BienDong.Net: Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Đại úy Vũ Quang Chương, nguyên Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/6 trên thềm lục địa Việt Nam vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nhà giàn (tên gọi cụm kinh tế – khoa học – dịch vụ DK1) được nhà nước quyết định xây dựng năm 1989 tại khu vực các bãi ngầm trên thềm lục địa phía Nam nhằm khai thác tiềm năng và những ưu thế tự nhiên trong khu vực, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam.
Bàn thờ liệt sĩ Vũ Quang Chương ở quê nhà Thái Thụy (Thái Bình) – Ảnh Tuổi trẻ
3 nhà giàn DK1 đầu tiên được Bộ GTVT và Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng tại bãi Phúc Tần (lô 3), bãi Tư Chính (lô 1) và bãi ngầm Ba Kè (lô 6). Năm 1990 – 1991 thêm 3 nhà giàn được xây dựng tại bãi Phúc Nguyên (lô 2), Huyền Trân (lô 4) và Quế Đường (lô 5)…
Các nhà giàn ban đầu được thiết kế khá đơn giản đã dần được thay thế bằng các nhà giàn hiện đại, vững chãi soi mình trên biển. Đến nay, tại khu vực thềm lục địa phía Nam Tổ quốc có 15 nhà giàn hiện diện trên các bãi ngầm tại Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường và Ba Kè, đóng vai trò quan trọng như những cột mốc chủ quyền trên vùng biển Tổ quốc.
Trong trang sử của nhà Giàn, không ai có thể quên sự kiện nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị cuốn chìm trong cơn bão số 8 tháng 12/1998. Khi cơn bão ập đến, trên nhà giàn có 9 người, gồm Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng; Thượng úy Dương Văn Hoan, Chỉ huy phó; Chiến sĩ cơ điện Nguyễn Hữu An; Y sĩ Nguyễn Hữu Tôn; chiến sĩ báo vụ Hoàng Văn Thủy; Phí Ngọc Thuật; Cơ yếu Hà Công Dụng; Pháo thủ Nguyễn Văn Thơ và Chiến sĩ ra đa Lê Đức Hồng.
Hoàng Văn Thủy, người đã cùng 5 đồng đội bơi trên biển suốt 14 giờ đồng hồ và sống sót trở về kể lại: Chiều 12.12.1998, cơn bão số tám có tên quốc tế Fathes đổ bộ vào vùng biển DK1. Cụm nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6) nằm đúng vệt đi của bão. Mệnh lệnh từ Sở chỉ huy: “Tất cả nhà giàn chuẩn bị sẵn sàng đối phó với sóng gió, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra khi nhà giàn đổ. Các tàu trực ở khu vực nhanh chóng về Côn Đảo trú bão”.
Tưởng vọng các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trên vùng thềm lục địa phía Nam (Ảnh BienDong.Net)
Nhận lệnh cấp trên, chỉ huy trưởng, đại úy Vũ Quang Chương nhanh chóng hội ý, giao nhiệm vụ cho từng người, làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng đối phó với sóng gió. Lúc 16 giờ ngày 12.12.1998, trên vùng biển thềm lục địa quanh nhà giàn không còn hình bóng một con tàu, tất cả đã đi tránh bão. Sóng mỗi lúc một lớn hơn. Những con sóng lừng lững như quả núi liên tiếp ập đến làm nhà giàn rung lắc mạnh. Mặt biển mịt mù trắng xóa, gió rít giật ầm ầm, chỉ cần sơ sẩy là bị gió hất tung xuống biển. Tất cả 9 chiến sĩ mặc sẵn áo phao, lấy giây mồi buộc vào tay nhau để nếu chẳng may nhà giàn đổ xuống biển, thì vẫn tìm thấy nhau, chết thì vẫn còn xác.
Nhà giàn lắc lư chao đảo theo sóng. Không thể trụ được nữa, đại úy Vũ Quang Chương chỉ huy tốp 2 nhảy xuống biển lần theo dây mồi, bằng mọi cách phải bám phao cứu sinh. Trên tốp 2 có chỉ huy phó quân sự Trung úy Dương Văn Hoan, chiến sĩ Cơ yếu Hà Công Dụng và Thuật – chiến sĩ pháo thủ.
Trên nhà giàn lúc này chỉ còn Thủy, Chương và chiến sĩ cơ điện. Trước khi rời nhà, anh Chương còn cẩn thận đóng tất cả cửa nhà lại nếu đổ thì anh em không bị nước hút vào trong. Chương lặng lẽ đến mở tủ, cầm lá cờ Tổ quốc ôm lên ngực mình rồi gấp gọn cùng với cuốn sổ công tác cho vào bao bảo quản gói chặt, còn Thủy đem theo một súng tín hiệu và 6 viên đạn cùng các tài liệu mật của ngành thông tin.
Ra thăm chiến sĩ nhà giàn, hình bên trái là nhà giàn cũ (Ảnh BienDong.Net)
Trong ca liên lạc cuối cùng, Thủy bình tĩnh dặn chị Vân ở đài canh Sở Chỉ huy Hải Phòng: “Chị Vân ơi. Em là Hoàng Văn Thủy. Quê em ở Mỹ Sơn xã Lưu Sơn huyện Đô Lương Nghệ An. Bố em là Hoàng Văn Sơn mẹ em là Lê Thị Thịnh. Nếu em chết, nhờ chị viết thư về gia đình báo cho nhà em biết nhé”, rồi cùng Chương nhảy xuống biển trong tiếng gào thét của đồng đội phát qua máy ICom sóng cực ngắn: “Thủy ơi nhảy đi, nhảy đi”.
Giữa sóng gió và trời tối đen như mực, Chương hô lớn: “Tất cả anh em bám chặt vào phao bè và ra khỏi vòng xoáy”. Đúng lúc đó một con sóng kinh hoàng dựng lên như vách núi đập mạnh làm cho trạm đổ hoàn toàn. Chương và 2 đồng đội của anh bị hất tung không bám được vào dây nữa. Con sóng ấy đã cướp mất anh và hai đồng đội Nguyễn Văn An và Lê Đức Hồng.
Được biết trong trường hợp của Anh hùng liệt sĩ Vũ Quang Chương, theo nguyện vọng của gia đình anh, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã đến vùng biển nơi anh hy sinh mang về một nhánh san hô, được gia đình xem như linh hồn của con trai mình và thờ cúng bên cạnh di ảnh của anh.
Đại úy Vũ Quang Chương quê ở thôn Tri Chỉ, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1986, nhập ngũ vào quân đội. Trước khi về tiểu đoàn DK1, đại úy Chương đã được đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội binh chủng hợp thành tại Trường Sĩ quan lục quân 1 (Sơn Tây, Hà Nội). Tháng 7 năm 1998, anh ra nhà giàn DK1/6 (Phúc Nguyên 2A) làm nhiệm vụ cùng 8 đồng đội khác. Anh hy sinh khi vừa bước sang tuổi 30.
Việt kiều ra thăm nhà giàn ngày nay được xây dựng kiên cố hơn, trang bị tốt hơn (ảnh BienDong.Net)
Sau đúng 15 năm anh hy sinh giữa lòng biển mẹ, ngày 13.12.2013, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ đại úy Vũ Quang Chương.
Thiếu tá Bùi Quang Phẩm, trưởng ban tuyên huấn Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho biết: Lễ công bố truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho liệt sĩ đại úy Vũ Quang Chương, sẽ diễn ra đúng dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Vùng 2 Hải quân (19.3.2009 – 19.3.2014).
Liệt sĩ Vũ Quang Chương vĩnh viễn nằm lại dưới biển khơi. Máu đào của anh đã hòa vào lòng biển, xương cốt của anh hóa đá san hô. Anh mãi mãi là biểu tượng cao đẹp của tuổi trẻ. Hành động ôm cờ Tổ quốc thanh thản đi vào lòng biển đã trở thành bất tử. Tên anh đã khắc vào lòng biển, thành bản tình ca. Sự hy sinh của anh đã tạo thành mạch nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên, thôi thúc các thế hệ hôm nay có trách nhiệm với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc mình.
Ngày 5.7 tới đây, Cụm kinh tế – khoa học – dịch vụ kỷ niệm tròn 25 năm ngày thành lập. Gần 25 năm qua, 15 nhà giàn DK1 có sự đổi thay rất nhiều nhất là đời sống sinh hoạt, huấn luyện của các chiến sĩ. Các thế hệ chiến sĩ nhà giàn DK1 thời đầu xây dựng, người còn, người nghỉ hưu, người chuyển ngành hoặc ra quân, nhưng có 9 người đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ trong đó chỉ có 1 liệt sĩ được tìm thấy xác, các anh còn lại mãi mãi hóa thân vào biển.
Trong khu vực nhà giàn DK1, ngoài trường hợp Vũ Quang Chương, Lê Đức Hồng và Lê Đức An hi sinh tại nhà giàn Phúc Nguyên, tháng 12 – 1990, một cán bộ và hai chiến sĩ là Nguyễn Hữu Quảng, Trần Văn Là, Hồ Văn Hiền hi sinh tại nhà giàn Phúc Tần 3. Một năm sau, sự cố tàu HQ – 666 chìm trong trận lốc cuồng phong tại Bãi cạn Tư Chính đêm 23 tháng Chạp năm 1991 đã cuốn trôi xuống biển một sĩ quan (thuyền phó quân sự Phạm Tảo) và một quân nhân chuyên nghiệp (máy trưởng Lê Tiến Cường). Ngày 21 – 4 – 2001, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú hi sinh trong khi làm nhiệm vụ gác đêm tại nhà giàn DK1/16.
Giờ đây, mỗi khi tàu qua khu vực nhà giàn, các chiến sĩ và đồng bào ta lại dừng lại để một phút mặc niệm những người đã bỏ mình vì sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Lễ tưởng niệm thường kết thúc với nghi thức thả tràng hoa, hoa tươi cùng tất cả các đồ cúng xuống biển như sự tưởng niệm và tri ân những người đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt hiến dâng cả cuộc đời và tuổi trẻ cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…
BDN (tổng hợp từ TP và các báo quốc nội)