Nhân chuyện Sao Tome và Principe, là một đảo quốc nhỏ ở Tây Phi đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, Bắc Kinh bị tố dùng tiền để thúc đẩy “Một Trung Quốc”.
Ngày 21/12, Đài Loan đã cáo buộc Trung Quốc lợi dụng những khó khăn về tài chính của Sao Tome và Principe mang tiền đi trợ giúp để thúc đẩy chính sách “Một Trung Quốc” của mình sau khi nước cộng hòa Tây Phi này tuyên bố chấm dứt quan hệ với Đài Loan.
Phát biểu trong buổi họp báo tại Đài Bắc, quan chức ngoại giao Đài Loan đã tuyên bố: Đài Loan sẽ không viện tới “chính sách đô-la” (sử dụng tài chính để mở rộng tầm ảnh hưởng) sau quyết định của Sao Tome.
Chính quyền Đài Loan mạnh mẽ tuyên bố: “chính quyền Bắc Kinh không nên lợi dụng lỗ hổng tài chính của Sao Tome, coi đó là cơ hội để thúc đẩy chính sách Một Trung Quốc. Hành động này không có lợi cho quan hệ êm ả giữa hai bờ eo biển”.
Văn phòng lãnh đạo Đài Loan cũng lên tiếng, cho rằng hành động của Trung Quốc sẽ làm tổn hại tới sự ổn định giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Trong khi đó, Trung Quốc hoan nghênh động thái này, dù không nói rõ về việc thiết lập quan hệ giữa hai bên, hay đề cập tới yêu cầu hỗ trợ tài chính.
Trước sự kiện này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một thông cáo: “Chúng tôi đã thấy thông cáo từ Chính phủ Sao Tome và Principe ngày 20/12, tuyên bố cắt đứt cái gọi là ‘quan hệ ngoại giao’ với Đài Loan. Trung Quốc đánh giá cao hành động này và hoan nghênh Sao Tome quay trở lại con đường đúng đắn của chính sách Một Trung Quốc”.
Bắc Kinh khẳng định, Đài Loan không có quyền thiết lập quan hệ ngoại giao bởi Đài Loan là một phần của Trung Quốc và vấn đề này đặc biệt nhạy cảm đối với Bắc Kinh.
Tại châu Phi, hiện chỉ còn Burkina Faso và Swaziland duy trì quan hệ chính thức với Đài Loan. Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn dự định sẽ tới thăm các đồng minh ở Trung Mỹ gồm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador vào tháng tới. Hiện tại, Đài Loan chỉ còn lại 21 đồng minh.
Sao Tome và Principe là một đảo quốc nhỏ ở châu Phi. Nền kinh tế của nước này phụ thuộc vào ngành xuất khẩu cacao nhưng vì nằm trong khu vực Vịnh Guinea với trữ lượng dầu mỏ dồi dào nên Sao Tome và Principe được coi là một nước sản xuất dầu khí tiềm năng trong tương lai.
Theo nguồn tin ở Bắc Kinh của Reuters, Sao Tome là một trong những nước nằm đầu danh sách các quốc gia mà Trung Quốc muốn kéo ra khỏi Đài Loan. Năm 2013, đảo quốc này cho biết, Trung Quốc dự định mở một văn phòng kinh tế để thúc đẩy các dự án ở đó, 16 năm sau khi Bắc Kinh cắt đứt quan hệ vì Sao Tome công nhận Đài Loan.
Suốt nhiều năm liền, Bắc Kinh và Đài Loan luôn tìm cách lôi kéo đồng minh của nhau bằng cách hứa hẹn các gói viện trợ hào phóng. Tuy nhiên, hai bên đã ngừng sử dụng phương thức này từ khi ký một loạt các thỏa thuận thương mại và kinh tế năm 2008, sau khi ông Mã Anh Cửu lên làm lãnh đạo Đài Loan.
Trước đó, tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng Mỹ không nhất thiết bị ràng buộc bởi chính sách “Một Trung Quốc”, trừ khi Mỹ thỏa hiệp với Bắc Kinh về một thứ gì đó, như thương mại chẳng hạn. Tuyên bố đưa ra chỉ mươi ngày sau khi nhà tỉ phú New York chọc giận Bắc Kinh bằng cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2-12.
Tuy nhiên, đa cho rằng chuỗi hành động trên của ông Trump “mang tính chiến lược” và Tổng thống đắc cử Mỹ đã “hé lộ” canh bạc mà ông sắp đặt cược vào thông qua cuộc điện đàm với bà Thái, và chính thức “giở bài” bằng tuyên bố về chính sách “Một Trung Quốc”, một sự sắp xếp có tính chiến lược.
Ông Trump đã “cho Bắc Kinh thời gian” để tức giận và cân nhắc thiệt hơn giữa các lựa chọn để phản ứng lại bình luận của mình. Trong thời gian này, chính ông Trump cũng có thể quan sát hành động của Bắc Kinh để tính toán các bước đi tiếp theo.
Về phía Đài Loan, giới quan sát cho rằng Đài Bắc đang theo dõi sát sao động thái của Washington và Bắc Kinh để đảm bảo lợi ích của mình. Đã có quan ngại rằng cách tiếp cận của ông Trump (nâng tầm quan hệ với Đài Loan bằng cách chọc giận Trung Quốc) là “dữ nhiều hơn lành”.