12/7 đến nay cơ bản ổn định là phù hợp với thực tế, cũng như đánh giá của cá nhân người viết.

Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong ít nhất vài tháng tới khi Nhà Trắng ổn định bộ máy chính quyền. Nhưng cách đặt tít và đưa tin của VnExpress “Ba lý do Trung Quốc ngưng khuấy động Biển Đông” có thể khiến dư luận chủ quan, mơ hồ, mất cảnh giác.

Tôi cho rằng, Trung Quốc không “ngưng” các hoạt động thực hiện mục đích độc chiếm Biển Đông mà chỉ chuyển đổi thủ đoạn từ cứng sang mềm, từ quân sự sang kinh tế.

7 đảo nhân tạo họ đã xây bất hợp pháp ở Trường Sa có thể biến thành căn cứ quân sự bất kỳ lúc nào nếu có một cái cớ phù hợp. Vấn đề là các bên liên quan, bao gồm các nước yêu sách ở Biển Đông và Hoa Kỳ có tạo cho họ cái cớ đó hay không?

Còn lúc này, rất có khả năng 7 đảo nhân tạo này sẽ trở thành điểm khởi đầu của cái gọi là “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, củng cố vững chắc thế cắm chân ở Trường Sa và tìm kiếm sự thừa nhận trên thực tế, qua việc mở một số dịch vụ “công ích quốc tế” như họ đã tuyên bố.

Đâu mới là nguồn gốc căng thẳng ở Biển Đông?

Về đánh giá của các nhà nghiên cứu trong nước, cá nhân tôi rất chia sẻ và đồng tình với TS Nguyễn Vũ Tùng qua những gì Báo Dân Trí phản ánh, xung quanh nhận định về Phán quyết Trọng tài 12/7:

“Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là một bước tiến rất lớn về mặt pháp lý vì phán quyết của tòa là phán quyết ràng buộc và cuối cùng. 

Điều đó có nghĩa rằng, chúng ta có rất nhiều cơ hội để làm cho các vấn đề pháp lý trước thì đang tranh cãi, bây giờ nó trở thành rất rõ ràng.”

Tuy nhiên cá nhân người viết vẫn có chút băn khoăn về ý kiến này của TS Nguyễn Vũ Tùng:

“Nguồn gốc của căng thẳng thì chúng ta đã biết là tham vọng của Trung Quốc về Biển Đông không thay đổi. 

Cho nên chúng ta cũng không nên hi vọng rằng khi Trung Quốc chưa thay đổi thì có nghĩa là tình hình sẽ dịu đi.

Chúng ta cũng phải tiếp tục cẩn trọng, nhất là vẫn phải đề phòng cho những tình huống căng thẳng ở Biển Đông.”

Cẩn trọng, đề phòng là đúng rồi. Nhưng vấn đề là cẩn trọng như thế nào? Đề phòng ra sao? Chúng ta không nên chỉ hy vọng Trung Quốc thay đổi, vậy chúng ta phải làm gì?

Nói cách khác là Việt Nam và các bên liên quan cần làm gì để Trung Quốc phải thay đổi, hoặc ngăn ngừa các tình huống căng thẳng ở Biển Đông? Hay chỉ ngồi chờ?

Những cuộc hội thảo như thế này cần tập trung tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi ấy.

Tất nhiên ông cũng có đề cập đến giải pháp:

“Với Việt Nam thì biện pháp tốt nhất là biện pháp ngoại giao. Đây là nằm chung trong luồng tư duy của các nước nhỏ – ngoại giao bao giờ cũng là mặt trận hàng đầu để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ quyền lợi của đất nước.

Biện pháp quân sự sẽ là biện pháp phiêu lưu. Biện pháp kinh tế thì chúng ta cũng phải chờ đến khi lực lượng kinh tế mạnh lên và chúng ta phải tạo được chỗ đứng trong phân công lao động khu vực và quốc tế.

Biện pháp ngoại giao, trong đó có biện pháp pháp lý và biện pháp đàm phán hòa bình, vẫn là biện pháp tốt nhất dành cho những nước nhỏ và là biện pháp khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay.”

Nhưng đây mới là những vấn đề mang tính nguyên tắc, trong khi vấn đề đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp cụ thể, căn cơ, lâu dài.

Và nếu chỉ nói rằng “biện pháp quân sự sẽ là biện pháp phiêu lưu” e chưa thoát ý. 

Bởi lẽ, tăng cường phòng thủ và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ mặc nhiên, không thể lơ là, không cần bàn cãi.

Có điều, nó không đồng nghĩa với hiếu chiến hay khiêu khích xung đột, đối đầu, nhưng cũng tuyệt đối không được xem nhẹ. Chúng ta đã có quá nhiều bài học về điều này.

Trông chờ quá nhiều vào Hoa Kỳ?

TS Nguyễn Vũ Tùng đánh giá: “Sự có mặt của Mỹ ở khu vực trong giai đoạn gần đây là một yếu tố tạo nên sự ổn định….Lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông cũng có giá trị rất tốt đối với việc làm giảm căng thẳng trên Biển Đông.

Chúng ta cứ tưởng tượng rằng, nếu không có những lập luận, những lời tuyên bố phản bác lại những hành động cực đoan của Trung Quốc thì tình hình cũng sẽ khác.”

Tôi đồng ý rằng Mỹ có vai trò quan trọng, đối trọng với Trung Quốc trên Biển Đông mà các nước nhỏ trong khu vực cần tận dụng và đều tận dụng, cho dù cách thức mỗi nước có khác nhau. 

Tuy nhiên thực tế cạnh tranh và thỏa hiệp giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những thay đổi cục diện tại Biển Đông. 

Cái bắt tay giữa Nixon với Mao Trạch Đông năm 1972, hay gần nhất là Philippines bị Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough năm 2012 là bài học luôn luôn nóng hổi.

Hơn nữa, cho dù TS Nguyễn Vũ Tùng nghĩ rằng lợi ích của Mỹ vẫn yêu cầu Hoa Kỳ có mặt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng ông vẫn lo lắng:

“Bây giờ còn quá sớm để phân tích xem là nước Mỹ sẽ chọn chính sách nào đối với Châu Á – Thái Bình Dương. Cái này chúng ta cần chờ thêm một thời gian nữa.”

Nói cách khác, trong trường hợp xấu Donald Trump rút khỏi châu Á như tuyên bố tranh cử, phải chăng các quốc gia nhỏ ven Biển Đông chỉ còn nước “quy hàng” Trung Quốc? 

Bởi vậy, khai thác vị thế vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực là rất đúng đắn và cần thiết. Nhưng dựa hoàn toàn vào người Mỹ “cầm cân nảy mực” ở Biển Đông thì có thể sẽ phải trả giả đắt. Vì thế mới cần chủ động nghiên cứu nắm bắt tình hình, hoạch định giải pháp.

Xin lưu ý là chính Hoa Kỳ là nước đầu tiên và duy nhất phát hiện, công bố hình ảnh chụp vệ tinh và thông tin Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam.

Cũng chính nước Mỹ công bố ảnh chụp vệ tinh hoạt động củng cố hợp pháp năng lực phòng thủ chính đáng, điều kiện sinh sống của cư dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam ở Trường Sa, Khánh Hòa.

Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng từng yêu cầu Việt Nam ngừng các hoạt động hợp pháp này, song song với yêu cầu Trung Quốc ngừng bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo.

Trong khi bản chất hoạt động của Việt Nam khác hoàn toàn Trung Quốc: Một bên củng cố phòng thủ chính đáng – bên kia không ngừng quân sự hóa trái phép, một bên tuân thủ luật pháp quốc tế – bên kia đe dọa an toàn tự do hàng hải, hàng không.

Nếu cái gì cũng nghe Mỹ, lúc Trung Quốc thừa cơ chiếm các điểm đảo, đá, bãi cạn ở Trường Sa do ta lơ là phòng thủ, Mỹ có can thiệp hay không?

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Cá nhân tôi thiết nghĩ, chủ trương giải quyết các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 là hoàn toàn chính xác.

Tôi đặc biệt tán thành biện pháp pháp lý mà TS Nguyễn Vũ Tùng đề cập, nhưng phải có sự chuẩn bị.

Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải chuẩn bị những giải pháp cụ thể, không thể chỉ dừng ở nguyên tắc chung chung.

Về pháp lý, Phán quyết Trọng tài 12/7 không chỉ tạo bước ngoặt trên Biển Đông bằng cách làm rõ nhiều vấn đề, mà còn đặt ra yêu cầu cho các bên liên quan, trong đó có Việt Nam phải nhìn lại hồ sơ, yêu sách của mình và có những điều chỉnh cần thiết, nếu có nội dung nào trái với UNCLOS 1982.

Chính vì các nước giải thích luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS theo cách khác nhau, từ góc nhìn lợi ích riêng của quốc gia mình, dân tộc mình, mới cần tới vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế.

Khi Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông đã được tuyên một cách hợp pháp và thuyết phục hôm 12/7, các bên liên quan cần lấy đó làm căn cứ giải thích, ứng dụng UNCLOS 1982 trên Biển Đông, không thể tùy tiện giải thích thế nào cũng được, miễn là có lợi cho mình.

Càng công khai, minh bạch điều này, càng nhận được sự ủng hộ của dư luận khu vực và thế giới.

Trong khi tiếp tục củng cố hồ sơ pháp lý, củng cố hoạt động phòng thủ chính đáng, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Trung để tăng cường đối thoại, giảm bớt nguy cơ xung đột đối đầu, chúng ta cũng cần chủ động nghiên cứu phương án hợp tác quốc tế ở khu vực Trường Sa.

Một phương án được một số học giả quốc tế nêu ra là xây dựng một công viên hải dương hay một khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc tế ở đây là rất khả thi, thích hợp.

Vậy nên chăng Việt Nam cần có sự chủ động nghiên cứu phương án này cùng với ASEAN, mời một tổ chức quốc tế đứng ra tập hợp, triển khai và kinh phí sẽ do các nước liên quan đóng góp?

Chúng ta không chủ động làm, đến lúc  Trung Quốc tiến hành các hoạt động kinh tế, thương mại như triển khai con đường tơ lụa trên biển với cái gọi là “cung cấp các gói dịch vụ công ích quốc tế”, chúng ta sẽ tiếp tục rơi vào thế bị động.

Hai nhà lãnh đạo khu vực đã và đang rất chủ động tìm hiểu, thích ứng trước những thay đổi địa chính trị của khu vực và thế giới đáng để chúng ta nghiên cứu, học tập là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Đây cũng là nguyên thủ 2 cường quốc có ảnh hưởng trong vấn đề Biển Đông, theo đuổi mục tiêu thượng tôn pháp luật, bảo vệ tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông, cho dù chính sách của Donald Trump có thế nào đi nữa.

RELATED ARTICLES

Tin mới