Saturday, April 20, 2024

Chiều biên giới

BienDong.Net: 5 năm sau khi dùng vũ lực chiếm đoạt Hoàng Sa của Việt Nam (19.1.1974), ngày 17.2.1979, Trung Quốc bất ngờ tung hơn 60 vạn quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc.

Mặc dù Trung Quốc đã phải rút quân sau hơn một tháng tổn thất nặng nề trước sự kháng cự mãnh liệt của quân và dân ta, cuộc chiến tranh xâm lược này cũng mở màn cho cuộc xung đột vũ trang tại biên giới giữa VN và Trung Quốc kéo dài suốt 10 năm sau đó.

Từ những năm tháng chiến đấu gian khổ ấy, đã vang lên bài ca Chiều biên giới của Hoàng Chung, phổ thơ Lò Ngân Sủn. Nhà thơ Lò Ngân Sủn vừa qua đời hôm 15.12 vì bạo bệnh. BDN xin trân trọng giới thiệu bài viết của Họa sĩ Đỗ Đức, một người cũng nhiều năm gắn bó với rừng núi phía Bắc viết về ông, như một sự tưởng niệm đối với một người tha thiết yêu quê hương, yêu mảnh đất biên cương Tổ Quốc…

 alt

Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979

Sau chiến tranh biên giới 1979 trên sóng nhạc phát thanh xuất hiện bài hát “Chiều biên giới” quyến rũ cả một thế hệ. Giai điệu bài hát mượt mà đầy cảm xúc ngọt ngào, ca từ thì thăm thẳm cõi lòng với tình yêu da diết: Chiều biên giới em ơi/có nơi nào xanh hơn/Như chồi non cỏ biếc/như rừng cây của lá/như tình yêu đôi ta/…

Nghe bài hát thấy đâu như tiếng suối reo, tiếng xào xạc ngàn lau dập dìu trong gió. Lấp ló những bóng lính biên phòng cưỡi ngựa đi tuần tra, bước chân ngựa vương trong gió ngàn… Mãi sau này mới biết ca từ bài hát rải trên nền nhạc của Trần Chung đó là thơ của Lò Ngân Sủn.

Bài thơ “Chiều biên giới” được sáng tác vào năm 1980 và được phổ nhạc ngay. Những năm đó khí thế chống quân bành trướng phương Bắc cao ngút. Biên giới là mặt trận nóng bỏng, mà bài hát thì du dương…

alt 

Lúa lượn bậc thang mây (Ảnh: Hồng Thảo)

Rồi vào đầu những năm 90 thế kỷ trước, trong chuyến đi Lào Cai lần đầu tôi gặp anh ở Sa Pa, thấy anh đẹp như cây măng mới mọc: Da trắng, mặt bầu và đặc biệt đôi mắt màu hổ phách trong vắt.

Và rồi tôi nhận ra ngay những vần thơ cũng trong trẻo ngây thơ như đôi mắt ấy…

Chàng trai người Giáy bản Qua, huyện Bát Xát, Lào Kai, đẹp như cây măng mới mọc năm nào hôm nay đã ra đi mãi mãi.

Anh ra đi nhưng để lại mãi những trang thơ trải dài biên giới, thấm đậm tình yêu lứa đôi. Bao nhiêu năm bom đạn nhưng hầu như thơ anh không thấy tiếng súng, thơ anh chỉ lấp lánh màu thổ cẩm với câu chuyện về một chàng trai suốt đời hát với tình yêu. Nhưng chứa đựng trong nó tình yêu bản làng đến nao lòng.

Chiều biên giới

Chiều biên giới em ơi!

Có nơi nào xanh hơn

Như tiếng chim hót gọi

Như chồi non cỏ biếc

Như rùng cây của lá

Như tình yêu đôi ta

Chiều biên giới em ơi!

Có nơi nào cao hơn

Như đầu sông đầu suối

Như đầu mây đầu gió

Như quê ta – ngọn núi

Như đất trời biên cương.

Chiều biên giới em ơi!

Có nơi nào đẹp hơn

Khi mùa đào hoa nở

Khi mùa sở ra cây

Lúa lượn bậc thang mây

Mùa tỏa ngát hương bay

Chiều biên giới em ơi!

Rừng chăng dây điện sáng

Ta nghe tiếng máy gọi

Như nghe tiếng cuộc đời

Lòng ta thầm mê say

Trên nông trường lộng gió

Rộng như trời mênh mông

Chiều biên giới em ơi!

Đôi ta cùng chiến hào

Gần nhau thêm bền chí

Tình yêu là vũ khí

Giữ đất trời quê hương.

Chiều biên giới em ơi!

Nghe con sông chảy xiết

Nghe con suối thác đổ

Hồn ta như ngọn gió

Thổi giữa trời quê hương.

1980

BDN

 

RELATED ARTICLES

Tin mới