Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc khuất Trung HoaĐào mộ người đã khuất trong thời Cách mạng Văn hóa tại...

Đào mộ người đã khuất trong thời Cách mạng Văn hóa tại TQ

“Cách mạng Văn hóa” trong ký ức của người Trung Quốc chính là một đoạn lịch sử đầy kinh hoàng. Những ai từng trải qua thời kỳ này, chỉ cần nghĩ đến thôi cũng giật mình bởi những hành động man rợ. Trong đó, không thể không kể đến hành động đào mộ người đã khuất.

Đào mộ thời Cách mạng Văn hóa. (Ảnh: Internet)

Hồ Kiều Mộc, Ủy viên Ban Bí thư Ủy ban Trung ương, viết «Tẩm viên xuân – Hàng Châu cảm sự» và nhờ Mao Trạch Đông chỉnh sửa giúp. Mao viết lời phê gay gắt trên bản thảo “Hàng Châu và nhiều nơi khác đều làm bạn với ma quỷ, hàng trăm năm qua chưa thể quét sạch. Chỉ đào mấy đống xương tàn mà cho là có thể giải quyết thì quá khinh địch. Đến một cái miếu cũng chưa thể động vào”.

Năm 1964, Hồ Kiều Mộc đến Hàng Châu và nói với lãnh đạo Hàng Châu: “Chủ tịch Mao đi vãn cảnh ở Lưu Trang thuộc Tây Hồ, chứng kiến phần mộ của người xưa cảm thấy rất không vui!”.

Tỉnh ủy không dám sơ xuất, lập tức lên kế hoạch phá hủy những ngôi mộ của những danh nhân quan tướng thời xưa, như mộ Vu Khiêm (1398 – 1427), Trương Cang Thủy (1620 – 1664), Từ Tích Lân (1873 – 1907), Cầu Thiệu (1887-1920), Doãn Duy Tuấn (1896—1919)… cùng hàng loạt những tượng Phật và đài tưởng niệm chiến tranh.

Ngày 1/6/1966 có bài xã luận trên Nhân dân Nhật báo với tựa đề “Bài trừ mọi tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, tập quán cũ đầu độc nhân dân do giai cấp bóc lột dựng nên”, từ đây phong trào “phá tứ cựu” bắt đầu lên cao, còn gọi là thời kỳ “Cách mạng Văn hóa” điên cuồng. Trên khắp cả nước, Hồng vệ binh bắt đầu đập phá chùa chiền di tích, hủy hoại miếu thờ tượng Phật, đốt sách vở, tranh chữ. Ngoài ra, tình trạng đào mộ thiêu hủy xương cốt đặc biệt phổ biến tại nhiều nơi.

Thời Mông Nguyên diệt nhà Tống cũng không dám hủy miếu Khổng; đến thời Mãn Thanh xâm lược miếu Khổng cũng còn được giữ lại nguyên vẹn; Nhật Bản xâm lược cũng không đụng đến. Bất luận ai làm vua Trung Hoa cũng tôn kính Khổng Tử, nhưng “Cách mạng Văn hóa” là ngoại lệ. Vừa khởi đầu “Cách mạng Văn hóa”, Phó Chủ tịch Trung ương Khang Sinh đến tìm gặp Đàm Hậu Lan, cán bộ Đại học Sư phạm Bắc Kinh, đề nghị đến xử lý Khổng miếu ở Khúc Phụ. Khang Sinh nói: “Tôi nghĩ ba ngày ba đêm mới vẽ được bức họa ấn tượng này”. Khang đưa bức họa cho Đàm: “Đi đến đó, muốn phá gì thì phá”.

Khang Sinh chỉ thị: “Thứ gì nên phá thì phá ngay”.

Ngày 7/11/1966, Đàm Hậu Lan dẫn theo một nhóm người đến trước đài kỷ niệm anh hùng nhân dân tại Thiên An Môn tuyên thệ phá hủy “Khổng gia trang”. Đàm Hậu Lan dẫn đầu hơn hai trăm người, bừng bừng hào khí đi đến Khúc Phụ để phá hủy miếu Khổng.

Từ ngày 9/11 – 7/12, họ đã “lập thành tích” phá hủy hơn 6.000 văn vật và đốt đi hơn 2.700 cuốn sách cổ, hơn 900 tranh chữ, hơn 1.000 bia đá. Để đào mộ nhanh chóng, Hồng vệ binh đã phải dùng đến cả thuốc nổ. Sau khi lấy xương cốt Khổng Tử cáo thị dân chúng thì cho thiêu hủy. Bia mộ của Văn Tuyên Vương (551- 479 TCN) cũng bị phá nát. Nhiều mộ của con cháu họ Khổng cũng bị đào lên cáo thị dân chúng.

Vì chuyện này mà Khổng Đức Thành (1920 – 2008), cháu đời thứ 77 của Khổng Tử sống tại Đài Loan đã nhiều lần từ chối lời mời của chính quyền Trung Quốc Đại Lục, thề đến chết không trở lại Khúc Phụ, thậm chí còn không muốn gặp mặt người chị Khổng Đức Mậu đang nhậm chức Ủy viên Chính hiệp Toàn quốc trọn đời tại Bắc Kinh.

Vào một ngày tháng 8/1966, thầy cô một trường trung học tại Thanh Đảo với tinh thần nêu cao khẩu hiệu “đưa thủ lĩnh phái bảo hoàng ra thị chúng” đã đào mộ của Khang Hữu Vi (1858 – 1927) biểu tượng cho phái bảo hoàng của giai cấp tư sản và quý tộc. Buổi chiều cùng ngày, xương cốt Khang Hữu Vi được bỏ vào một cái xe đẩy để các thầy trò đẩy đi thị chúng, họ tự hào đào được mộ nhân vật quan trọng nhất của phái bảo hoàng.

