Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSuy nghĩ lại về cách tiếp cận vấn đề Biển Đông, Trung...

Suy nghĩ lại về cách tiếp cận vấn đề Biển Đông, Trung Quốc vẫn muốn tạo ra cuộc chơi của riêng mình

BienDong.Net: Những chuyển biến của ASEAN gần đây đã khiến Bắc Kinh suy nghĩ lại về cách tiếp cận vấn đề Biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn muốn tạo ra một cuộc chơi của riêng mình.

Đó là nhận định của Giáo sư Carlyle Thayer, giảng viên Trường Khoa học Nhân văn và Xã hội, Đại học New South Wales, Australia trong cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam bên lề Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ 5 về Biển Đông vừa kết thúc tại Hà Nội.

alt 

GS Carlyle Thayer (bìa phải) tại một hội thảo quốc tế về Biển Đông (ảnh BienDong.Net)

GS Carlyle Thayer đưa ra nhận xét tổng quan về những bước phát triển mới trong quan hệ song phương và đa phương của Trung Quốc với các nước ASEAN cũng như những yếu tố đã ảnh hưởng tới hợp tác an ninh về vấn đề Biển Đông trong năm 2013. Ông nói: Thứ nhất, sự đoàn kết của ASEAN đã được khôi phục sau những bất đồng giữa Chủ tịch ASEAN Campuchia với Philippines và Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 45 tại Phnom Penh. Sau đó ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa đã thực hiện những chuyến đi ngoại giao đến một số nước thành viên ASEAN và đạt được thỏa thuận từ những người đồng cấp về Nguyên tắc Sáu điểm trên Biển Đông, nhằm thúc đẩy lập trường của ASEAN về COC.

Tháng 3/2013, Campuchia chuyển giao vị trí Chủ tịch ASEAN cho Brunei. Cũng trong năm 2012, Thái Lan đảm nhận vai trò điều phối viên quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, tích cực đẩy mạnh vấn đề Biển Đông với Trung Quốc.

Trong thời gian này, hoạt động của ASEAN đã có những chuyển biến đáng kể, ông Thayer nhận định. Nhưng bản thân ASEAN vẫn chỉ đạt được thỏa thuận với một phần bản dự thảo COC, bởi vì họ lo ngại Trung Quốc có thể từ chối cả bản dự thảo đó.

Ngay từ đầu Trung Quốc chỉ muốn tiến từng bước một trong việc đàm phán với ASEAN. ASEAN và Trung Quốc đã có nhiều sự ‘giằng co’, Trung Quốc chỉ muốn một điểm ngay lập tức, kiểu như ‘ném bóng vào rổ’.

Thứ hai, Trung Quốc muốn tăng ảnh hưởng của mình, theo như cách họ nói là phải tạo ra không gian đàm phán thân thiện, hợp tác. Nhưng truyền thông Trung Quốc lại liên tục đưa ra những cảnh báo hoặc nghi ngại về hiệu quả của việc đàm phán.

Trên thực tế, thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc – Việt Nam, giữa Trung Quốc và các nước khác vẫn rất hạn chế. Chuyển biến vô cùng nhỏ.

Trong khi đó, các cường quốc lớn có ảnh hưởng đến Biển Đông chưa thể hiện nhiều vai trò. Washington tuyên bố trung lập. Nhật Bản chờ đợi Philipines có thể kiểm soát tình hình, nhưng Nhật Bản là một phần trong các tranh chấp Biển Đông. Trung Quốc cô lập Philippines.

Vì vậy, những quan điểm chính trị bị chia rẽ về vai trò của Phiplippines và phiên tòa của nước này khiến tạm thời Trung Quốc vẫn đang độc chiếm Biển Đông.

Việc tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng và áp dụng luật pháp quốc tế là rất cần thiết và quan trọng cho ASEAN, ông Thayer nhấn mạnh.

Về ý nghĩa Phiên tòa quốc tế Philipines kiện Trung Quốc, ông Carlyle Thayer nhận định: Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện. Tuy nhiên, theo quy định của UNCLOS, Tòa trọng tài gồm thẩm phán thuộc năm nước Ghana, Đức, Pháp, Hà Lan và Ba Lan có thể tiến hành mà không cần Trung Quốc tham gia. Tòa đã họp phiên đầu tiên vào ngày 11/7 và gửi dự thảo Quy định Tố tụng để Philippines và Trung Quốc góp ý kiến. Trung Quốc vẫn giữ quan điểm không chấp nhận các hành động pháp lý mà Philippines khởi xướng và sẽ không tham gia quá trình tố tụng. Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc vì thế cũng hết sức lạnh nhạt.

Các luật sư phía Philippines trông đợi rằng phiên tòa này là một cơ hội để vấn đề Biển Đông được cộng đồng quốc tế quan tâm nhiều hơn.

ASEAN không bị tác động nhiều bởi phiên tòa của Philippines – Ông Thayer phân tích. Ngược lại Philippines cũng hoàn toàn độc lập với ASEAN trong vụ kiện này. Tuy nhiên, Trung Quốc có nhiều động thái tác động vào ASEAN, giống như cách Trung Quốc đề nghị Việt Nam không ủng hộ vụ kiện của Philippines.

Việc tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng và áp dụng luật pháp quốc tế là rất cần thiết và quan trọng cho ASEAN.

Lý giải động cơ của việc Trung Quốc tuyên bố sẽ tham vấn với ASEAN về COC vào tháng 4/2013, ông Thayer nói: Thật ra, những chuyển biến nói trên của ASEAN đã khiến Bắc Kinh suy nghĩ lại về cách tiếp cận vấn đề Biển Đông. Đại diện Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc đồng ý thảo luận với ASEAN về COC. Trước đó, Trung Quốc vẫn giữ lập trường cứng rắn không chấp nhận COC.

Trong chuyến thăm Brunei, Thái Lan và Việt Nam từ ngày 9 – 15/10 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường đã thúc đẩy hoạt động hợp tác trên biển và khai thác chung. Hãng Tân Hoa Xã của nước này cũng kêu gọi các quốc gia trong khu vực đẩy mạnh ‘khai thác chung’.

Tôi nghĩ rằng đây chính là nội dung mà Trung Quốc muốn thúc đẩy đằng sau những tuyên bố tham vấn trong khuôn khổ COC.

Tuy nhiên tôi cũng cho rằng ASEAN sẽ giữ lập trường của mình để đạt được những thỏa thuận ở mức cao hơn trong bối cảnh Trung Quốc muốn tạo ra một cuộc chơi của riêng mình bằng cách tạo ra những tình huống từ rất lâu.

Về thái độ của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông, ông Thayer phân tích: Trong năm 2013, Mỹ và Philippines đã có vài cuộc tập trận chung. Hai nước đã tổ chức những vòng đàm phán đầu tiên về việc tăng cường sự hiện diện luân phiên của lính Mỹ tại Philippines. Hai bên cũng đã đưa một Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác an ninh vào tháng 8.

Quan hệ Mỹ – Việt cũng có những thay đổi. Tháng 7/2013, Tổng thống Barack Obama tiếp Chủ tịch nước Việt Nam, Trương Tấn Sang sang thăm Mỹ. Hai bên đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện và cùng đưa ra Tuyên bố chung 9 điểm.

Hai bên ghi nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của quan hệ thương mại và dành sự quan tâm cho ba thỏa thuận có liên quan đến lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, đặc biệt là tại Biển Đông.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới