Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiADIZ của Trung Quốc: Những tiếng nói phê phán

ADIZ của Trung Quốc: Những tiếng nói phê phán

BienDong.Net: Quyết định của Trung Quốc đơn phương thành lập một khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản cũng như trên vùng bãi ngầm Leodo dưới quyền kiểm soát của Hàn Quốc nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền đã lập tức vấp phải sự phản đối sự từ Hoa Kỳ, Nhật Bản cho đến Hàn Quốc, Đài Loan…

Rất nhiều quốc gia cũng tỏ ý quan ngại trước động thái của Trung Quốc, nhận định rằng quyết định này có nguy cơ dẫn đến các sự cố đáng tiếc, gây tình hình bất ổn định trong khu vực.

Câu hỏi đặt ra là hiện có hơn 20 quốc gia có khu vực phòng không tương tự, nhưng tại sao ADIZ do Trung Quốc thiết lập lại làm dấy lên nhiều mối quan ngại như vậy? Các quy định do Trung Quốc đặt ra khác gì so với các nước khác?

Một động thái khiêu khích nguy hiểm

Trả lời câu hỏi này, RFI dẫn lời chuyên gia Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia phân tích một số điểm khác biệt liên quan đến khu vực phòng không của Trung Quốc.

alt 

Trung Quốc muốn máy bay của Nhật Bản và các nước phải xin phép khi bay vào ADIZ do nước này thiết lập.

Ông Carl Thayer nói: Khu vực nhận diện phòng không của Trung Quốc (ADIZ) đặc biệt trên hai mặt. Trước hết, ADIZ của Trung Quốc bao gồm cả không phận phía trên quần đảo Senkaku của Nhật Bản và chồng lấn với vùng ADIZ của Nhật Bản. Đây là một thách thức trực tiếp đối với chủ quyền của Nhật Bản.

Mặt khác, Trung Quốc hiện đang yêu cầu tất cả các máy bay phải tuân theo quy định mới do họ ban hành. Ngược lại, Mỹ chỉ yêu cầu các phi cơ bay trực tiếp đến Mỹ thực hiện các quy định về việc nhận diện và thông tin mà thôi.

Nhiều người nghĩ rằng khu vực phòng không của Trung Quốc có thể làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang với Nhật Bản. Kể từ tháng Chín năm ngoái, phi cơ quân sự và tàu hải quân của hai nước đã đối đầu với nhau rất nhiều lần trong khu vực gần Senkaku/Điếu Ngư. Theo giáo sư Carl Thayer, việc Trung Quốc áp đặt khu vực phòng không trên vùng Senkaku/Điếu Ngư thực sự là một động thái khiêu khích nguy hiểm.

Theo Carl Thayer, không phận quần đảo Senkaku rất nhỏ so với toàn bộ không phận bao gồm trong ADIZ của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh cho máy bay quân sự đến thách thức máy bay của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản bên trên quần đảo Senkaku, điều đó sẽ là một hành động phiêu lưu với độ rủi ro cao, có thể kích động một cuộc đụng độ hoặc gây ra tai nạn. Một tình huống như vậy chẳng khác gì một trò chơi “liều mạng” trên không.

Việc Trung Quốc tìm cách đơn phương áp đặt các quy định về vùng ADIZ của mình làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố trên không, thay vì làm giảm các hiểm họa này. Khu vực nhận diện phòng không Trung Quốc trực tiếp thách thức quyền quá cảnh không phận của các chiếc phi cơ không trực tiếp đến Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc là một sự khiêu khích không cần thiết, ông Thayer khẳng định.

Đánh giá về động thái gần đây của Mỹ trong việc cho pháo đài bay B – 52 đi qua khu vực nhận diện phòng không mới của Trung Quốc, Giáo sư Thayer cho rằng Washington đã chứng tỏ bằng hành động cụ thể hai lập trường xuyên suốt của mình: Bảo vệ quyền tự do lưu thông – cả ở trên không – và khẳng định giá trị của Hiệp định Phòng thủ Mỹ – Nhật. Ông Carl Thayer phân tích: Hoa Kỳ đã nói khá rõ ràng rằng Hiệp ước phòng thủ với Nhật Bản bao gồm cả quần đảo Senkaku, từ đất đai, lãnh hải đến không phận. Khu vực phòng không của Trung Quốc đã trùm lên một vùng rộng lớn hơn là không gian trên quần đảo Senkaku. Phản ứng của Mỹ là xoáy mạnh thêm và đẩy bóng trở lại sân Trung Quốc.

Trung Quốc hiện đã được cảnh báo rằng hành động của họ thách thức không chỉ Nhật Bản mà cả Hoa Kỳ. Các phi vụ B – 52 gần đây là hành động thường xuyên nhằm khẳng định quyền tự do lưu thông trên không phận quốc tế của Hoa Kỳ. Trong phản ứng của mình đối với khu vực phòng không của Trung Quốc, Washington đã nói rõ là ADIZ của Mỹ chỉ nhắm vào các máy bay trực tiếp đi đến Hoa Kỳ, còn phi cơ chỉ quá cảnh thì vẫn được tự do di chuyển.

Mỹ có cùng một lập trường đối với không phận cũng như hải phận quốc tế. Hải quân Mỹ thường tiến hành các chiến dịch được thiết kế thích hợp nhắm vào những quốc gia có mưu toan hạn chế quyền quá cảnh của tàu quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Quan điểm cố hữu của Mỹ là không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ khác trong vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhưng do việc Hoa Kỳ đã quản lý quần đảo Senkaku sau Thế chiến Thứ hai trong tư cách là một phần của Okinawa trước khi giao lại cho Nhật Bản kiểm soát, vùng Senkaku là một trường hợp đặc biệt: Mỹ công nhận quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo này.

Cơ hội cho Washington và Tokyo củng cố liên minh phòng thủ khu vực

Charles Scanlon, Trưởng Ban Đông Á đài BBC thì cho rằng việc Trung Quốc đột ngột tuyên bố về một khu phòng không mới ngoài khơi bờ biển phía đông của nước này đã làm gia tăng căng thẳng và bất trắc ở biển Hoa Đông. Điều này có thể làm cho phần lớn thế giới bất ngờ – trừ Nhật Bản, quốc gia đã và đang đối mặt với sự thách thức liên tục, bền bỉ từ Trung Quốc trong hơn một năm qua.

Trong bài phân tích của mình, ông Scanlon chỉ rõ: Những tuần gần đây, quân đội Trung Quốc đã phái phi cơ ném bom bay tới gần lãnh thổ Nhật Bản và một phi cơ không người lái tiếp cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp, gây ra một cuộc tranh cãi với những ngôn từ cứng rắn giữa hai bên, bao gồm cả những đe dọa về hành động quân sự có thể xảy ra.

Theo ông Scanlon, tranh chấp có thể tập trung vào các đảo không có người ở vốn biệt lập, nhưng cuộc đối đầu giữa Nhật Bản và Trung Quốc là một phần của một cuộc thi thố rộng lớn hơn nhiều về quyền lực và uy tín.

Về phía Trung Quốc, sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và quân sự đã tạo cho nước này một sự tự tin mới để khẳng định mình trong vùng biển lâu nay được thống trị bởi Hoa Kỳ và đồng minh. Hạm đội hải quân mới của Trung Quốc từng tổ chức cuộc tập trận đầy tham vọng hồi tháng Mười cho thấy nước này đã mở đường ra vùng biển Thái Bình Dương – trực tiếp đi qua quần đảo Nhật Bản vốn hình thành một rào cản tự nhiên trước tham vọng hàng hải của Trung Quốc.

Động thái như vậy khẳng định tham vọng của Bắc Kinh thống trị khu vực, và việc này gây ra một phản ứng tự vệ từ Nhật Bản.

“Chúng ta sẽ thể hiện ý định không chấp nhận một sự thay đổi về hiện trạng bằng vũ lực… Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe phát biểu như vậy khi phi cơ và tàu chiến Nhật Bản được gửi tới giám sát các hoạt động của hạm đội Trung Quốc.

Tân lãnh đạo của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, được cho là đã đề nghị chia sẻ Thái Bình Dương với Hoa Kỳ trong cuộc gặp với Tổng thống Obama ở California hồi đầu năm nay.

Theo ông Scanlon, một số bên nhận thấy đó như là một lời mời để phân chia đại dương thành những khu vực ảnh hưởng.

Nhật Bản đã phản ứng mạnh mẽ với thách thức của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, trong khi cam kết của Tổng thống Obama tăng cường vị thế của Mỹ ở Châu Á được xem là trở ngại đối với tham vọng của Trung Quốc. Về lâu dài, Trung Quốc có vẻ tự tin rằng họ có thể khuất phục được sự kháng cự của Nhật Bản. Nhưng đó là một chiến lược có thể dễ dàng gây ra phản tác dụng – tạo cho Washington và Tokyo cơ hội củng cố một liên minh phòng thủ trong khu vực, chống lại sự ‘hung hăng’ ngày càng gia tăng một cường quốc đang lên – ông Scanlon kết luận.

BDN (Nguồn: RFI và BBC)

RELATED ARTICLES

Tin mới