Sau khi diễu hành xong, phần xương đầu Khang Hữu Vi bị treo lên và ghi chú dòng chữ “con chó Khang Hữu Vi, đại biểu cao nhất của phái bảo hoàng trên toàn quốc”, sau đó lại được gửi đến “Hội triển lãm Cách mạng Văn hóa thành phố Thanh Đảo”.

Mùa thu năm 1966, Hồng vệ binh trên tất cả các trường học của huyện Nam Bì quyết định thực hiện “phá tứ cựu”. Sau khi họ cột dây thừng kéo đổ bia mộ của Trương Chi Động (1837 – 1909) đã cùng nhau đập nát và phát thông báo trên toàn huyện, cho biết vào ngày 26/9 âm lịch đã đào mộ của Trương Chi Động.

Khoảng 8 giờ sáng, họ mang theo cuốc và xẻng, cầm cờ khua chiêng đi đến hiện trường. Hai tiếng sau họ đào lên một quan tài và lôi thi thể vợ chồng họ Trương ra làm nhục. Trong ngôi mộ không có gì đáng giá. Khi Trương Chi Động qua đời trong nhà không còn một xu, chỉ có sách vở và tranh chữ…

Ngày 28/8/1966, vì yêu cầu phê bình «Vũ Huấn truyện», Hồng vệ binh lại đào mộ Vũ Huấn (1838 – 1896), nhà hoạt động giáo dục thời Thanh, mang xương cốt ông ra thị chúng và thiêu hủy thành tro. Cùng năm, khi phê phán «Hải Thị bãi quan», phái “Cách mạng Văn hóa” đã đào mộ hủy cốt Hải Thụy (1514 – 1587, vị quan nổi tiếng nhà Minh. Trong mộ Hải Thụy chỉ có vài sợi tóc, răng, xương tàn và vài đồng tiền đồng. Tất cả bị cho vào trong một cái hộp để mang ra thị chúng, cuối cùng thiêu hủy thành tro.

Mồ mả của vua chúa từ thời thượng cổ cũng bị đập phá tan tành, lăng vua Thuấn (? – 2184 TCN) ở Vận Thành bị san bằng, trong lăng mộ ông có treo cái kèn đồng lớn. Điện chính của lăng Viêm đế và kiến trúc xung quanh bị hủy hoại và mọi thứ bên trong bị cướp sạch. Di hài của hoàng đế Vạn Lịch (1573 – 1620) và hậu phi bị lôi ra, xương đầu hoàng đế bị treo lên cây, sau đó cho thiêu hủy chung với xương cốt của hoàng hậu…

Mộ của những quan tướng tiêu biểu khác bị đào lên có thể kể như: mộ Bao Chửng (999 – 1062) ở Hợp Phì, mộ Trương Cư Chính (1525 – 1582) ở Lăng Giang, mộ Vu Khiêm (1398 – 1457) ở Hàng Châu, mộ Hoắc Khứ Bệnh (140 – 117 TCN), Hà Đằng Giao (1592 – 1649)…

Mộ văn nhân bị đào hủy như mộ nhà thư pháp nổi tiếng Vương Hi Chi (303 – 361), toàn khu quang cảnh đình vàng rộng 20 mẫu bị san phẳng; mộ Bồ Tùng Linh (1640 – 1715) có vật tùy táng gồm ống thuốc lá sợi, sách kê dưới đầu, 4 con dấu riêng, hài cốt của nhà văn bị phá hủy ném ra ngoài đồng…

Thời kháng chiến Trung – Nhật, quân Nhật đào mộ Chương Thái Đàm (1868 – 1936) nằm dưới cây vải núi Nam Bính ở Tây Hồ. Một sĩ quan Nhật biết tin đã đến bắt quân lính làm lễ truy điệu lại. Cuối năm 1966, Hồng vệ binh san phẳng mộ Chương Thái Đàm và ném di thể ra đồng, quan tài cũng bị mang đi đâu không rõ.

Tưởng Giới Thạch đối đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tưởng thua bỏ chạy khỏi Đại Lục nhưng mộ tổ tiên họ Tưởng thì còn ở lại, mộ mẹ ruột của Tưởng (ở Khê Khẩu, Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang) bị lãnh đạo sinh viên Đại học Thượng Hải đào lên, hài cốt bị ném vào rừng.

Mộ cha mẹ Tống Khánh Linh (1893 – 1981) ở nghĩa trang Vạn Quốc tại Thượng Hải, vì là cha mẹ vợ của Tưởng Giới Thạch (Tưởng lấy Tống Mỹ Linh, em Tống Khánh Linh) nên cũng bị Hồng vệ binh đào lên và quăng xương cốt đi.

Trong «Tống Khánh Linh truyện» ghi lại: “Khi hình ảnh mồ mả gia đình bị phá hoại từ Thượng Hải truyền đến Bắc Kinh, lần đầu tiên những nhân viên làm việc trông thấy bà suy sụp tinh thần, than khóc đau khổ”. Một lá thư viết vội gửi cho Chu Ân Lai thỉnh cầu giữ gìn. Sau này tuy mộ họ Tống được sửa chữa lại nhưng tất cả phần tên tuổi anh chị em của Tống Khánh Linh trên mộ bia ban đầu đã không còn.

RELATED ARTICLES

Tin mới