Thursday, January 16, 2025
Trang chủĐàm luậnBàn về: phong tỏa đảo nhân tạo ở Biển Đông của ông...

Bàn về: phong tỏa đảo nhân tạo ở Biển Đông của ông Tillerson

Khi Trung Quốc ngăn chặn người khác truy cập Scarborough hay bãi Cỏ Mây, sao không thấy ai gọi đây là hành động chiến tranh?

Giáo sư Alexander L. Vuving (Vũ Hồng Lâm) ngày 13/2 có bài phân tích đáng chú ý đăng trên tạp chí Foreign Policy: “Mỹ làm thế nào để kiểm soát được Biển Đông?” bàn về những phát biểu của Ngoại trưởng Rex Tillerson: phong tỏa đảo nhân tạo.

Ngày 11/1, ông Rex Tillerson phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện:

“Chúng ta sẽ phải gửi một tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc rằng, đầu tiên việc xây dựng đảo phải dừng lại. Thứ hai, việc truy cập của các vị đến những hòn đảo này cũng sẽ không được phép”.

Phát biểu của ông Tillerson không chỉ gây ra “một làn sóng xung kích” từ dư luận và truyền thông Trung Quốc, ngay cả cựu Thủ tướng Australia Paul Keating cũng đã phản ứng giận dữ. 

Từ Bắc Kinh đến Sydney đã có một sự đồng thuận rằng, quan điểm của ông Tillerson trong vấn đề này không có cơ sở pháp lý quốc tế, tương đương hành động chiến tranh, không có ý nghĩa chiến lược.

Tóm lại, những quan điểm phản đối ông Rex Tillerson cho rằng, đề xuất của ông vô căn cứ về mặt pháp lý, nguy hiểm về chính trị và trên thực tế sẽ không có hiệu quả.

Sự “đồng thuận” này dựa trên niềm tin rằng, Trung Quốc đủ khả năng và sẵn sàng đi đến chiến tranh nếu bị “khiêu khích nghiêm trọng”.

Tuy nhiên Giáo sư Alexander L. Vuving chỉ ra rằng, những quan điểm này đã hiểu sai đề xuất của ông Tillerson, cũng như thực tế phức tạp ở Biển Đông.

Một cuộc phong tỏa hải quân các đảo nhân tạo không phải là cách duy nhất để đạt được mục tiêu Ngoại trưởng Rex Tillerson đề ra, và Trung Quốc cũng muốn tránh chiến tranh với Hoa Kỳ trong khu vực.

Theo ông, để thấy được điều này, chúng ta cần phải sử dụng lăng kính “khả năng tổng thể” của Mỹ. Từ quan điểm này, đề xuất của ông Tillerson không lập tức dẫn đến một cuộc phong tỏa quân sự như hầu hết các nhà bình luận nhận định.

Thay vào đó, Hoa Kỳ và các đối tác tiềm năng có thể đưa ra một loạt các hành động, từ đàm phán ngoại giao đến trừng phạt kinh tế thương mại, trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế động lực và ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục bồi lấp đảo nhân tạo và quân sự hóa.

Căn cứ pháp lý để ngăn Trung Quốc tiếp tục bồi lấp, quân sự hóa Biển Đông

Giáo sư Alexander L. Vuving nhận định, trái ngược với niềm tin (và nỗi sợ) phổ biến, hành động ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục bồi lấp đảo nhân tạo và quân sự hóa bất hợp pháp ở Biển Đông hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nếu Trung Quốc không công nhận quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, thì ngược lại chúng ta cũng có quyền hạn chế sự tự do của Trung Quốc.

Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông ra ngày 12/7/2016 đã trở thành một phần không thể thiếu của luật pháp quốc tế, bất chấp sự chối bỏ của Bắc Kinh.

Phán quyết tuyên bố đường lưỡi bò không có căn cứ pháp lý, việc Trung Quốc ngăn cản Philippines tiếp cận ngư trường bãi cạn Scarborough là sai trái.

Tuy nhiên, Phán quyết này của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 vẫn chưa có công cụ để thực thi nó.

Vì vậy việc thực thi Phán quyết phụ thuộc vào các thành viên của cộng đồng quốc tế, hành động thay mặt cho lợi ích chung, khuyến khích Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của mình.

