Tờ Tin Tham khảo của Thông tấn xã Lào gần đây đăng một bài viết cho biết vẫn còn nhiều tiếng nói chỉ trích về dự án đường sắt Lào – Trung, đặc biệt là những lợi ích mà tuyến đường này đem lại cho Lào.
Trong thời gian qua, chính quyền Lào đã cho phổ biến một tài liệu tuyên truyền tới khắp các bộ, ban, ngành, các huyện, tỉnh, đặc biệt là nơi có tuyến đường sắt Lào – Trung đi qua nhằm quán triệt và thống nhất quan điểm về tuyến đường nói trên. Báo chí của Lào cũng đăng khá dày những lợi ích mà tuyến đường này đem lại cho Lào, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều quan chức và người dân của nước này vẫn có những quan điểm không đồng thuận về tuyến đường sắt này.
Bản tin cho biết về vấn đề thuê nhân công lao động, vẫn chưa có con số cụ thể rằng dự án trên 6 tỉ USD nói trên sẽ thuê bao nhiêu lao động người Lào. Trong khi đó, người dân bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng tuyến đường sắt nói rằng họ chưa được biết cụ thể về dự án cũng như số tiền đền bù.
Việc dự án đường sắt Lào – Trung có được triển khai hay không là vấn đề chưa ai dám chắc, nhưng nhìn vào các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Lào trong thời gian qua thì có thể thấy đã có nhiều dự án bị bỏ dở hoặc gây ra những hậu quả xấu, trái hẳn với kỳ vọng ban đầu. Ví dụ như dự án đặc khu kinh tế tại huyện Tonphong, tỉnh Bokeo đã không tạo được công ăn việc làm cho người dân, công nhân Lào bỏ hết, chỉ còn lại công nhân Trung Quốc và Myanmar. Trong khi người dân phải nhượng lại đất cho dự án xây dựng xân bay, dự án xây dựng sân golf và dự án xây dựng casino; Hay như dự án xây dựng sân vận động quốc gia tại km16 để tổ chức SEA Games hồi năm 2009, đổi lại chính phủ Lào phải nhượng quyền sử dụng trên 300ha đất cạnh khu vực Thatluang cho người dân Trung Quốc đến lập nghiệp và hiện nay, vấn đề còn tồn đọng đó là tiền đền bù cho người dân mất đất; Hoặc như việc cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc đến trông chuối tại khu vực phía Bắc của Lào, các vườn chuối của các nhà đầu tư Trung Quốc đã gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân khu vực xung quanh, khiến chính quyền tại đó phải ra chỉ thị dừng việc nhượng quyền sử dụng đất; Ngay tại thủ đô Viêng Chăn, nhà máy xử lý rác thải của Trung Quốc ở bản Nonkhilec, huyện Sikhottapong đã gây mùi hôi thối rất khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân khu vực lân cận. Hiện chính quyền thủ đô Viêng Chăn đã có lệnh đình chỉ hoạt động của nhà máy. Chính vì vậy, trước khi triển khai dự án đường sắt Lào – Trung, cần đặt câu hỏi rằng chính phủ cũng như người dân Lào sẽ còn tiếp tục phải chịu thiệt hại nữa không nếu nhìn vào các dự án phát triển của Trung Quốc trong thời gian qua.
Bản tin dẫn lời một học giả Lào cho biết: “Về tuyến đường sắt Lào – Trung, phần lớn lợi ích thuộc về Trung Quốc, bởi vì đó là ý tưởng của Trung Quốc chứ không phải là ý tưởng của chính phủ Lào. Không hiểu rằng sau khi tuyến đường sắt hoàn thành, Lào sẽ lấy hàng hóa gì ra để xuất khẩu”.
Đây cũng là quan điểm chung của rất nhiều quan chức và người dân Lào khi trả lời phóng viên TTXVN về dự án đường sắt nói trên. Theo họ, trên thực tế, Trung Quốc mới là nước cần dự án để phục vụ cho tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh, Lào dù cần nhưng chưa phải lúc này, bởi vận chuyển hàng hóa thì Lào gần như không có gì nhiều để xuất khẩu, ngoại trừ khoáng sản, gỗ, khoáng sản thì hầu hết do Trung Quốc đầu tư nên việc chuyển về là việc của họ, gỗ thì gần như đã hết. Trong khi người dân thì ở khu vực khu vực Bắc Lào rất thưa và nghèo, nếu có tuyến đường sắt thì đi lại thuận tiện hơn nhiều, nhưng do dân rất thưa nên cũng không có nhiều người đi, vì vậy, hiệu quả lúc này là rất thấp.
Một số quan chức thậm chí còn tỏ ý tiếc, nói rằng nếu có quyền, họ sẽ không bỏ tiền góp vốn vào dự án trên, mà phía Trung Quốc nếu muốn phải tự bỏ tiền 100% vốn. Tâm lý chung của nhiều quan chức Lào hiện nay là chỉ trên lời nói, mà không vội triển khai dự án, sao cho càng chậm thực thi càng tốt.