Nếu Trung Quốc thực sự kiên trì con đường phát triển hòa bình như lời Tập Chủ tịch vẫn nói, thì xin đừng cổ súy chạy đua vũ trang, đừng quân sự hóa Biển Đông.
Tập Cận Bình kêu gọi phi hạt nhân hóa Trái Đất khi phát biểu tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ. Trong ảnh, ông Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos
Thời báo Hoàn Cầu ngày 23/1 bình luận, tên lửa hạt nhân chiến lược Đông Phong 41 sẽ mang lại cho Trung Quốc sự tôn trọng nhiều hơn. Tờ báo cho hay:
“Một số phương tiện truyền thông Hồng Kông và Đài Loan đưa tin, hình ảnh tên lửa đạn đạo Đông Phong 41 của Trung Quốc được cố tình tiết lộ trên các trang web ở đại lục là chụp tại tỉnh Hắc Long Giang.
Các nhà phân tích quân sự tin rằng, đây có lẽ là lữ đoàn tên lửa chiến lược Đông Phong 41 thứ hai và nó sẽ được triển khai ở Đông Bắc Trung Quốc.
Đông Phong 41 là tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, sử dụng nhiên liệu rắn.
Nó có tầm bắn 14 ngàn km và mang theo từ 10 đến 12 đầu đạn hạt nhân, có thể nhắm tới bất cứ mục tiêu nào trên thế giới và được coi là một trong những dòng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tiên tiến nhất.
Đã có suy đoán liên tục về Đông Phong 41. Việc triển khai loại tên lửa này phải từ mệnh lệnh ở cấp lãnh đạo quân sự cao nhất.
Nhưng hầu hết chuyên gia quân sự Trung Quốc tin rằng, Trung Quốc đã hoàn thành việc nghiên cứu – chế tạo Đông Phong 41 và có đủ điều kiện triển khai.
Tuy nhiên vẫn chưa có thông tin chính thức nào về việc Trung Quốc có lữ đoàn tên lửa chiến lược Đông Phong 41, có bao nhiêu lữ đoàn như vậy và nơi chúng được triển khai.
Một số phương tiện truyền thông cho rằng, quân đội Trung Quốc cố tình tiết lộ Đông Phong 41 và liên kết nó với lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Họ nghĩ rằng đây là phản ứng của Bắc Kinh trước các nhận xét khiêu khích của Trump về Trung Quốc. Trước khi Trump nắm quyền, nhóm chuyển giao của ông đã cho thấy một lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
Bắc Kinh đặc biệt coi trọng Đông Phong 41 như một công cụ răn đe chiến lược là chuyện hợp lý. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, rủi ro chiến lược với Bắc Kinh đang gia tăng.
Trung Quốc có nhiệm vụ nặng nề trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Răn đe hạt nhân là nền tảng của an ninh quốc gia Trung Quốc, phải được củng cố khi các rủi ro chiến lược gia tăng.
Mỹ có sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới, bao gồm cả kho vũ khí hạt nhân tiên tiến và mạnh mẽ nhất. Nhưng Trump vẫn nhiều lần kêu gọi mở rộng kho vũ khí hạt nhân.
Ngay cả Washington còn cảm thấy rằng, năng lực hải quân và sức mạnh hạt nhân của họ đang thiếu, vậy tại sao Trung Quốc lại có thể thỏa mãn với sức mạnh hạt nhân hiện tại của mình khi Trung Quốc xem Mỹ là đối thủ tiềm năng lớn nhất?
Khả năng hạt nhân của Trung Quốc nên được phát triển mạnh để không một nước nào dám khởi động một cuộc thách thức quân sự với Trung Quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Và như vậy Trung Quốc có thể tấn công đáp trả các hành động khiêu khích quân sự.
Một cuộc đụng độ quân sự với Mỹ là điều cuối cùng Trung Quốc muốn, nhưng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc phải có khả năng răn đe Mỹ.
Mỹ đã thiếu tôn trọng Trung Quốc. Các quan chức cấp cao của Mỹ trong Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thường xuyên cho thấy ý định của họ muốn thể hiện sức mạnh với sự kiêu ngạo.
Chính quyền Trump cũng có thái độ thiếu nghiêm túc về lợi ích của Trung Quốc. Chỉ tăng cường truyền thông cho sự hiểu biết lẫn nhau là không đủ.
Trung Quốc phải có một sức mạnh quân sự chiến lược đủ để buộc Hoa Kỳ phải tôn trọng mình. Một Trung Quốc có hay không có các tên lửa Đông Phong 41 là hoàn toàn khác nhau, dưới mắt nhìn của thế giới bên ngoài.
Đó là ý nghĩa của Đông Phong 41. Chúng tôi hy vọng rằng cạnh tranh chiến lược này sẽ được chính thức công khai sớm.
Nó sẽ không mang lại những lý thuyết về mối đe dọa Trung Quốc, mà chỉ mang thêm sức mạnh cho quân đội Trung Quốc”.
Nội dung bài bình luận của Thời báo Hoàn Cầu hoàn toàn đi ngược lại tinh thần nhân văn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Liên Hợp Quốc, Geneva, Thụy Sĩ hôm 18/1:
“Vũ khí hạt nhân nên được cấm hoàn toàn và tiêu hủy dần theo thời gian, để thế giới này không còn loại vũ khí hủy diệt ấy…
Khổng Tử nói: cái gì mình không muốn người khác làm với mình, thì đừng làm cho người khác (kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân).
Trung Quốc chúng tôi có niềm tin sâu sắc rằng, hòa bình và ổn định là cách duy nhất để phát triển thịnh vượng.
Trung Quốc đã phát triển từ một nước nghèo và yếu trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không phải bằng cách cam kết mở rộng quân sự hay cướp bóc thuộc địa, mà thông qua sự cần cù lao động của nhân dân, và những nỗ lực của chúng tôi để bảo vệ hòa bình.
Trung Quốc sẽ không bao giờ do dự trong việc theo đuổi mục tiêu phát triển hòa bình.
Bất luận nền kinh tế phát triển mạnh đến đâu, Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ, bành trướng hoặc khuếch trương ảnh hưởng.
Lịch sử đã xác nhận điều này, và tương lai vẫn sẽ tiếp tục như vậy”.
Nếu Thời báo Hoàn Cầu là một tờ báo Mỹ tự do bày tỏ quan điểm của mình thì bài viết này không có gì đáng bàn, nó thể hiện quan điểm của người viết hay một tờ báo.
Nhưng Thời báo Hoàn Cầu là một trong những cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của nhà nước lại cổ súy Trung Quốc bành trướng sức mạnh quân sự, phát triển vũ khí hạt nhân để giành giật vị trí của Hoa Kỳ.
Nếu nói đây chỉ là quan điểm riêng của Thời báo Hoàn Cầu có lẽ không ai tin, bởi như thế là đi ngược lại chủ trương của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc.
Thời báo Hoàn Cầu có ngân sách nhà nước chi trả, chắc không đến nỗi phải “câu view” bằng những bài cổ súy chạy đua vũ trang, phát triển vũ khí hủy diệt như thế.
Nếu có một sự bật đèn xanh nào đó để Thời báo Hoàn Cầu nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, thì mặt trái của nó sẽ chính là uy tín của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sẽ bị hủy hoại trong mắt dư luận quốc tế, nhân loại văn minh.
Nếu Trung Quốc thực sự kiên trì con đường phát triển hòa bình như lời Tập Chủ tịch vẫn nói, thì xin đừng cổ súy chạy đua vũ trang, đừng quân sự hóa Biển Đông, đừng kéo tên lửa ra biên giới.