May mắn thay, luật pháp quốc tế cho phép các nước tiến hành các biện pháp đối phó chống lại các hành vi sai trái.

Giáo sư luật quốc tế tại Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ, James Kraska lập luận, thách thức quyền của Trung Quốc truy cập vào các đảo nhân tạo là phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson, ảnh: WSJ.

Bởi suy cho cùng, đó là sự công bằng để làm cho Trung Quốc những gì mà chính họ đã làm với người khác.

Nhiều người lo ngại rằng, bất luận tính hợp pháp của nó đến đâu, việc ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo có thể dẫn đến hành động chiến tranh, xung đột vì Bắc Kinh phản ứng.

Tuy nhiên nỗi sợ hãi này đã bị thổi phồng. Khi Trung Quốc ngăn chặn người khác truy cập Scarborough hay bãi Cỏ Mây, sao không thấy ai gọi đây là hành động chiến tranh? Cũng chẳng có xung đột nào xảy ra sau đó.

Ngược lại, áp dụng chính chiến thuật cải bắp của Trung Quốc để ngăn chặn họ truy cập các đảo nhân tạo sẽ khiến Bắc Kinh chán nản việc đi tới một cuộc chiến tranh.

Ngoài ra có những lo ngại rằng, do áp lực từ dư luận trong nước, và để duy trì thể diện quốc gia cũng như tính hợp pháp cho đảng cầm quyền, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thể phải leo thang xung đột, chấp nhận một cuộc chiến với Hoa Kỳ.

Nhưng nghiên cứu của Jessica Weiss, một chuyên gia hàng đầu về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc cho biết, các luồng dư luận, các cuộc biểu tình, phản ứng của chủ nghĩa dân túy ở Trung Quốc chỉ là công cụ của Bắc Kinh, báo hiệu quyết tâm và động lực cho chính sách đối ngoại hung hăng của họ.

Một phân tích của Giáo sư Alastair Iain chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Harvard cũng có một kết luận tương tự, cho thấy sự suy giảm của chủ nghĩa dân túy trong các tầng lớp bình dân xã hội Trung Quốc kể từ năm 2009.

Những khả năng phong tỏa, ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục bồi lấp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông

Giáo Sư Alexander L. Vuving cho biết, khi các bên đều phụ thuộc nhiều vào tuyến đường hàng hải huyết mạch qua Biển Đông, Trung Quốc thực sự có lợi ích rất lớn trong việc tránh chiến tranh ở khu vực này hơn so với Hoa Kỳ.

Tránh xung đột quy mô lớn là một trong những nhu cầu cấp bách nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã trở nên hung hăng hơn trong những năm gần đây do thiếu hụt sự răn đe của Mỹ giữa “vùng xám” – ranh giới của chiến tranh và hòa bình.

Sở thích của Bắc Kinh thường xuyên hoạt động trong “vùng xám” ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình tại khu vực này cũng là một minh chứng cho sự cần thiết của răn đe hạt nhân và răn đe thông thường.

Bí quyết để tránh chiến tranh trong khi vẫn buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế nằm trong phương pháp tiếp cận truyền thống: khéo léo kết hợp giữa sức mạnh của cây gậy với sức hấp dẫn của củ cà rốt, đồng thời trung hòa những điểm yếu của chúng.

Lựa chọn đầu tiên Hoa Kỳ có thể sử dụng, đó là trừng phạt các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia, hỗ trợ hoặc tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Dự luật được Thượng nghị sĩ Marco Rubio giới thiệu tháng 12 năm ngoái là một minh họa cho cách tiếp cận này.

Nó sẽ áp đặt việc đóng băng tài sản, cấm đi lại với những ai “đóng góp vào các dự án xây dựng, phát triển” trong khu vực tranh chấp, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông hay Hoa Đông.

Nó cũng sẽ cấm các hành động có thể bao hàm sự công nhận của Mỹ về yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc đối với khu vực tranh chấp, hạn chế viện trợ nước ngoài cho các quốc gia công nhận yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc ở đó.

Ngoài những biện pháp chính, có thể tăng cường các biện pháp trừng phạt thứ cấp với những ai hợp tác, kinh doanh với các đối tượng này.

Dự luật của Thượng nghị sĩ Rubio có thể hoặc không thể được thông qua, nhưng biện pháp trừng phạt nhắm mục tiêu cụ thể vẫn là một công cụ quan trọng, gián tiếp thúc đẩy những thay đổi trong hành vi của Trung Quốc.

Lựa chọn thứ 2 trực tiếp hơn, là Hoa Kỳ và các đối tác có thể bắt chước chính chiến thuật “cải bắp” của Trung Quốc để ngăn chặn Bắc Kinh truy cập các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Chiến thuật cải bắp của Trung Quốc là “bọc” khu vực tranh chấp trong nhiều lớp vũ trang sức mạnh quân sự, bán quân sự của Trung Quốc.

Chiến thuật cải bắp chống Trung Quốc cũng sẽ có 3 lớp xung quanh các đảo nhân tạo với lớp trong cùng là các tàu cá, tiếp theo là tàu tuần duyên / cảnh sát biển, ngoài cùng là các tàu chiến bảo vệ vòng ngoài.

Có thể mời các tình nguyện viên dân sự tham gia vòng trong.

Thay vì bắn hạ máy bay Trung Quốc, liên minh có thể sử dụng các thiết bị bay, thiết bị lặn không người lái để phong tỏa hoạt động truy cập của Trung Quốc vào các đảo nhân tạo.

Bình luận về phát biểu của ông Rex Tillerson, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết: “Nếu (Hoa Kỳ) muốn làm điều đó, họ có lực lượng để làm như vậy, hãy cứ để họ làm điều đó”.

Một cách tiếp cận cải bắp chống Trung Quốc truy cập Scarborough hay bãi Vành Khăn sẽ là hợp pháp và hiệu quả nếu liên quan đến cảnh sát biển và tình nguyện viên dân sự đến từ Philippines và các nước khác.

Nếu chính quyền Donald Trump tăng sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông, cam kết bảo vệ Philippines vững chắc như với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời kiềm chế chỉ trích các chính sách đối nội của Manila, có thể sẽ ảnh hưởng tốt đến Tổng thống Rodrigo Duterte đứng về phía Hoa Kỳ.

Những mục tiêu cụ thể cho lệnh trừng phạt

Biện pháp trừng phạt các công ty, cá nhân tham gia các dự án của Trung Quốc bồi lấp, quân sự hóa Biển Đông cũng sẽ hiệu quả hơn nếu ngoài Hoa Kỳ, các nền kinh tế lớn, các quốc gia khác trong khu vực cũng tham gia.

Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương nếu bị trừng phạt với mục tiêu cụ thể. Hoạt động bồi lấp, quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông có sự tham gia của một số công ty nhà nước muốn kiếm lời trong hoạt động ở hải ngoại.

Nếu thiết kế khéo léo, các biện pháp trừng phạt có thể nhắm vào các công ty hàng đầu như:

Tổng công ty Dầu khí quốc gia ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) – đơn vị đã di chuyển giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014;

Các hãng hàng không miền Nam Trung Quốc và đảo Hải Nam có máy bay cất, hạ cánh tại các đảo nhân tạo; China Mobile, China Telecom và China United Telecom là các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cho các đảo nhân tạo;

Công ty Kết nối xây dựng Trung Quốc là đơn vị tham gia nạo vét, bồi lấp đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa…

Báo hiệu một sự sẵn sàng ngăn chặn hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc, cũng như hạn chế Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo bất hợp pháp là phản ứng hợp lý nếu Mỹ thực sự muốn khôi phục lại sự răn đe ở Biển Đông.

Một phần nguyên nhân thất bại trong việc ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông nằm trong “huyền thoại” về một cuộc chiến tranh khẩn trương với Trung Quốc.

Chính “huyền thoại” này làm cho việc sử dụng các biện pháp răn đe logic trở nên “không thể tưởng tượng”. Điều này tạo ra một sự tự kiềm chế không những không cần thiết, mà còn là một chiến lược tai hại. [1]

Mỹ “nhòm” vào túi tiền Trung Quốc

Cá nhân người viết rất ấn tượng với phân tích của Giáo sư Vũ Hồng Lâm về các căn cứ pháp lý cho hoạt động ngăn chặn Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo và quân sự hóa bất hợp pháp Biển Đông.

