Monday, December 23, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChia rẽ nội bộ, rối loạn phương hướng đang khiến Trump hoang...

Chia rẽ nội bộ, rối loạn phương hướng đang khiến Trump hoang mang?

Hãng tin AP nhận định, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng nhậm chức Tổng thống, ông Donald Trump đang đối mặt với một loạt khủng hoảng do sự chia rẽ nội bộ và rối loạn chính sách.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chịu sức ép rất lớn từ nhiều phía.

Tình trạng chia rẽ nội bộ, mất phương hướng trong quản lý và hàng loạt quan chức cấp cao từ chức đang khiến chính quyền của ông Trump gần như tê liệt. Những chính sách táo bạo mà ông Trump đã cố áp dụng từ những ngày đầu nhậm chức đã không được thực hiện nhanh chóng, và cho thấy rằng ông và nội các của mình đã không chuẩn bị kỹ kế hoạch hành động.

Gần một tuần sau khi chính sách cấm nhập cư của chính quyền Trump bị một tòa án liên bang khước từ, Nhà Trắng vẫn gặp khó khăn trong việc xác định bước đi tiếp theo trong vấn đề này. Không chỉ có vậy, lục đục nội bộ và những vụ việc lùm xùm đã khiến cả cố vấn an nình quốc gia và Bộ trưởng Bộ lao động Mỹ phải từ chức.

Các thành viên trong đảng Cộng hòa đã bắt đầu bày tỏ sự bức xúc của mình và lo ngại rằng chính quyền Trump sẽ khiến họ thất vọng. Thượng nghị sĩ bang Nam Dakota John Thune đã lên tiếng yêu cầu Nhà Trắng “bước sang giai đoạn mới”.

“Chúng ta đang cần phải giải quyết những vấn đề quan trọng và chúng ta phải tập trung vào nhiệm vụ của chúng ta. Những câu hỏi và những sự kiện gần đây đang khiến quá trình điều hành bị gián đoạn”, ông Thune nói.

Thượng nghị sĩ bang Arizona John McCain cũng chỉ trích chính sách an ninh quốc gia của Nhà Trắng là “khó hiểu” và hỏi rằng: “Ai là người đang điều hành đất nước? Tôi cho rằng ngoại trừ Nhà Trắng, không ai biết điều đó”.

Những lời chỉ trích từ đồng minh trong đảng là điều hiếm thấy trong thời điểm một Tổng thống mới lên nhậm chức. Thế nhưng ông Trump, vốn là một doanh nhân tham gia tranh cử và gây tranh cãi với người cả trong lẫn ngoài đảng Cộng hòa, có rất ít uy tín để bảo vệ mình. Chính quyền của ông đã không hợp tác chặt chẽ với các nghị sĩ Mỹ cũng như các cơ quan chính phủ khác.

Các quan chức đã bắt đầu thay đổi chiến lược nhằm ổn định tình hình, và mới đây Nhà Trắng công bố rằng ông Trump sẽ tổ chức một buổi mít tinh tại bang Florida vào ngày 18/2 tới. Trước đó Tổng thống Mỹ thường nói rằng ông yêu quý những người ủng hộ đã bỏ phiếu và có mặt tại lễ nhậm chức của ông. 

Việc xảy ra hàng loạt khủng hoảng vào thời điểm Mỹ vừa có Tổng thống mới là điều chưa từng xảy ra, và cơn báo xoáy quanh ông Trump vẫn không hề dịu bớt. Vào ngày 15/2, người được ông Trump chọn là Bộ trưởng Bộ lao động Mỹ là ông Andy Puzder đã tự rút lui, trong khi đó chính quyền của Tổng thống Mỹ đang phải cố gắng khắc phục hậu quả từ việc cố vấn Michael Flynn từ chức.

Sự ra đi của ông Flynn đánh dấu sự xuất của một vấn đề mà Trump sẽ không thể thoát ra được. Nhiều người nghi ngờ ông có mối liên hệ với Nga và điều này có thể sẽ được nhắc đến và điều tra liên tục trong thời gian tới.

Ông Trump cũng gặp rắc rối với giới pháp lý. Sau khi Tòa án Phúc thẩm Khu vực Số 9 bác bỏ mệnh lệnh cấm nhập cư của ông Trump vào tuần trước, mặc dù ông đã tuyên bố đây thách thức rằng “hãy gặp nhau trước tòa” và nội các của ông cũng thề sẽ lật ngược phán quyết này hoặc viết một mệnh lệnh mới, nhưng sau đó người trong chính quyền của ông đã tranh cãi gay gắt sau những thông tin xuất hiện trên các kênh truyền thông. Sau cùng, ông Trump đã không đưa ra một kế hoạch nào vào ngày 14/2 như đã hứa.

Sự thất bại của lệnh cấm đã khiến quan hệ giữa các thành viên nội các không tốt đẹp, và sau đó Nhà Trắng không có bất kỳ hành động nào đáng kể. Ông Trump có ký một nghị định nhằm lật lại một nghị quyết tài chính trước đây, nhưng trong nhiều ngày qua họ không thực hiện một mệnh lệnh hành pháp nào.

Trong khi đó, các nghị sĩ Hạ viện Mỹ trong đảng Cộng hòa đã hối thúc Nhà Trắng ủng hộ đề xuất xem lại chế độ thuế mà Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đưa ra, trong đó bao gồm thay đổi mức thuế biên giới mà ông Trump không muốn thực hiện. Người trong đảng Cộng hòa tin rằng những đề xuất này sẽ được thực hiện nếu những vụ việc lùm xùm vừa qua không xảy ra.

Ngoài ra, đảng Cộng hòa cũng muốn có một mệnh lệnh hành pháp nhằm điều tra những cáo buộc gian lận bầu cử vừa qua và củng cố an ninh mạng, nhưng nó vẫn chưa được ban hành. Những nghị định nhằm sửa chữa cầu đường và xem xét lại luật thuế vẫn chưa được thực hiện.

“Khi anh đứng đầu Nhà Trắng, mỗi ngày luôn có một cuộc khủng hoảng. Đó là chuyện thường nhật”, ông Ari Fleischer, người từng là thư ký báo chí của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cho biết. “Nhưng khi khủng hoảng liên tục chồng chất vào thời điểm nhiệm kỳ Tổng thống mới bắt đầu, người ta sẽ nghĩ rằng Nhà Trắng không biết cách điều hành”.

RELATED ARTICLES

Tin mới