Friday, April 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMôi trường BiểnKế hoạch tiêu hủy vũ khí hóa học Syria trên biển: Hiểm...

Kế hoạch tiêu hủy vũ khí hóa học Syria trên biển: Hiểm họa từ bãi thải vũ khí dưới biển Baltic

BienDong.Net: Sau khi Albania từ chối đề nghị của Mỹ cho sử dụng lãnh thổ của mình làm nơi tiêu hủy vũ khí hóa học Syria, ngày 20.11 các nhà ngoại giao phương Tây và quan chức của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tại The Hague cho biết OPCW đang nghiên cứu việc tiêu hủy số vũ khí này trên biển, trên một con tàu hoặc giàn khoan ngoài khơi.

“Điều duy nhất được biết đến vào thời điểm hiện tại là vấn đề này khả thi về mặt kỹ thuật” – các quan chức OPCW tuyên bố như vậy với hãng tin Reuters.

 alt

Đại dương không thể là bãi rác thải vũ khí hóa học

Theo Ralf Trapp, chuyên gia về giải trừ vũ khí hóa học, việc xây dựng một cơ sở tiêu hủy trên một giàn khoan nổi ngoài khơi có thể không khác nhiều so với trên các đảo san hô Thái Bình Dương, nơi Mỹ tiêu hủy phần lớn kho vũ khí hóa học của họ trong những năm 1990. Tuy nhiên, theo ông Trapp, việc xử lí kho vũ khí hóa học của Syria phức tạp hơn nhiều so với các quả bom hóa học từ thời Thế chiến 2 mà Nhật Bản tìm thấy dưới đáy biển, sau đó đưa lên phá hủy tại khu vực gần cảng Kanda từ năm 2004 đến 2006.

Cuối tuần trước, do áp lực phản đối của người dân, Chính phủ Albania đã từ chối đề nghị của Mỹ để tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria. Chính phủ Na Uy cũng từ chối yêu cầu của Mỹ với lý do “không có chuyên gia và cơ sở” để làm việc này.

Việc tiêu hủy các vũ khí trong vùng biển quốc tế sẽ không cần đến sự chấp thuận của bất kỳ quốc gia nào, tuy nhiên nó có thể vấp phải sự phản đối từ các nhà hoạt động môi trường.

Những quả bom nổ chậm dưới đáy biển Baltic

alt 

Sau gần 70 năm nằm yên dưới đáy biển, những thùng chứa vũ khí hóa học đang ngày ngày bị bào mòn, làm tăng nguy cơ rò rỉ các chất độc chết người

Kế hoạch tiêu hủy các vũ khí hóa học của Syria, khiến người ta liên tưởng tới sự kiện hàng trăm ngàn tấn bom đạn và vũ khí hóa học bị chôn vùi dưới đáy biển Baltic sau thế chiến 2 và nay đang trở thành những mối đe dọa tiềm tàng đối với cuộc sống của người dân và môi trường biển.

Theo báo chí Ba Lan, quyết định loại bỏ toàn bộ 267.500 tấn vũ khí hóa học tịch thu trong Thế chiến 2 được đưa ra tại Hội nghị Potsdam năm 1945. Cách thức nhanh gọn và rẻ nhất để làm việc này là đổ nó xuống biển Baltic, chủ yếu là vịnh Bornholm có độ sâu 100 m và vịnh Gotland có độ sâu 459 m. Rốt cục là người Nga đổ khoảng 40.000 tấn hơi cay, khí mù tạt, phosgene, tabun, muối xyanua và a xít prussic xuống vùng biển rộng khoảng 2.800 km2 quanh đảo Bornholm. Năm 1945, người Anh đổ 69.000 tấn đạn pháo và 5.000 tấn bom xuống eo biển Little Belt. Một năm sau, người Mỹ đánh chìm 42 tàu chứa 130.000 tấn vũ khí hóa học của Đức tại các eo biển Đan Mạch. Đầu thập niên 1950, Liên Xô và Đông Đức đổ 6.000 tấn vũ khí hóa học xuống vùng biển ngoài khơi nước Đức.

Công luận lưu ý rằng tất cả những con số đó mới chỉ là ước tính, và sự thật có thể nghiêm trọng hơn, bởi hiện nay, Nga mới giải mật một phần các tài liệu về kế hoạch vứt bỏ vũ khí hóa học của nước này. Những tài liệu tương tự ở Anh và Mỹ được coi là mật trong vòng 50 năm, nhưng đến năm 1997, thời hạn được kéo dài thêm 20 năm, nữa tức đến năm 2017 mới có thể được giải mật.

Thực tế, sau gần 70 năm nằm yên dưới đáy biển, những thùng chứa vũ khí hóa học đang dần bị bào mòn. Cách đây hơn 10 năm, nhà khoa học Nga Aleksander Korotenko dự báo rằng từ năm 2020 đến năm 2060, các thùng chứa hóa chất sẽ bị bào mòn nhanh hơn và chất độc sẽ rò rỉ ra nước biển nhiều hơn.

alt

Đường ống dẫn khí Nord Stream chạy qua biển Baltic

Các nhà khoa học Châu Âu cảnh báo khí mù tạt, chiếm 80% lượng hóa chất bị vứt xuống biển, có thể gây ra mối đe dọa đối với các loài cá và sinh vật biển khác tại Baltic. Bằng chứng là từ giữa thập niên 1990, tỷ lệ mắc ung thư phổi và ung thư da ở các ngư dân Thụy Điển đánh bắt giữa các đảo Bornholm và Gotland ngoài khơi bờ biển phía nam nước này tăng mạnh. Họ bị các triệu chứng điển hình do phơi nhiễm khí mù tạt. Trong khi đó, theo kết luận của Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan, cá sống ở khu vực có vũ khí hóa học mắc bệnh nhiều hơn cá sống ở các khu vực khác của biển Baltic và có nhiều khiếm khuyết về gien.

Và rủi ro không chỉ đến từ các vũ khí hóa học. Theo số liệu do Đan Mạch công bố, trung bình mỗi năm nước này có 20 người bị thương do “rác đạn” trên biển. Năm 2005, một quả mìn nổ giết chết 3 ngư dân Hà Lan trên chiếc tàu đánh cá của họ.

Jacek Beldowski Jacek Beldowski, chuyên gia Viện Hải dương học của thành phố biển Sopot của Ba Lan, đồng thời là điều phối viên Dự án Nghiên cứu và xử lý vũ khí hóa học (gọi tắt là Chemsea – một dự án liên quốc gia có sự tham gia của 11 viện nghiên cứu từ Ba Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Lithuania và Đức) cho biết: “Có lẽ không phải toàn bộ số vũ khí hóa học sẽ đồng loạt tuôn chảy ra môi trường. Nhưng, một điều chắc chắn là những năm sắp tới sẽ xuất hiện một dạng ô nhiễm hoàn toàn mới ở vùng Baltic”.

Một nguy cơ lớn khác mà các bãi thải vũ khí đặt ra là các công trình dưới đáy biển, kể cả các hệ thống đường ống dẫn dầu khí và đường cáp quang qua biển Baltic, điển hình là những tranh cãi nổi lên khi khởi động dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream chạy qua biển Baltic nối từ Nga sang Đức cách đây vài năm.

Vùng biển Baltic rộng khoảng 422.000 km2 với độ sâu trung bình là 56 m, nằm ở Bắc Âu, giáp với Thụy Điển, Phần Lan, Nga, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Đức và Đan Mạch.

BDN (tổng hợp theo TN và CAND)

RELATED ARTICLES

Tin mới