Cùng với khả năng đánh chặn, Trung Quốc có thêm lý do để lo lắng bởi radar của THAAD có thể khiến mục tiêu sâu trong lãnh thổ Trung Quốc lộ mật.
Radar AN/TPY-2.
Hãng thông tấn Yonhap ngày 8/3 cho biết, một quan chức quân đội nước này cho biết, radar băng tần X được coi là trái tim của Hệ thống phòng thủ tầm cao giao đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đang được đưa đến tại Hàn Quốc.
Trước khi xuất hiện thông tin này, vào tối 6/3, hai bệ phóng tên lửa và các thiết bị khác của THAAD đã tới căn cứ không quân Osan của Mỹ tại Pyeongtaek, cách Seoul khoảng 70km.
“Hệ thống radar của THAAD sẽ được vận chuyển trong tháng này để tiến hành lắp đặt và thử nghiệm hoạt động tại địa điểm mới sớm nhất có thể”, vị quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết.
Việc Mỹ đang gấp rút hoàn thiện khả năng chiến đấu của THAAD tại Hàn Quốc đang khiến Trung Quốc thực sự lo lắng bởi ngoài khả năng đánh chặn tầm cao cực đỉnh, hệ thống radar AN/TPY-2 đang được Mỹ đưa đến Hàn Quốc mới thực sự khiến Bắc Kinh lo ngại.
Theo những thông tin được Mỹ công bố, radar AN/TPY-2 có phạm vi phát hiện mục tiêu khoảng 1.000 km hoặc xa hơn nữa. Đây là một radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) với khả năng nhận dạng mục tiêu rất cao.
Mỗi hệ thống THAAD gồm 2 radar AN/TPY-2 kết nối với nhau thông qua một trung tâm chỉ huy. Radar đầu tiên sẽ đặt ở vị trí khá xa so với radar còn lại. Radar này có nhiệm vụ phát hiện, theo dõi và tính toán quỹ đạo bay của tên lửa mục tiêu. Radar AN/TPY-2 thứ 2 sẽ làm nhiệm vụ điều khiển hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đánh chặn mục tiêu.
Theo thông số từ nhà sản xuất Lockheed Martin, radar AN/TPY-2 có tầm trinh sát hơn 1.000 km, có thể mở rộng lên đến 4.000 km.
Như vậy, nếu Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc, toàn bộ căn cứ quân sự dọc theo Hoàng Hải và Đông Hải đều nằm trong tầm trinh sát của hệ thống radar này.
Nhà phân tích Sungtae Jacky Park – thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại New York, Mỹ từng nhận xét, radar của hệ thống THAAD có thể “xoi mói” các hoạt động quân sự từ sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc. Mọi hoạt động triển khai lực lượng có thể bị Mỹ phát hiện từ sớm gây bất lợi cho Trung Quốc.
Trước đó, Frank A. Rose, quan chức cấp cao về Kiểm soát vũ khí từng cảnh báo, Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi hoạt động của lực lượng tên lửa hạt nhân Trung Quốc.
Về mặt lý thuyết, radar của hệ thống THAAD có thể giúp Mỹ tăng cường khả năng giám sát hoạt động của quân đội Trung Quốc, trong đó có lực lượng tên lửa chiến lược.
Xu Guangyu – nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí và Giải trừ quân bị Trung Quốc nhận xét, radar di động của hệ thống THAAD với phạm vi tìm kiếm tăng lên tới 3.000 km.
Như vậy các cuộc diễn tập quân sự trên đất liền, trên không đều bị phơi bày, tần suất xuất kích, số lượng, vị trí sân bay cũng bị lộ.