Wednesday, January 8, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 27/02

Bản tin Biển Đông ngày 27/02

Bản tin Biển Đông ngày 27/02/2017.

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay.

Trung Quốc to tiếng yêu cầu Ngoại trưởng Philippines “thận trọng” trong vấn đề Biển Đông

Ngày 24/2, trang Business Standard đưa tin, trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người Phát ngôn Cảnh Sảng đã ngang ngược đáp trả những phát biểu của Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay tại Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Boracay, Philippines bằng những lời lẽ chỉ trích nặng nề, phủ nhận toàn bộ những gì ông Yasay đưa ra về tình hình Biển Đông là “không đúng với những gì thực sự diễn ra tại Hội nghị, không thể hiện lập trường chung của các nước ASEAN”. Mặt khác, ông này đòi hỏi Ngoại trưởng Philippines cần “lưu tâm” đến quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines, “tỉnh táo” và “thận trọng” trong vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, bên lề Hội nghị, ngoài Philippines, báo chí quốc tế đều đã đưa tin về việc Ngoại trưởng các quốc gia ASEAN đều bày tỏ lo ngại về những diễn biến ở Biển Đông cũng như quá trình quân sự hoá đang làm leo thang căng thẳng ở khu vực.

Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục đầu tư hơn nữa cho lực lượng hải quân

Ngày 25/2, hãng VOA News đưa tin, Hải quân Trung Quốc có thể sẽ nhận được khoản hỗ trợ quan trọng mới trong ngân sách quốc phòng sắp tới với lý do là nhằm thu hẹp khoảng cách về tiềm lực so với Hải quân Mỹ, ngăn chặn sự thống lĩnh của Mỹ ở các vùng biển cả và thúc đẩy chương trình mở rộng quân sự ra toàn cầu. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh cũng không tiết lộ cụ thể về khoản chi này. Năm 2016, tổng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã lên đến 954,35 tỉ Nhân dân tệ (139 triệu đô-la Mỹ). Một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết “với nguồn ngân sách mới, Trung Quốc dường như sẽ đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu ngắn hạn là trở thành lực lượng hải quân thống lĩnh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, với mục tiêu trung hạn là mở rộng lối ra Ấn Độ Dương”.

Trung Quốc muốn biến các vùng biển ở Biển Đông thành vùng lãnh thổ của riêng mình

Ngày 25/2, tạp chí The National Interest đăng bài viết “Trung Quốc muốn biến các vùng biển ở Biển Đông thành vùng lãnh thổ của riêng mình” của GS. James Holmes, Đại học Hải chiến Mỹ. Với thông tin do tờ Thời báo Hoàn cầu đưa ra mới đây về việc Trung Quốc sẽ sửa đổi Luật An toàn Giao thông Hàng hải, ông Holmes khẳng định “chiến dịch lâu dài của Trung Quốc đang được thực hiện một cách ráo riết” nhằm “quy định lại” vùng biển này là “lãnh thổ (của mình) theo pháp luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP)”. Ông cho rằng việc Trung Quốc tiến hành sửa đổi nội luật về hàng hải ở Biển Đông (và các vùng biển khác) là có “mục đích ngầm”, có thể tranh thủ lợi dụng chiến tranh pháp lý để mở rộng lãnh thổ dưới cái vỏ “lo ngại về an ninh hàng hải”, áp đặt luật nội địa lên các vùng biển và vùng trời nằm trong cái mà Trung Quốc gọi là “đường chín đoạn”, yêu sách đầy phi lý của nước này ở Biển Đông. Tác giả khẳng định, nếu như vậy, Luật An toàn Giao thông Hàng hải của Trung Quốc sẽ kiềm chế, thay vì thúc đẩy luật biển quốc tế trong giới hạn phi lý mà Toà Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông đã bác bỏ và gọi đó là “chiêu trò thủ thuật bất chính”. Trước tình hình này, bài viết đề xuất cần: (i) nhận ra mục đích thực sự mà Trung Quốc nhắm đến; (ii) nhìn nhận một cách thực tế những yêu sách phi lý về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và (iii) cần cương quyết và kịp thời bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền thái quá của Bắc Kinh để bảo đảm quyền tự do hàng hải của tất cả các quốc gia.

Thẩm phán Toà Tối cao Philippines kêu gọi thế hệ trẻ nêu cao Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông

Ngày 27/2, trang Sun Star đưa tin, mới đây, trong một buổi thuyết trình ở trường Đại học Cordilleras, Philippines, ông Antonio Carpio, Thẩm phán Toà án Tối cao Philippines đã kêu gọi các sinh viên đến từ các trường Luật khác nhau ở Thành phố Baguio và La Trinidad tiếp tục trân trọng và đề cao Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Ông Carpio khẳng định người dân Philippines cần “trên dưới một lòng” về việc “Philippines có vùng biển rộng lớn, Phán quyết đã kết luận vùng biển đó thuộc về người dân Philippines, Philippines cần trân trọng, bảo vệ Phán quyết này và cần khẳng định quyền lợi của mình”. Ông Carpio còn nói thêm “nhiệm vụ của thế hệ trẻ là thuyết phục thế giới, thuyết phục người dân Trung Quốc rằng lợi ích cao nhất của các bên nằm ở sự tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), văn kiện không chỉ bảo vệ Philippines mà còn bảo vệ các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc”. Bên cạnh đó, ông chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc không tuân thủ Phán quyết cũng như chương trình xây dựng đảo nhân tạo nhằm kiểm soát Biển Đông phục vụ cho mục đích kinh tế và quân sự. Ngoài ra, ông cũng cho rằng Trung Quốc thậm chí còn muốn biến Biển Đông thành một vùng trú ngụ cho các tàu ngầm vũ trang của nước này tránh bị tàu ngầm hạt nhân tấn công hay các máy bay Poseidon của Mỹ theo dõi.

Phán quyết vụ kiện Biển Đông đã kết luận rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền của Philippines trong phạm vi Vùng đặc quyền kinh tế thông qua hành vi can thiệp vào các hoạt động đánh cá của ngư dân Philippines ở khu vực này, trong đó việc áp đặt lệnh tạm thời cấm đánh bắt cá, can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu khí của tàu thuyền Philippines và cố tình không kiểm soát hành động đánh bắt phi pháp của tàu thuyền Trung Quố trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Không những vậy, Trung Quốc còn ngang nhiên bồi đắp các đảo nhân tạo trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới