BienDong.Net: Trong số các hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rạn san hô có một vai trò đặc biệt. Các rạn san hô đa dạng tham gia hình thành và bảo vệ hàng ngàn hòn đảo.
Chúng cũng có tầm quan trọng ở nhiều đảo lớn và vùng bờ biển trong việc bảo tồn đất đai và sự tồn tại của con người.Theo RFI, các nhà khoa học thống kê có khoảng 1.200 đến 1.300 loài san hô trên toàn thế giới. Một nửa số loài này là nằm trong các rạn san hô. Phần còn lại sống tách biệt dưới nước sâu, khiến việc tìm hiểu chúng trở nên khó khăn. San hô là một loài động vật, chứ không phải là một khoáng chất như nhiều người vẫn nghĩ. Loài động vật này cần mẫn xây dựng thế giới của chúng trong tự nhiên. Các vành đai san hô mà chúng ta thấy là kết quả của khoảng 18.000 năm đến 20.000 năm xây dựng.
San hô có nguồn gốc từ loài sinh vật đa tế bào xuất hiện sớm thứ hai tại các vùng nước của Trái Đất. Điều kỳ lạ là nhờ ở việc cộng sinh với loài tảo đơn bào, làm công việc quang hợp, mà san hô có được khả năng tạo ra bộ xương carbonatic. Bộ phận sống động là lớp vỏ rất mỏng ở bên ngoài của san hô, còn bộ xương của san hô thì giống như sỏi đá.
San hô có 3 nhóm chính là san hô cứng, san hô mềm và san hô sừng. San hô cứng có bộ xương bằng đá vôi và thường tăng trưởng rất chậm, có loại chỉ vào khoảng 1 cm/năm. San hô cứng được xem là thành phần chính cấu tạo nên rạn san hô. Chúng chỉ phân bố hạn chế ở những vùng biển nông, ấm áp và cấu trúc đá vôi do chúng liên kết lại tạo thành rạn san hô.
Thế giới hiện có hàng ngàn rạn san hô, giới hạn phân bố của chúng chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, trải dài từ khoảng 30 độ vĩ tuyến bắc đến 30 độ vĩ tuyến nam nơi mà nhiệt độ nước biển hiếm khi xuống dưới 18 độ C. Qua nhiều quá trình biến động của địa chất biển, đã hình thành các kiểu rạn hô khác nhau: – Rạn riềm (fringing reef): rất phổ biến xung quanh các đảo nhiệt đới và đôi khi dọc theo bờ đất liền. Rạn dạng nền (platform reef): là một cấu trúc đơn giản đặc trưng bởi sự cách biệt với đường bờ và có thể thay đổi lớn về hình dạng. Kích thước của chúng có thể rất lớn, đến 20 km2 chiều ngang. – Rạn chắn (barrier reef): được phát triển trên gờ của thềm lục địa và nằm xa bờ. Rạn san hô vòng (atoll): là những vùng rạn rộng lớn nằm ở vùng biển sâu. Mỗi một đảo san hô vòng là tập hợp của các đảo nổi và bãi ngầm bao bọc một lagoon rộng lớn với đường kính có thể lên đến 50 km.
Cũng như những sinh vật khác, san hô đòi hỏi cả thức ăn và chất dinh dưỡng vô cơ. Thức ăn cho san hô có thể lơ lửng trong nước biển như những mảnh nhỏ bao gồm cả sinh vật đang sống. Cũng như những nơi khác, trên rạn có những sinh vật ăn các sinh vật này và bị ăn bởi các sinh vật khác và như thế chuỗi thức ăn được hình thành, trong đó tất cả các động thực vật đều liên hệ với nhau. Tảo cộng sinh đáp ứng cho san hô tới 80% nhu cầu thức ăn tổng số của chúng.
Hầu hết các rạn san hô tồn tại trong môi trường nghèo chất dinh dưỡng nhưng chúng lại có năng suất xấp xỉ như rừng nhiệt đới. Nhiều tác giả đánh giá hệ sinh thái san hô là cơ sở dinh dưỡng hữu cơ, và là nguồn cung cấp thức ăn không chỉ cho bản thân sinh vật sống trong rạn mà còn cho cả vùng biển chung quanh. Theo TS Nguyễn Văn Trai (Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh), các rạn san hô được coi là một trong những hệ sinh thái có năng suất cao nhất trên thế giới. Chúng chiếm khoảng 0,1% diện tích bề mặt quả đất, nhưng nghề cá liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với rạn san hô mang lại khoảng 10% sản lượng nghề cá thế giới. Sức sản xuất sơ cấp của rạn san hô thường cao hơn vùng ngoài rạn đến hàng trăm lần.
Rạn san hô thường gắn bó chặt chẽ với rừng ngập mặn, thảm cỏ biển nên chúng tạo cho thủy vực năng suất cao. Hàng năm, rạn san hô cung cấp hàng triệu tấn carbon cho các vùng nước lận cận phục vụ cho quá trình sống trong đại dương.
Rạn san hô cũng được coi là hệ sinh thái quan trọng nhất, chúng bao gồm nhiều loài đặc trưng đại diện cho hầu hết các nhóm động vật biển. Một số lượng lớn các hang hốc trên rạn cung cấp nơi trú ẩn cho cá, động vật không xương sống đặc biệt là cá con. Nhiều sinh vật rạn san hô như cá, rùa, tôm hùm, bạch tuộc, trai ốc và rong đỏ được khai thác làm thực phẩm. Nguồn khai thác nhiều nhất là cá. Sản lượng lớn nhất của cá khai thác quanh rạn thuộc về các nhóm cá di cư, chỉ vào rạn theo mùa như cá thu, cá ngừ… Những loài cá này phân bố rộng trong đại dương nhưng trong một thời gian chúng đến gần các rạn để kiếm thức ăn và trong một số trường hợp là để sinh sản. Các loài cá trải qua cả cuộc đời trong rạn như cá mú, cá hồng… có thể đánh bắt quanh năm nhưng sản lượng không lớn. Tôm hùm là nguồn lợi gắn liền với rạn. Các nguồn lợi khác sinh sống tại vùng rạn là bạch tuộc, trai tai tượng, trai ốc, cá cảnh…
Các loại rong biển cũng được khai thác nhiều ở rạn san hô. Một số trong chúng có giá trị dinh dưỡng cao do chứa nhiều vitamin và muối khoáng. Một số sinh vật như các loài trai ốc được khai thác làm đồ lưu niệm, trang sức. Các loài rắn biển cũng được khai thác cho mục đích y học.
Các rạn san hô được coi là kho dược liệu dưới đáy biển do có mặt nhiều nhóm sinh vật có hoạt tính sinh học hoặc độc tố có giá trị dược liệu. Các loài san hô sừng, san hô mềm cho nhiều hoạt chất có giá trị dược liệu. Tính đa dạng của các loài trên san hô cao đến mức rạn được coi là “kho dự trữ” gien. Chúng lưu trữ nhiều chứng cứ để chúng ta có thể hiểu được các quần thể động thực vật phát triển như thế nào và có chức năng gì, cũng như chúng có thể có những giá trị tiềm ẩn trong tương lai.
Sự phức tạp về quá trình hình thành, sự khác nhau về hình dạng, màu sắc và trạng thái của sinh vật đã làm cho rạn có vẻ đẹp hiếm có và lôi cuốn đối với con người. Rạn là nguồn cảm hứng và đối tượng cho các nhà nhiếp ảnh dưới nước và của các nhà khoa học. Rạn cũng là nguồn lợi to lớn phục vụ cho giải trí và du lịch và được coi là có một giá trị văn hóa hiện đại.
Bơi và lặn là một cơ sở cho việc phát triển kinh tế đối với nhiều vùng đảo nhỏ, nơi mà tài nguyên thiên nhiên chủ yếu là ánh nắng mặt trời, biển và thủy sản. Trước đây, câu và săn cá rạn là môn thể thao chính trên rạn, giờ đây xem và chụp ảnh sinh vật rạn trở nên hấp dẫn hơn. Trong vài thập niên gần đây do nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí tăng cao, rạn trở thành nguồn thu lớn cho ngành du lịch sinh thái. Các nguồn thu từ du lịch rạn san hô ở Australia (Great Barrier Reefs) hàng năm thu gần 2 tỷ đô la Australia. Các rạn của Florida thu mỗi năm thu 1,6 tỷ USD, chỉ riêng du lịch lặn ở Caribe và Hawaii thu khoảng 300 triệu USD.
Du lịch lặn ở Việt Nam bắt đầu khởi sắc từ cuối những năm 1990. Thành phố Nha Trang được coi là trung tâm của du lịch biển Việt Nam, nơi có rạn san hô đa dạng và tuyệt đẹp. Năm 2003, khách du lịch đến Nha Trang mang về cho tỉnh Khánh Hòa khoảng 300 tỷ đồng Việt Nam. Khánh Hòa cũng là nơi đầu tiên ở Việt Nam khai thác rạn san hô như là nguồn cảm hứng cho các cuộc thi chụp ảnh. Tham quan rạn san hô cũng phát triển ở Côn Đảo, nhưng còn ở quy mô nhỏ và chưa trở thành hoạt động du lịch chính thức. Cù Lao Chàm đang định hướng phát triển du lịch biển song song với thiết lập khu bảo tồn biển. Khách du lịch cũng góp phần quan trọng cho sự phát triển của huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trong những năm gần đây.
Hệ sinh thái rạn san hô đang đứng trước đe dọa nghiêm trọng, trong đó có tình trạng xâm thực sinh học. Từ giai đoạn ấu trùng đến tập đoàn trưởng thành, san hô bị bao vây bởi một loạt các sinh vật ăn san hô. Nổi bật nhất trong chúng là Sao biển gai, nhiều khi trở thành đại dịch tiêu diệt những vùng san hô rộng lớn. Tuy nhiên, địch hại nghiêm trọng nhất đối với san hô là cá, nhiều loài có răng thích hợp để ăn các polyp san hô.
Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất chính là các hoạt động của con người. Cụ thể, đó là sự ô nhiễm và lạm dụng nghề cá, sự phá hoại về vật lý đối với các rạn san hô do giao thông hàng hải và tình trạng khai thác san hô làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu công nghiệp gây ra. Ngành kinh doanh hải sản tươi sống đã được xem là một nguyên nhân của sự suy thoái do việc sử dụng xyanua và các hóa chất khác khi đánh bắt các loài cá nhỏ. Cuối cùng, nhiệt độ nước cao hơn bình thường do các hiện tượng khí hậu như El Niño và sự ấm lên toàn cầu có thể làm san hô bị chết.
Một công trình nghiên cứu mới đây cho thấy khoảng 50% rạn san hô trên toàn thế giới đã bị phá hủy trong 30 năm qua. Và mỗi năm, từ 1 – 2% rạn san hô trên toàn thế giới lại bị phá hủy do sự ô nhiễm bờ biển và sự biến đổi khí hậu. Theo The Nature Conservancy, nếu sự phá hủy tăng lên theo tốc độ hiện hành, 70% các rạn san hô trên thế giới sẽ biến mất trong vòng 50 năm tới. Sự mất mát này sẽ là một thảm họa kinh tế đối với những đất nước ở vùng nhiệt đới. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của các nhân tố khác nhau đối với các hệ thống rạn san hô. Có nhiều nhân tố, trong đó có hiện tượng biển nhiễm điôxít cacbon, axít hóa đại dương, ảnh hưởng của bão cát, các chất ô nhiễm, ảnh hưởng của sự bùng nổ tảo.
Các rạn san hô là các cấu trúc sinh học phù hợp với những vùng nước dinh dưỡng thấp. Tình trạng phá hủy của rừng đước cũng như sự suy giảm diện tích các vùng đất ngập mặn đều được xem là các nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng nước tại các rạn san hô ngoài biển, ảnh hưởng đến các rạn san hô.
Hiện trạng rạn san hô Việt Nam
Vùng biển Việt Nam tập trung khoảng 340 loài san hô trong tổng số 800 loài của thế giới, phân bố rộng rãi từ Bắc tới Nam. Rạn san hô biển tập trung với mật độ cao ở vùng biển Nha Trang, Trường Sa, Hoàng Sa, biển Hòn Mun – Khánh Hòa. Sống cùng với hệ sinh thái này là trên 2000 loài sinh vật đáy và cá trong đó khoảng 400 loài cá san hô cùng nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, bào ngư, trai ngọc, hải sâm… Ở vịnh Hạ Long, phát hiện được 205 loài san hô cứng, 27 loài san hô mềm. Ở Côn Đảo, có 219 loài san hô, tập trung thành khu vực lớn kèm theo 160 loài cá san hô.
Tuy nhiên, hệ sinh thái rạn san hô Việt Nam đang đối diện với những de dọa từ con người như đánh bắt cá bằng thuốc nổ, hóa chất độc, khai thác san hô bừa bãi, hoạt động du lịch và các hoạt động kinh tế xã hội khác.
Người ta cho rằng, chín phần mười trong số hơn 1000 km2 rạn san hô ở Việt Nam đang ở tình trạng nguy cấp. 96% san hô bị đe dọa, trong đó 75% bị đe dọa nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Năm 1985, san hô có mặt ở hầu khắp các vùng ven đảo ở vịnh Hạ Long. Đến năm 1998, diện tích san hô chỉ còn 2/3 so với năm 1985. Một khảo sát vào tháng 6 năm 2006 cho thấy hầu như không còn san hô tại các vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Đi cùng với sự suy thoái của san hô trong vùng là sự vắng bóng của các loài hải sản quý và sự suy giảm sản lượng đánh bắt thủy sản nói chung.
Các nhà môi trường và bảo tồn thiên nhiên cảnh báo: Nếu hệ sinh thái rạn san hô bị mất, biển nước ta có nguy cơ sẽ trở thành “thủy mạc” không còn tôm cá nữa.
BDN (tổng hợp)