Ngày 17/2 (giờ Đức), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bên lề Hội nghị ngoại trưởng G20 diễn ra tại Bonn.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) trong cuộc tiếp xúc
đầu tiên với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Đức. Ảnh: Reuters.
Đây cũng là cuộc hội đàm cấp cao nhất giữa hai bên Trung-Mỹ sau khi tân Tổng thống Donald Trump chính thức lên nhậm chức (20/1).
Tuy nhiên, để có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc đã phải thay đổi lịch trình được lên kế hoạch trước đó của mình.
Bởi trong cuộc họp báo chí thường ngày hôm 9/2 tại Bộ ngoại giao Trung Quốc, trả lời câu hỏi “Ai sẽ đại điện cho Bắc Kinh tham dự Hội nghị ngoại trưởng G20 khi Ngoại trưởng Vương Nghị đã có kế hoạch tham dự một hoạt động ở Vân Nam hôm 17/2”, người phát ngôn Cảnh Sảng cho biết:
“Về việc ai sẽ đại diện Trung Quốc tham dự hội nghị lần này (G20), nếu có thông tin, chúng tôi sẽ kịp thời thông báo”.
Trong khi đó, theo hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo News, phía Bắc Kinh vốn dự kiến không tham dự G20 do có hoạt động quan trọng trong nước.
Tuy nhiên, trước bối cảnh tân Tổng thống Mỹ lên tiếng về sự ràng buộc của chính sách “một Trung Quốc” hồi tháng 12/2016 và sau đó lại khẳng định việc tuân thủ nguyên tắc này, hy vọng một cuộc hội đàm sớm diễn ra trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 10/2 đã khiến Ngoại trưởng Vương Nghị phải thay đổi lịch trình để có cơ hội gặp mặt ông Rex Tillerson.
Theo đó, tại cuộc gặp, nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết, Trung-Mỹ “có nhiều lợi ích chung hơn là tranh chấp” nên hai bên cần tăng cường đảm bảo cho sự ổn định và phát triển thế giới.
Đồng thời, Vương Nghị khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng bắt tay với Washington để thực hiện sự đồng thuận giữa hai nhà lãnh đạo Trump-Tập nhằm thúc đẩy quan hệ song phương phát triển theo hướng tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.
Về nội dung cuộc hội đàm giữa hai ông Vương-Tillerson, thông cáo Nhà Trắng hôm 17/2 tiết lộ, hai nhà ngoại giao đã đề cập đến cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trump-Tập gần đây, đồng thời thảo luận thúc đẩy hợp tác song phương bằng những cách thức mang tính xây dựng và giải quyết sự khác biệt.
Thông cáo Nhà Trắng chỉ ra, Ngoại trưởng Tillerson bày tỏ sự lo lắng trước vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, qua đó kêu gọi Trung Quốc cần áp dụng mọi hình thức để giải quyết vấn đề Đông Bắc Á.
Giới phân tích nhận định, Washington một lần nữa xoa dịu Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan khi ông Tillerson khẳng định, tuân thủ chính sách “một Trung Quốc không chỉ quan trọng đối với quan hệ hai nước mà còn có lợi cho sự ổn định, phát triển khu vực”.
“Cùng với sự thay đổi quan điểm của Tổng thống Trump trong cuộc điện đàm với ông Tập thì việc tái cam kết tuân thủ chính sách “một Trung Quốc” của Tillerson cũng được coi là sự đảm bảo đối với Bắc Kinh”, Đa chiều (Mỹ) bình luận.
Đặc biệt, lần này Trung Quốc đã có hành động hồi đáp tích cực cho mối quan tâm trong thông cáo Nhà Trắng – vấn đề Triều Tiên.
Theo đó, một ngày sau cuộc gặp của hai nhà ngoại giao – tức ngày 18/2, Trung Quốc đã có hành động hiếm hoi gia tăng áp lực với Triều Tiên khi tuyên bố ngừng hoàn toàn việc nhập than từ Bình Nhưỡng bắt đầu từ ngày 19/2.
“Dù là áp lực từ Mỹ phát huy hiệu quả hay Bắc Kinh ‘báo đáp’ Washington về vấn đề Đài Loan, trong cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai Ngoại trưởng Trung-Mỹ, hai bên đều đã thu được kết quả. Điều này sẽ mở ra một khởi đầu tích cực, thiết thực cho hợp tác trong tương lai của Trung-Mỹ”, Đa chiều bình luận.
“Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Vương Nghị và Ngoại trưởng Rex Tillerson đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quan hệ Trung-Mỹ. Cuộc gặp này sẽ là kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển song phương trong tương lai”, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nước Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) Tín Cường nhận định.