Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Tổng thống Donald Trump sẽ làm tốt điều này, bởi lẽ cho đến giờ đối thủ không biết ông nghĩ gì và sẽ làm gì.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: mmc-news.com.
Jennifer M. Harris, thành viên cao cấp của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ ngày 3/2 có bài phân tích trên CNN nhận định:
Như tiền lệ, Bắc Kinh có khả năng sẽ sớm tìm cách “nắn gân” chủ nhân mới của Nhà Trắng, để xem Tổng thống Donald Trump sẽ phản ứng ra sao, sau đó sẽ có đối sách với Mỹ trong suốt nhiệm kỳ của ông.
Vấn đề Biển Đông có thể cung cấp cho Bắc Kinh một cái cớ tạo ra một cuộc khủng hoảng buộc Donald Trump phải bộc lộ chính sách. Cái cớ này bắt đầu kể từ phát biểu của ông Rex Tillerson trong buổi điều trần trước Thượng viện về Biển Đông.
Trong khi hầu hết các chuyên gia Trung Quốc bác bỏ phát biểu của ông Rex Tillerson khi đó và cho rằng ông “non” về ngoại giao, Nhà Trắng lại “bồi” thêm một đòn khẳng định lập trường cứng rắn về khả năng Mỹ phong tỏa Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này.
Cho đến nay Bắc Kinh vẫn thể hiện sự kiềm chế đáng kể, ít nhất là về mặt công khai.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận về phát biểu của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Thời báo Hoàn Cầu thì dọa, một cuộc chiến tranh sẽ không thể tránh khỏi nếu Mỹ ngăn Trung Quốc ra đảo nhân tạo.
Jennifer M. Harris cho rằng, có 2 khả năng Trung Nam Hải sẽ thăm dò phản ứng của Donald Trump ở Biển Đông. Một là Bắc Kinh có thể tuyên bố áp đặt một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) như đã làm ở Hoa Đông năm 2013.
Hai là phương án leo thang hơn nữa: bắt đầu quân sự hóa mạnh mẽ một trong 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), kéo vũ khí trang bị và đổ bộ quân sự.
Nếu họ làm việc này tại Scarborough, sẽ vượt giới hạn đỏ mà ông Obama từng vạch ra.
Nhưng trong khi Washington có xu hướng tập trung cho các kịch bản quân sự, Bắc Kinh lại hay sử dụng các công cụ kinh tế để thúc đẩy yêu sách (bành trướng) trên biển.
Sự thành công của Trung Quốc trong việc kéo Philippines về phía mình hậu Phán quyết Trọng tài là một minh chứng.
Nguy hiểm hơn nữa, nếu căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trên Biển Đông diễn ra đúng thời điểm Nga có thể mở một cuộc tấn công lớn ở Đông Ukraine, nhóm tham mưu chiến lược của Trump sẽ phải căng mình đối phó.
Vì vậy Jennifer M. Harris đề xuất với các nhà hoạch định chính sách của Washington 3 hành động để chủ động ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng ở Biển Đông.
Đầu tiên, các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ phải xây dựng một kế hoạch rõ ràng, dự tính những biện pháp chính xác đối phó với Trung Quốc nếu họ áp đặt ADIZ ở Biển Đông, quân sự hóa Scarborough hoặc leo thang quân sự.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ phải thông qua đạo luật mới quy định rõ ràng hơn quyền của Tổng thống được chủ động điều động và sử dụng các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, ủy quyền cho Tổng thống xử lý các nguy cơ xung đột giữa các cường quốc.
Thứ ba, Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng cần phải làm việc với nhau để hoạch định chính sách với các phương án đối phó khác ngoài giải pháp quân sự, đặc biệt là kinh tế.
Nếu Hoa Kỳ thực sự muốn kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nước Mỹ phải làm cho Trung Quốc trả giá về kinh tế cho hành động hiếu chiến của họ.
Đồng thời Mỹ cũng phải tính đến việc hỗ trợ các đồng minh châu Á như Nhật Bản, Philippines để tránh những hệ quả có thể xảy ra do hành vi bắt nạt về kinh tế từ Trung Quốc.
Những điều này phải được chuẩn bị trước khi Washington cho phép bất cứ sự leo thang quân sự nào ở châu Á. Nói như Binh pháp Tôn Tử, biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng.
Tổng thống Donald Trump sẽ làm tốt điều này, bởi lẽ cho đến giờ đối thủ không biết ông nghĩ gì và sẽ làm gì.
Người viết cho rằng, phát biểu của Ngoại trưởng Rex Tillerson về Biển Đông báo hiệu một cách tiếp cận cứng rắn của Hoa Kỳ trước các hành động leo thang nhằm độc chiếm Biển Đông từ phía Trung Quốc.
Nhưng đó là định hướng chiến lược, thay vì các động thái chiến thuật cụ thể.
Trung Quốc đã từng chớp thời cơ chiếm đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines, leo thang bồi lấp đảo nhân tạo ở Trường Sa trên cơ sở phân tích và nhận định khả năng phản ứng của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama trong 2 cuộc khủng hoảng Crimea và Syria.
Nhưng trước một tân Tổng thống Hoa Kỳ khó đoán như ông Donald Trump, khả năng Bắc Kinh làm liều, manh động ở Biển Đông sẽ thấp hơn, bởi hơn ai hết, Trung Quốc cũng ngần ngại một cuộc chiến với Hoa Kỳ vì hậu quả thảm khốc của nó.
Ném đá dò đường vẫn là thủ đoạn được họ sử dụng với tính toán cụ thể về thời điểm, bối cảnh, vụ bắt giữ thiết bị lặn không người lái của Mỹ ở Biển Đông trước ngày ông Trump nhậm chức là một ví dụ.
Ngay cả một việc nhỏ như giới truyền thông, mạng xã hội Trung Quốc chờ đón ông Donald Trump có lời chúc Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến người Mỹ gốc Hoa và Trung Quốc như những người tiền nhiệm, với nhiều cảm xúc chờ đợi, oán trách để rồi hả hê cũng nói lên nhiều điều.
Theo Đa Chiều, điều đó cho thấy tâm lý sĩ diện còn khá phổ biến tại quốc gia này, thay vì tìm hiểu những chính sách của Trump có thể sẽ áp dụng với Trung Quốc.
Mãi đến mùng Sáu Tết, con gái Tổng thống Mỹ, Ivanka Trump và cháu ngoại đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chúc tết, còn Donald Trump vẫn im lặng, hành xử khác hoàn toàn những người tiền nhiệm.
Người viết cho rằng, điều này không chỉ góp phần thỏa mãn tâm lý “sĩ diện” của giới truyền thông Trung Quốc, mà Trump còn khiến đối phương vẫn không thể đoán được ông sẽ xử lý quan hệ Trung – Mỹ như thế nào.
Cho dù mọi thứ còn đang ở phía trước, mọi khả năng đều có thể xảy ra, bao gồm cảnh báo của Jennifer M. Harris, nhưng người viết tin Trung Quốc sẽ phải thận trọng, vì Trump có thể sử dụng các nước cờ chiến lược cao tay hơn nhiều việc đối đầu bằng vũ lực, đó là con bài Đài Loan.