Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) đã trình Tổng thống Donald Trump các phương án phản ứng với chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
(Ảnh minh họa: AP)
Hàng loạt quan chức tình báo và quân đội cấp cao của Mỹ nói với NBC News rằng các giải pháp mà NSC nêu bao gồm đưa vũ khí hạt nhân trở lại Hàn Quốc và ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Cả hai kịch bản này đều nằm trong bản đánh giá nhanh về chính sách đối với Triều Tiên được chuẩn bị dành cho ông Trump trước cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 6, 7/4 vừa qua.
Ngay sau khi ông Tập Cận Bình về nước, các quan chức Mỹ hôm 8/4 đã tuyên bố điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) cho rằng, việc điều động bất ngờ tàu sân bay tới bán đảo Triều Tiên cho thấy mục đích rất rõ ràng của Washington – đáp trả vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng ngày 5/4.
Động thái này còn hé lộ hội nghị Trump-Tập ở Florida có thể đã không được đạt được đồng thuận về cách giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, dù hai nguyên thủ nhất trí rằng phi hạt nhân hóa bán đảo là điều bắt buộc.
Đồng thời, đây cũng được cho là thông điệp gửi đến ban lãnh đạo Trung Quốc nhằm tái khẳng định tuyên bố của ông Trump trước cuộc gặp rằng nếu Trung Quốc không phối hợp giải quyết vấn đề Triều Tiên, Mỹ sẽ hành động độc lập.
Vụ Mỹ phóng 59 tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân al-Shayrat của Syria đêm 6/4, sau khi nỗ lực thông qua nghị quyết ở Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về vụ tấn công hóa học hôm mùng 4 bất thành, là minh chứng rõ nhất về mức độ sẵn sàng “đơn phương giải quyết vấn đề” của chính quyền Trump.
Nhà Trắng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ nỗ lực hơn để tác động đến Bình Nhưỡng thông qua con đường ngoại giao lẫn cấm vận. Nhưng nếu Trung Quốc thất bại, những giải pháp do NSC đưa ra chắc chắn sẽ làm thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ, NBC cho biết.
“Tổng thống đã yêu cầu được cung cấp toàn bộ phương án để loại bỏ mối đe dọa đối với người dân Mỹ và đồng minh, đối tác của chúng ta trong khu vực,” Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, tướng Herbert McMaster nói, đề cập đến Triều Tiên.
Phương án tái bố trí vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc đã gây ra rất nhiều tranh cãi ngay sau khi thông tin lộ ra.
Nếu Tổng thống Trump phê chuẩn phương án này, bom hạt nhân của Mỹ gần như chắc chắn sẽ được đặt ở căn cứ không quân Onsan, chỉ cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc hơn 40 km.
Theo NBC, hành động này sẽ đánh dấu lần đầu tiên Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài kể từ Chiến tranh Lạnh, và trở thành động thái thách thức hết sức rõ ràng nhằm vào Nga, Trung Quốc.
“Chúng ta có 20 năm thất bại trong nỗ lực ngoại giao và cấm vận để ngăn chương trình hạt nhân Triều Tiên,” một quan chức tình báo cấp cao dự buổi đánh giá báo cáo của NSC nói với NBC.
“Tôi không cổ súy khơi mào chiến tranh và cũng không cho rằng việc triển khai vũ khí hạt nhân sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn là cái giá đánh đổi,” ông nói, nhưng nhấn mạnh rằng nước Mỹ đang đối mặt với cục diện “chiến tranh ngay hôm nay”.
Quan chức này hoài nghi về khả năng lợi ích của Mỹ và Trung Quốc sẽ đủ tương đồng để tìm ra một giải pháp ngoại giao trong tương lai.
Cuối tháng 12/1991, sau khi Triều Tiên và Hàn Quốc ra “Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, Mỹ đã rút toàn bộ vũ khí hạt nhân chiến thuật được bố trí trong Chiến tranh Lạnh.