Bản tin Biển Đông ngày 28/11/2016.
1) Thách thức “Biển Đông” của Tổng thống Donald Trump: 4 biện pháp Mỹ có thể áp dụng để kiềm chế Trung Quốc
Ngày 25/11, tờ The National Interest đăng bài viết “Thách thức “Biển Đông” của Tổng thống Donald Trump: 4 biện pháp Mỹ có thể áp dụng để kiềm chế Trung Quốc” của Harry J. Kazianis, Trưởng Ban nghiên cứu về quốc phòng thuộc Trung tâm The National Interest:
Trong bài viết, ông Harry J. Kazianis nhận định, trong nhiệm kỳ tới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thách thức đến từ Trung Quốc vẫn sẽ là “tình thế tiến thoái lưỡng nan đã tồn tại nhiều thập kỷ, tại nhiều nơi trên thế giới” và ngày càng trở nên phức tạp. Rất nhiều chuyên gia, học giả đều khẳng định rằng, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng là do Bắc Kinh đang trở nên quyết đoán hơn, thay vì “giấu mình chờ thời” như trước, hiện Trung Quốc đã thể hiện rõ ràng chủ đích “tiến chậm mà chắc” để “đẩy” Mỹ ra khỏi Châu Á và “làm chủ” khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới này, ít nhất là cho đến thời điểm hiện nay. Trong đó, vấn đề Biển Đông sẽ là “phép thử” cho các nhà hoạch định chiến lược và nhà ngoại giao mới trong chính quyền của vị tân Tổng thống, bên cạnh những vấn đề mà ông sẽ phải xử lý trong quan hệ với Trung Quốc trong thời gian tới như cạnh tranh kinh tế hay gia tăng quân sự.
Tác giả cho rằng, với lưu lượng giao thương khổng lồ và nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng, Biển Đông cần được lưu ý vì “ai làm chủ được Biển Đông sẽ làm chủ được Châu Á”. Do đó, có thể hiểu được vì sao Bắc Kinh ráo riết bồi đắp các đảo nhân tạo trong khu vực với các cơ sở quân sự và luân phiên triển khai các phương tiện quân sự khác nhau nhằm củng cố các yêu sách phi lý của nước này và thay đổi hiện trạng, tiến tới chiếm đoạt vùng biển tối quan trọng trong tương lai mà “không phải nổ một phát súng nào”. Trong khi đó, dù đã tuyên bố Chính sách Xoay trục về Châu Á năm 2011, chính quyền Obama vẫn chưa thể kiềm chế được sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông do những khó khăn trong nước, những cuộc khủng hoảng liên tiếp ở nước ngoài khiến các nguồn lực và vốn liếng chính trị bị hạn chế. Vì thế, tác giả bài viết cho rằng chính quyền sắp tới cần nắm cơ hội để hiện thực hóa chính sách này một lần nữa và đảm bảo “Trung Quốc phải hiểu được rằng họ sẽ không thể đạt được mục đích của mình ở Biển Đông”.
Ông Kazianis đề xuất bốn yếu tố then chốt cho một chiến lược hoàn toàn mới đối với vấn đề Biển Đông, mà ông cho là “chính quyền mới có thể triển khai một cách dễ dàng” để kiềm chế tham vọng bá chủ khu vực của Trung Quốc trong tương lai: (i) cần thẳng thắn thừa nhận sự cạnh tranh giữa hai nước và khẳng định rõ một thực tế là Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng ở Biển Đông; (ii) ông Trump cần lựa chọn đội ngũ cố vấn tốt nhất cho chính quyền của mình, bởi những người này sẽ “quyết định” đến các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Châu Á, hay nói cách khác, quyết định đến việc Mỹ sẽ thúc đẩy hợp tác hay giảm dần sự quan tâm đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của mình trong những năm tiếp theo; (iii) tuyệt đối không đưa ra những tuyên bố cam kết, hứa hẹn nếu không thể thực hiện (hoặc sẽ không thực hiện) và (iv) chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến dài hơi, bởi việc Trung Quốc quyết tâm thống trị Biển Đông, và sau cùng là toàn bộ Châu Á, sẽ là một thách thức không chỉ trong 1 hay 2 năm, mà có thể sẽ kéo dài đến toàn bộ nhiệm kỳ của ông Trump, thậm chí còn lâu hơn nữa.
2) Viện Nghiên cứu của Trung Quốc ngang nhiên cáo buộc các cuộc tuần tra của Hải quân Mỹ là “đe dọa” chủ quyền của nước họ nhằm lấy cớ ủng hộ việc thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không trên Biển Đông
Ngày 25/11, hãng Bloomberg, Reuters, Huffington Post… đưa tin:
Ngày 25/11, Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông đã tung ra một tài lệu có tên “Báo cáo về Quân đội Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” cho thấy phía nước này không ngại biến mình thành nạn nhân khi nói Trung Quốc đang “trở thành mục tiêu theo dõi số một của Mỹ”, rằng các cuộc tuần tra của Hải quân Mỹ đã “đe dọa” đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, cáo buộc Mỹ nhắm đến mục tiêu “quân sự hóa ở vùng Biển Đông” để có cớ “thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không ở Biển Đông”, đòi hỏi Mỹ chấm dứt ý định “gia tăng tuần tra và trinh thám tầm thấp trong khu vực”. Thậm chí, ông Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện này còn giở giọng đặt điều rằng “rất có khả năng tân Tổng thống Donald Trump sẽ triển khai thêm tàu ở Biển Đông” dù “khả năng xảy ra xung đột trong khu vực “rất nhỏ””. Không những thế, báo cáo này còn vô cớ chỉ trích Nhật Bản “có động thái mạnh mẽ nhằm ủng hộ Mỹ trong vấn đề Biển Đông”.
3) Đài Loan sắp triển khai các cuộc tập trận trên Biển Đông
Ngày 27/11, tờ The Taipei Times đưa tin:
Ngày 26/11, một quan chức giấu tên của Đài Loan đã tiết lộ, Cục Cảnh sát biển và Bộ Quốc phòng Đài Loan sẽ triển khai các cuộc diễn tập cứu hộ nhân đạo trên Ba Bình vào ngày 28/11, theo cam kết của Tổng thống Thái Anh Văn trước đó. Theo ông này cho biết, các cuộc diễn tập là nhằm đưa ra sự tái khẳng định chủ quyền quốc gia của Đài Loan với Ba Bình, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế mà không bị “cứng rắn” và không gây leo thang căng thẳng bằng động thái “phô trương sức mạnh” ở khu vực.