Người viết đặc biệt đánh giá cao nhận định sắc sảo của Giáo sư Vũ Hồng Lâm với cách đặt ngược vấn đề:

Khi Trung Quốc ngăn chặn người khác truy cập Scarborough hay bãi Cỏ Mây, sao không thấy ai gọi đây là hành động chiến tranh? Cũng chẳng có xung đột nào xảy ra sau đó.

Cá nhân tôi cũng xin lưu ý thêm, khi Trung Quốc cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa năm 1974, xâm lược Gạc Ma và 5 thực thể ở Trường Sa năm 1988, đó đích thị là hành động chiến tranh, một cuộc chiến xâm lược.

Nói điều này để thấy rằng, chúng ta không nên ngại đề cập đến các hoạt động củng cố phòng thủ ở Trường Sa trước âm mưu thôn tính Biển Đông từ phương Bắc. 

DOC hay COC đi nữa cũng không thể đánh đồng hành động phòng thủ chính đáng và cần thiết của chúng ta với các hành động bành trướng, phiêu lưu quân sự hóa, hủy diệt môi trường sinh thái mà Trung Quốc đang làm ở Trường Sa.

Ngay từ những năm cuối thập niên 1980, nếu Việt Nam không tỉnh táo và nhanh chóng tìm mọi cách củng cố chỗ đứng tại các bãi cạn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phía Nam bằng hệ thống nhà dàn cụm dịch vụ kinh tế – khoa học – kỹ thuật (DK1), thì có lẽ Trung Quốc cũng đã chiếm mất.

Mặc dù thời điểm đó Việt Nam vô cùng khó khăn vì vừa phải trải qua những cuộc chiến vệ quốc tàn khốc, liên miên, lại bị Mỹ và phương Tây bao vây, cấm vận, biên giới phía Bắc vẫn chưa im tiếng súng.

Nhắc lại những việc này để thấy rằng, quan điểm nào cho rằng không nên nhấn mạnh chuyện phòng thủ chỉ vì sợ “tạo cớ cho Trung Quốc” chính là tạo sơ hở để họ lợi dụng.

Quay trở lại với bình luận của Giáo sư Lâm về các giải pháp Mỹ có thể làm để tăng quyền kiểm soát ở Biển Đông, ngăn chặn Trung Quốc bành trướng và độc chiếm Biển Đông, cá nhân tôi nhận thấy một sự nhiệt thành, đau đáu của người Việt trong con người Giáo sư.

Tuy nhiên có lẽ Giáo sư đứng từ góc độ một người con đất Việt từ hải ngoại để đánh giá vấn đề, thay vì đặt mình vào vị thế của nước Mỹ, đặc biệt là nước Mỹ dưới thời Donald Trump.

Chính vì thế, có lẽ Giáo sư có phần “tuyệt đối hóa” vai trò và vị thế Biển Đông trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Người viết chỉ e rằng những giải pháp Giáo sư nêu ra, có lẽ còn nặng về mong muốn nhiều hơn là tính khả thi trong thực tiễn.

Tuy nhiên đó cũng là những gợi ý có trách nhiệm cho các nhà tham mưu, hoạch định chính sách Hoa Kỳ tham khảo.

Cuộc chơi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là cuộc so găng giữa 2 siêu cường đương đại và mới nổi, Biển Đông chỉ là một mặt trận.

Hai nước có thể sẽ có nhiều lợi ích để trao đổi với nhau, túi tiền của Trung Quốc lớn hơn cả nếu so với các nước nhỏ ven Biển Đông. Người viết cho rằng Trump biết điều này và sẽ tìm cách mang lại lợi ích cho nước Mỹ từ túi tiền ấy.

Biển Đông sẽ là nơi Trung Quốc và Hoa Kỳ vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, sẽ khó có khả năng một quốc gia nào hoàn toàn làm chủ vùng biển chiến lược này.

Nhưng đồng thời, người viết đồng tình với nhận định của Giáo sư, chiến tranh lớn ở Biển Đông khó xảy ra. Trung Quốc, và cả Hoa Kỳ đều không muốn chiến tranh. 

Còn với các nước nhỏ như Việt Nam, nêu cao cảnh giác, tăng cường phòng thủ là việc không thể thiếu trong khi tìm cách bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới