Thursday, December 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếTRUNG QUỐC - NGƯỜI LÁNG GIỀNG BỘI TÍN

TRUNG QUỐC – NGƯỜI LÁNG GIỀNG BỘI TÍN

BienDong.Net: Hai năm trước đây, Trung Quốc đã cho hạ thủy giàn khoan Hải Dương 981 (HD – 981) ở mỏ dầu Lệ Loan 6 – 1 – 1, cách Hồng Công 320 km về phía Đông Nam. Với chiều dài 114 m, rộng 90 m, cao 137 m và nặng 31.000 tấn, HD – 981 có kích cỡ bằng một sân bóng đá, đủ sức chịu đựng bão mạnh cấp 10được coi là giàn khoan “khủng” của công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC). Kinh phí đầu tư cho giàn khoan này là 1 tỷ đô la Mỹ.

Chủ tịch CNOOC đã từng ngạo mạn tuyên bố: “Đây là biên giới di động, là lãnh thổ di động và là một trong những vũ khí chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến năng lượng dầu khí”. Giới chuyên môn nhận định, với HD – 981, CNOOC đang thực hiện tham vọng độc chiếm khai thác 1 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2020 tại vùng biển rộng lớn ở Biển Đông.

Ngày 3/5/2014, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo HD – 981 đã được đưa tới vùng biển phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tiến hành khoan và tác nghiệp từ 2/5/2014 đến 31/8/2014. Vị trí mà Trung Quốc đặt HD – 981 ở tọa độ 15o29’28’’ vĩ Bắc và 111o12’06’’ kinh Đông. Để uy hiếp, gây sự với Việt Nam, Trung Quốc đã đưa hàng chục tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính, thậm chí cả tàu hộ vệ tên lửa… tới khu vực đặt giàn khoan, có lúc đã lên tới 80 chiếc, gây căng thẳng trong khu vực.

Trước phản ứng mạnh mẽ, bức xúc của dư luận, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên biện bạch rằng hoạt động của HD – 981 là “bình thường” trong vùng biển do Trung Quốc quản lý, không liên quan đến thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đối chiếu trên bản đồ có thể dễ dàng thấy vị trí đặt giàn khoan của Trung Quốc nằm cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý, cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

Hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp và đạo lý này của Trung Quốc nằm trong chuỗi các hoạt động cố tình gây hấn và gây căng thẳng trên biển của Trung Quốc, từ biển Hoa Đông, tranh chấp với Nhật Bản, đến Biển Đông, tranh chấp với Philippines và Việt Nam. Hành động này càng thể hiện rõ nét dã tâm chà đạp trên luật pháp, công lý quốc tế và sự thật lịch sử của Bắc Kinh để ngang nhiên cướp đoạt những lợi ích của các quốc gia ven biển khác, mà trong trường hợp này là tại vùng biển của Việt Nammột nước mà Trung Quốc luôn cao giọng nói về “phương châm 16 chữ”, “tình hữu nghị” và “bốn tốt”. Dã tâm này cho thấy Bắc Kinh chưa bao giờ ngừng nghỉ để thực hiện cho được âm mưu độc chiếm và kiểm soát hoàn toàn Biển Đông, tìm mọi cách hiện thực hóa yêu sách “đường chín đoạn” vốn đã bị cả thế giới phản bác và lên án. Hành động này cho thấy những bước đi đã được tính toán kỹ lưỡng của Bắc Kinh, và vì vậy vô cùng nguy hiểm đối với an ninh, hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các nước trong và ngoài khu vực Biển Đông, châm ngòi cho xung đột. Hành động này cho thấy Bắc Kinh không hề tuân thủ những quy định trong Công ước LHQ về Luật biển 1982 mà Trung Quốc là thành viên, không hề đếm xỉa gì đến nội dung của DOC hay tiến trình COC đang đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN.

Lại nói về quần đảo Hoàng Sa, ai cũng biết rằng Việt Nam là một quốc gia có nhiều bằng chứng lịch sử tin cậy nhất, chứng minh đã chiếm hữu và quản lý quần đảo Hoàng Sa từ đầu thế kỷ 17 và là quốc gia đang thực hiện quyền quản lý hợp pháp, đúng quy định của luật pháp quốc tế đối với quần đảo này. Trong những năm 1956 và 1974, Trung Quốc lợi dụng tình hình Việt Nam và quốc tế bất ổn, đã tiến hành cưỡng chiếm bằng vũ lực quần đảo này từ Việt Nam.

Trong khi vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa của Việt Nam còn đang là chủ đề nổi cộm trong quan hệ hai nước, thì Trung Quốc ngang ngược cho rằng giữa Việt Nam và Trung Quốc không có vấn đề tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa, và để chứng minh điều này, Trung Quốc ngang nhiên đưa HD – 981 đến thăm dò dầu khí, tác nghiệp tại vùng biển gần quần đảo này, thông báo cấm các phương tiện đến gần HD – 981 trong vòng bán kính 3 hải lý.

Trước một dã tâm và những bước đi nguy hiểm như vậy của Trung Quốc, Việt Nam cần làm gì để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông?

Toàn dân tộc Việt Nam, kể cả những người trong nước cũng như ngoài nước, cần đoàn kết, chung tiếng nói mạnh mẽ lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc. Việt Nam cần nói rõ, nói đầy đủ cho cộng đồng quốc tế biết âm mưu và thủ đoạn của Bắc Kinh nhằm từng bước thực hiện những “giấc mơ Trung Hoa” phi pháp và ngông cuồng. Việt Nam cần dựa vào những cơ chế, chế định luật pháp quốc tế đã được cả thế giới dày công xây dựng và tuân thủ, đã quy định trong Công ước LHQ về Luật biển 1982 để đưa sự việc ra tòa án pháp lý quốc tế, ra trước công luận quốc tế, đấu tranh với hành động hung hăng và phi lý của Trung Quốc. Việt Nam cần kêu gọi bạn bè quốc tế lên tiếng mạnh mẽ, góp sức ngăn chặn và phản đối những bước đi khiêu khích và nguy hiểm của Trung Quốc, ủng hộ những biện pháp hòa bình mà Việt Nam từng đưa ra để xử lý các sự kiện liên quan đến chủ quyền trên biển.

Trung Quốc – người bạn bội tín. Trung Quốc – người hàng xóm không thể tin cậy. Chúng ta phải cảnh giác với những lời nói luôn không đi đôi với việc làm của nước láng giềng này, phải cảnh giác với chiến lược mới mà Trung Quốc đang rêu rao là “thân, thành, huệ, dung” trong quan hệ với các nước láng giềng. Và cảnh giác là chưa đủ, chúng ta phải dự đoán trước được những dã tâm trước mắt và lâu dài của Trung Quốc, và lường trước được những hành động ngày càng hung hăng mà Trung Quốc có khả năng lấn tới, từ đó có những bước đi, đối sách phù hợp, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông, mà các thế hệ cha ông chúng ta đã tạo lập, duy trì và bảo vệ.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới