Trong tháng 3, Hải quân Nga mở nhiều cuộc diễn tập chống tàu ngầm, và trong những lần này tàu ngầm lớp Kilo nổi tiếng đều bị máy bay săn ngầm và tàu chiến Nga dò ra và “tiêu diệt”.
Tàu ngầm Kilo 636 mang tên Novorossiysk của Hạm đội Biển Đen tham gia cuộc diễn tập vào tháng 2.2016
Diễn tập “săn” tàu ngầm Kilo
Ngày 24.3, trưởng bộ phận thông tin Hạm đội Biển Đen Vyacheslav Trukhachev cho biết trong cuộc diễn tập chống tàu ngầm của Hạm đội, máy bay săn ngầm gồm thủy phi cơ săn ngầm Be-12 và trực thăng săn ngầm Ka-27PL đã dò tìm ra tàu ngầm “địch”, báo cho hai tàu săn ngầm Suzdalets và Murom phóng ngư lôi tiêu diệt, theo RIA.
Tàu ngầm đóng vai đối phương dưới lòng biển là chiếc Stary Oskol, lớp tàu ngầm điện – diesel Kilo 636.3 mới nhất vừa về Hạm đội Biển Đen cuối tháng 6.2016. Lớp tàu này được phương Tây gọi là “hố đen trong lòng đại dương” vì chạy rất êm và do vậy rất khó dò tìm.
Trước đó, ngày 15.3, Hạm đội Phương Bắc diễn tập săn ngầm ở biển Barents với sự tham gia của máy bay săn ngầm cỡ lớn Il-38 (4 động cơ) và trực thăng Ka-27PL. Máy bay săn ngầm đã thả các phao thủy âm dò tìm tàu ngầm, báo cho hải đội tàu săn ngầm và đội tàu ngầm ở căn cứ Kola tiến đến tiêu diệt “tàu ngầm địch”.
Ngày 16.3, Hạm đội Baltic cũng diễn tập tương tự với 1 tàu ngầm Kilo đóng vai tàu đối phương. Theo kịch bản, phát hiện có dấu vết tàu ngầm địch, Hạm đội điều 1 trực thăng Ka-27PL đến, sử dụng radar và thiết bị thủy âm (sonar) dò tìm, phát hiện và sau đó thả bom và thủy lôi tiêu diệt, theo cổng thông tin Bộ Quốc phòng Nga.
Ở Thái Bình Dương, trong thông cáo phát ngày 18.3, phát ngôn viên Quân khu miền đông Vladimir Matveev cho biết trong cuộc diễn tập chống ngầm ở vùng biển giữa Nga và Nhật (còn gọi là biển Nhật Bản), một tàu ngầm lớp Kilo đóng giả tàu ngầm địch đã bị máy bay và tàu chiến hạm đội Thái Bình Dương phát hiện, tiêu diệt, theo Sputnik.
Tàu chiến tham gia săn ngầm có soái hạm của Hạm đội là tuần dương hạm tên lửa Varyag, khu trục hạm săn ngầm Bystry. Ngoài ra còn có máy bay săn ngầm cỡ lớn Tu-142 cùng các máy bay săn ngầm khác.
Ông Matveev cho biết sở dĩ Hạm đội chọn tàu ngầm Kilo vì đây là loại tàu ngầm rất khó dò tìm. Đầu tiên, máy bay Tu-142 phát hiện được tàu ngầm “địch” liền đánh dấu vị trí và gửi thông tin cho đội tàu săn ngầm. Sau đó các tàu săn ngầm đến vị trí nói trên, thả mìn và thủy lôi tiêu diệt chiếc tàu đối phương.
“Hố đen”, tàu ngầm khó dò tìm
Không phải ngẫu nhiên mà Hải quân Nga sử dụng tàu ngầm Kilo trong các cuộc diễn tập săn ngầm. Loại tàu ngầm này được phương Tây đặt biệt danh “Hố đen trong lòng đại dương” kể từ khi xuất hiện từ những năm 1980.
Hồi tháng 10.2015, trong cuộc tập trận chung mang tên MALABAR 2015, một tàu ngầm Kilo của Ấn Độ đã dò tìm và khoá được mục tiêu cho ngư lôi nhắm bắn là 1 tàu ngầm hạt nhân Mỹ, trong khi tàu Mỹ không phát hiện được tàu Ấn Độ.
Theo IndiaToday ngày 28.11.2015, cuộc tập trận hải quân MALABAR 2015 kéo dài 6 ngày trên vịnh Bengal, từ 14 – 19.10 với sự tham gia của hải quân Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản. Ngày 16.10 diễn ra cuộc diễn tập đối kháng dò tìm và săn lùng, tiêu diệt tàu ngầm giữa Ấn Độ và Mỹ. Phía Ấn Độ là tàu ngầm INS Sindhudhvaj (S56) lớp Kilo đời đầu chế tạo thời Liên Xô (Kilo 877), còn Mỹ là tàu ngầm tấn công hạt nhân USS City of Corpus Christi lớp Los Angeles.
Vài giờ sau khi hai tàu lặn và bắt đầu cuộc dò tìm nhau dưới lòng biển, trong khi tàu Mỹ vẫn đang tìm kiếm tàu Ấn Độ thì nhận được thông báo của tàu Ấn Độ rằng tàu ngầm Mỹ đã bị phát hiện, định vị và bị ‘tiêu diệt’ bằng ngư lôi 533 mm bắn ra từ tàu ngầm Ấn Độ.
Theo báo Sao Đỏ (Nga), vào tháng 2.2016, tàu ngầm Novorossiysk, chiếc Kilo 636.3 đầu tiên của Hạm đội Biển Đen, đóng vai tàu ngầm địch trong cuộc tập trận chống tàu ngầm do Hạm đội tổ chức. Lực lượng chống tàu ngầm của Hạm đội khá vất vả để dò tìm và phải áp dụng các chiến thuật “phi thông thường” mới có thể dò ra chiếc tàu này. Sao Đỏ không nói rõ chiến thuật đó là gì.
Kể từ lớp tàu Varshavyanka đời đầu (NATO gọi là Kilo 877), nay loại tàu ngầm này đã được cải tiến thành lớp Kilo 636, vũ trang ngư lôi chống tàu nổi và tàu ngầm, tên lửa hành trình Kalibr tấn công mục tiêu trên biển lẫn đất liền, và còn trang bị tên lửa phòng không. Lớp tàu Kilo 636 còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Việt Nam, Algeria.
Tàu ngầm Kilo có thân tròn như hình giọt nước, dùng động cơ điện – diesel, hệ thống động cơ đẩy được đặt trên đế cao su để triệt tiêu xung động truyền vào thân tàu, qua đó giảm tạo ra âm thanh dưới nước. Vỏ tàu còn được bọc lớp cách âm, khiến âm thanh trong tàu không phát ra ngoài được.
Với những đặc điểm vượt trội về tính tàng hình như vậy, tàu ngầm Kilo quả là “hố đen”. Tuy nhiên việc máy bay săn ngầm của Nga như loại Tu-142 làm cách nào dò ra được tàu ngầm Kilo vẫn còn là điều bí ẩn.
Sputnik cho rằng rất có thể câu trả lời nằm ở hệ thống dò tìm mới nâng cấp của máy bay. Hồi năm 2015, Nga thông báo hiện đại hóa phi đội máy bay săn ngầm Tu-142 của Hải quân. Việc nâng cấp này bao gồm cải tiến hệ thống vô tuyến điện tử trên máy bay và các thiết bị dò tìm tàu ngầm hiện đại khác.
Còn trực thăng săn ngầm Ka-27PL nổi danh từ lâu về khả năng dò tìm tàu ngầm.
Bộ ba máy bay săn ngầm Nga
Bộ ba máy bay trinh sát săn ngầm chủ lực của Nga gồm Tu-142, Il-38, trực thăng Ka-27PL.
Tu-142 cải biến từ máy bay ném bom chiến lược Tu-95, hoạt động từ năm 1972. Loại máy bay này có tốc độ 735 km/giờ, trần bay 12-13 km, bán kính chiến đấu 5.200 km (loại đời sau cùng). Một phi hành đoàn của Tu-142 gồm 9-10 người. Tu-142 vũ trang pháo 23 mm, mang 400 phao dò tìm thủy âm (sonar), bom chống tàu ngầm, ngư lôi, mìn biển, tên lửa không đối không.
Khi dò tìm tàu ngầm đối phương, máy bay thả các phao dò sonar xuống biển, tín hiệu thu nhận được truyền về máy bay và được máy tính xử lý để phát hiện tàu ngầm. Sau đó thông tin này truyền cho các tàu chiến Nga gần đó hoặc máy bay sẽ sử dụng vũ khí của nó để tấn công.
Hải quân Nga hiện có 20 chiếc Tu-142 đang hoạt động, và dự kiến sẽ hiện đại hóa số máy bay này vào thời điểm 2018 – 2020.
Trực thăng săn ngầm Ka-27PL do Liên Xô chế tạo từ cuối những năm 1980, trang bị các thiết bị dò tìm được ví như tai, mắt và bộ não của trực thăng.
Để dò tìm tàu ngầm, trực thăng Ka-27PL dùng hệ thống Octopus gồm radar gắn dưới mũi máy bay và một thiết bị dò tìm sonar được dây cáp thả xuống biển từ bụng máy bay (ở độ cao 15 m so mặt biển), 36 phao thủy âm và thiết bị xác định biến thiên của từ trường. Thông tin thu nhận được truyền về hệ thống máy tính phân tích, xác định vị trí tàu ngầm rồi gửi cho các đơn vị liên quan. Khoang máy bay còn có thể chứa cả ngư lôi, bom chìm để thả xuống hủy diệt mục tiêu.
Hiện hải quân Nga có 80 trực thăng Ka-27PL và đang nâng cấp lên thành loại Ka-27M với các trang thiết bị kỹ thuật số tiên tiến, ngang ngửa hệ thống NCP-37 của trực thăng mới nhất Ka-52 Cá sấu, radar mảng pha chủ động…
Nga còn có máy bay săn ngầm Il-38 (được xem tương tự loại P-3 Orion của Mỹ), có từ những năm 1960, trang bị sonar chủ động, radar, thiết bị đo biến thiên từ trường, các phao dò tìm sóng âm. Loại máy bay này còn mang theo ngư lôi chống ngầm, bom, mìn biển… Loại Il-38N nâng cấp được trang bị các thiết bị dò tìm mới nhất gọi là Novella-P-38.