Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBáo Nga: Vì sao Việt Nam nhờ Ấn Độ đào tạo phi...

Báo Nga: Vì sao Việt Nam nhờ Ấn Độ đào tạo phi công?

Theo đài Sputnik (Nga), các phi công Ấn Độ lái máy bay chiến đấu Su-30 nắm vững kho kinh nghiệm của riêng mình và họ có nhiều điều để truyền dạy cho các đồng nghiệp Việt Nam.

Trong bài viết đăng ngày 14/12, đài Sputnik cho biết, các chuyên gia Ấn Độ sẽ huấn luyện phi công Việt Nam điều khiển máy bay chiến đấu Su-30MK2 do Nga chế tạo.

Các thỏa thuận tương ứng đã được ký kết vào đầu tháng 12 tại New Delhi giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikarom và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam – Đại tướng Ngô Xuân Lịch.

Bình luận về vấn đề này trên đài Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho rằng đào tạo phi công quân sự Việt Nam ở Ấn Độ sẽ là một hướng đi quan trọng của Việt-Ấn trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng.

Trước đây, Ấn Độ đã có nhiều nỗ lực tích cực trong việc phát triển hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự với Việt Nam.

Sputnik cho hay, kể từ năm 2013, New Delhi đã bắt tay vào việc đào tạo thủy thủ đoàn cho tàu ngầm Kilo đề án 6361 mà Việt Nam mua của Nga. Tháng Sáu năm 2016, báo chí Nga và Ấn Độ đưa tin, các cuộc đàm phán về việc cung cấp tên lửa BrahMos (liên doanh Nga- Ấn Độ sản xuất) cho Việt Nam đã được nối lại và đang trong thời kỳ tiến triển.

Dự án đào tạo phi công Việt Nam ở Ấn Độ bắt đầu được thảo luận hồi năm 2014 nhưng thỏa thuận chỉ mới được ký kết vào đầu tháng 12 năm nay trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

Nhận định về dự án đào tạo phi công, Sputnik cho rằng hợp tác với Ấn Độ là một lựa chọn rất hợp lý đối với Việt Nam. Cụ thể như sau:

Không quân Ấn Độ hiện vận hành Su-30MKI, phiên bản khác của máy bay tiêm kích Su-30 Nga và có khác biệt đáng kể so với phiên bản đơn giản Su-30MK2 của Không quân Việt Nam. Su-30MKI được trang bị cánh mũi và động cơ điều khiển vector lực đẩy đặc trưng.

Tuy nhiên, trong kết cấu của hai loại máy bay này có nhiều đặc điểm chung. Vì thực tế khi các lực lượng vũ trang Nga hầu như không trang bị vũ khí trong giai đoạn những năm 1992-2009 thì Ấn Độ đã bắt đầu ồ ạt khai thác Su-30 sớm hơn cả Không quân Nga.

Hiện nay, phi công Ấn Độ đã tích lũy nhiều kinh nghiệm thí điểm loại máy bay chiến đấu hạng nặng. Trình độ đào tạo, cũng như kỹ năng chiến thuật của họ có thể sánh ngang với phi đội không quân của các nước tiên tiến nhất trên thế giới.

Báo Nga: Vì sao Việt Nam nhờ Ấn Độ đào tạo phi công? - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ. Ảnh: Indian Defense News

Ngoài ra, còn có một chi tiết quan trọng nữa. Trong những năm gần đây, phi công Ấn Độ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm huấn luyện chiến đấu có giá trị với máy bay Không quân của các nước lớn khác.

Năm 2005, trong cuộc tập trận chung với lực lượng không quân Mỹ, phi công Ấn Độ lái tiêm kích Su-30MKI đã giành chiến thắng vang dội trước nhóm phi công Mỹ sử dụng máy bay chiến đấu F-15C.

Vào năm 2015, trong cuộc tập trận chung với các lực lượng không quân Hoàng gia Anh, phi công thượng hạng Ấn Độ cũng chiến thắng máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon.

Tất nhiên, trong mọi trường hợp, việc thống kê những chiến thắng “chí mạng” như dẫn chứng nêu trên và thất bại trong các cuộc diễn tập như vậy không nên tự động xem là minh chứng về tính ưu việt của một trong những phi cơ đó.

Phần lớn có nhiều vấn đề phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện tập huấn và mỗi bên sẽ giải thích kết quả của họ theo cách khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng các phi công Ấn Độ lái máy bay chiến đấu Su-30 nắm vững kho kinh nghiệm của riêng mình và họ có nhiều điều để truyền dạy cho các đồng nghiệp Việt Nam.

Báo Nga: Vì sao Việt Nam nhờ Ấn Độ đào tạo phi công? - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam. Ảnh: Air Recognition

Một hệ quả quan trọng của liên kết đào tạo này sẽ là mở ra khả năng tương tác lớn hơn nữa giữa Không quân Ấn Độ và Không quân Việt Nam.

Theo Sputnik, trong quá trình huấn luyện, phi công Việt Nam ở Ấn Độ có thể theo dõi và tiến hành các cuộc diễn tập chung lớn trên lãnh thổ của cả hai nước. Nhân đây, các nước khác trong khu vực Đông Nam Á đang sử dụng Su-27 và Su-30 như Malaysia và Indonesia cũng có thể học tập kinh nghiệm của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới