Tuesday, November 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiThế giới hoang mang trước ngày Donald Trump nhậm chức

Thế giới hoang mang trước ngày Donald Trump nhậm chức

Người Đức tức giận, người Trung Quốc phẫn nộ, các lãnh đạo NATO lo lắng, đối tác tại Liên minh châu Âu tỏ ra cảnh giác trước ngày Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ.

Những bình luận trước ngày nhậm chức của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump
đang khiến cả thế giới hoang mang, lo lắng. Ảnh minh họa: New York Times

Chỉ vài ngày trước lễ tuyên thệ nhậm chức, tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lại tiếp tục khiến cả thế giới chú ý bởi những phát ngôn của mình. Hàng loạt tuyên bố ông đưa ra, đôi khi ẩn chứa cả những mâu thuẫn, đang làm leo thang căng thẳng với Trung Quốc, đồng thời khiến đồng minh cũng như các tổ chức có ý nghĩa quan trọng với vị thế lãnh đạo của Mỹ ở phương Tây phẫn nộ. Không ai biết ông thực sự muốn gì, theo New York Times.

Giới chuyên gia nhận định sự khó đoán dường như là đặc điểm dễ đoán nhất ở ông Trump. Thế giới đang dần quen với các dòng bình luận đầy khiêu khích ông đăng tải trên mạng xã hội Twitter nhưng lại mù mờ trước câu hỏi những thông điệp từ Trump mang ý nghĩa gì? Định hướng chính sách, đánh giá cá nhân hay chỉ đơn giản là ý nghĩ bất chợt thoáng qua?

Tổng thống đắc cử Mỹ mới đây miêu tả Liên minh châu Âu (EU) “về cơ bản là một phương tiện cho Đức” và dự đoán rằng EU rồi sẽ phải chứng kiến các quốc gia khác nối gót Anh rời khỏi khối.

Ông cũng bình luận về Thủ tướng Đức Angela Merkel, chỉ ra rằng bà Merkel đã “phạm sai lầm nghiêm trọng” vì cho phép dòng người nhập cư đổ vào châu Âu.

Những phát ngôn về Anh và Đức của nhà tài phiệt New York đang khiến châu Âu giận dữ xen lẫn cảnh giác.

“Họ đã quá rõ quan điểm của tôi rồi”, bà Merkel hôm 16/1 phát biểu tại Berlin. “Tôi nghĩ châu Âu chúng ta đủ khả năng quyết định số phận của mình”.

Phản ứng dè dặt của Thủ tướng Đức được đưa ra trong bối cảnh giới quan chức cũng như các chuyên gia phân tích đang không biết nên diễn giải những bình luận từ ông Trump như thế nào cũng như nên phản hồi chúng ra sao.

Một số người cho rằng các phát ngôn của tổng thống đắc cử Mỹ mang đầy tính chiến thuật, nhằm mục đích dọn ra cho ông những lựa chọn mở trong tương lai. Tuy nhiên, đa phần đồng tình rằng Trump đang gây rắc rối, đặc biệt khi ông chỉ trích bà Merkel, bởi Thủ tướng Đức hiện có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định trên toàn châu Âu.

Giận dữ và hoang mang

Tỷ phú Mỹ hôm 13/1 tiếp tục chọc giận Bắc Kinh khi ông nói với Wall Street Journal rằng “mọi điều đang được thương lượng, gồm cả chính sách Một Trung Quốc”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh hôm qua tuyên bố hành động dùng Đài Loan để làm đòn bẩy đàm phán với Trung Quốc không khác gì “tự lấy đá đập vào chân” và sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ chính quyền, người dân Trung Quốc cùng cộng đồng quốc tế.

Tờ China Daily trong khi đó cảnh báo ông Trump đang “chơi đùa với lửa”, nhấn mạnh nếu Đài Loan bị đưa lên bàn đàm phán như lời nhà tài phiệt New York gợi ý, “Bắc Kinh không còn cách nào khác là phải tháo găng tay”.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, đang chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.

Câu chuyện sự thống trị của Đức trong EU không phải đề tài mới mẻ song điều gây chú ý là việc một tổng thống Mỹ tương lai đưa ra bình luận có ý tứ tương tự về đồng minh thân cận, qua đó tạo cơ hội cho những đảng phái dân túy công phá hệ thống chính trị ở châu Âu, cây bút Steven Erlanger từ New York Times nhận xét.

Trong một bài phỏng vấn với tờ Bild của Đức và Times of London của Anh, ông Trump nhắc lại những lời chỉ trích trước đây rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “đang bị cô lập” vì cố tình không chống chủ nghĩa khủng bố.

Theo R. Nicholas Burns, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, những bình luận từ ông Trump ” không khác gì đòn tấn công trực diện vào trật tự tự do chúng ta xây dựng nên từ năm 1945 và là sự khước từ ý tưởng Mỹ dẫn dắt phương Tây”.

“Nói NATO bị cô lập, công khai ủng hộ sự tan rã của EU rồi sau đó bôi nhọ bà Merkel”, ông Trump đã “phá vỡ những chính sách cũng như các suy tưởng chiến lược được người Cộng hòa ủng hộ từ thời Eisenhower đến nay”, giáo sư Burns nhấn mạnh.

Đáp lại những bình luận tiêu cực từ ông Trump, Thủ tướng Đức Merkel cho hay điều quan trọng đối với bà là những gì nhà tài phiệt New York làm sau khi nhậm chức.

“Tôi đang chờ đợi ngày tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức. Đó là cách mọi thứ hoạt động”, bà Merkel nói. “Tất nhiên, tôi sẽ hợp tác với ông ấy”.

Song ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tỏ ra không mấy lạc quan. Theo ông, các phát ngôn từ tổng thống đắc cử Mỹ “thực sự gây kinh ngạc và gây chấn động”.

Steinmeier cho hay ông đã có cuộc gặp mặt với tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và nhận thấy rằng những mối lo âu vẫn hiện hữu bên trong liên minh quân sự này.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng lưu ý rằng không nên quá để tâm tới những lời nói của tổng thống đắc cử Mỹ, ít nhất ở thời điểm hiện tại. “Tôi nghĩ ông Trump đang cố gắng giữ cho mình những lựa chọn mở và tìm cách để không bị dồn vào chân tường thông qua việc chống lại các quan điểm chính sách hiện hữu”, Robin Niblett, giám đốc viên nghiên cứu Chatham House, trụ sở ở London, đánh giá.

Theo Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault, các bình luận của ông Trump thậm chí còn là động lực để giúp EU đoàn kết hơn. “Cách tốt nhất để bảo vệ châu Âu là duy trì đoàn kết thành một khối và không được phép quên rằng sức mạnh của người châu Âu nằm ở tinh thần đoàn kết”, ông quả quyết.

RELATED ARTICLES

Tin mới