Trong diễn biến mới nhất, biên đội tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ đã di chuyển từ Singapore về vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.
Biên đội tàu sân bay USS Carl Vinson đang trên đường tiến về Đông Bắc Á.
Ngoài hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (CVN-70), đội hình hộ tống còn có thêm các khu trục hạm Aegis lớp Arleigh Burke cùng với tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga.
Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ CVN-70, những chiến hạm trên với dàn vũ khí cực mạnh, trong đó có cả tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk sẽ sẵn sàng tung đòn tấn công tầm xa vào trong lãnh thổ Triều Tiên nếu nhận được lệnh khai hỏa.
Trên Sputnik, nghị sĩ Viktor Ozerov, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Hội đồng Liên bang nhận định do cuộc tấn công của Mỹ vào căn cứ không quân Syria không bị Hội đồng Bảo an LHQ lên án, nên Mỹ có thể nhân dịp này lấn tới. Vốn đã coi Triều Tiên như mối đe dọa lớn, nên không loại trừ khả năng Mỹ có thể tấn công phủ đầu Triều Tiên bằng tên lửa.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết có thể hành động mà không cần sự hỗ trợ của Trung Quốc, trong đó không loại trừ biện pháp quân sự đối với Triều Tiên.
Vậy nếu như tình hình không được hạ nhiệt và chiến sự xảy ra, Triều Tiên liệu có đủ khả năng chống trả đòn tập kích của Hải quân Mỹ?
Trước tiên phải khẳng định rằng Bình Nhưỡng là một cường quốc quân sự, nhưng chủ yếu sức mạnh của họ tập trung vào lục quân và binh chủng tên lửa đạn đạo; không quân cùng với hải quân dù quy mô rất lớn nhưng thực trạng lại bị đánh giá là vô cùng lạc hậu.
Lực lượng phòng không Triều Tiên hiện được biên chế vài chục hệ thống tên lửa đất đối không S-125 Pechora (SA-3), rất nhiều tổ hợp S-75 Dvina (SA-2), 1 – 2 tổ hợp S-200 cùng 75 đạn đánh chặn.
Bên cạnh hệ thống KN-06 được cho là bản sao chép S-300 (nhưng dĩ nhiên tính năng bị nhận xét là kém xa), Bình Nhưỡng vẫn còn duy trì cả hệ thống S-25 Berkut (SA-1 Guild) đã bị thế giới đưa vào bảo tàng từ lâu, cùng với vài nghìn tên lửa vác vai từ SA-7 cho tới SA-16.
Đi kèm tên lửa, mạng lưới radar cảnh báo sớm của Triều Tiên hầu như vẫn còn mang nguyên vẹn tính chất của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, phải trông chờ phần lớn vào các đài P-14, P-35, P-18/19… sản xuất từ thời Liên Xô. Trong năm 1988, họ nhập khẩu thêm được 3 bộ ST-68 Tin Shield tương đối hiện đại từ Nga, nhưng như vậy là quá ít ỏi.
Dễ nhận thấy với các trang bị trên, Triều Tiên hoàn toàn không có khả năng phát hiện, cảnh báo sớm cuộc tấn công đường không của đối phương được thực hiện bởi những phương tiện có khả năng bay bám sát địa hình như tên lửa hành trình Tomahawk.
Mặc dù về lý thuyết có thể dự đoán hướng tấn công và triển khai sẵn các tổ hợp pháo bắn nhanh, tên lửa tầm thấp… nhưng phải nhìn nhận rằng tiêu diệt tên lửa hành trình oanh kích bất ngờ khác hẳn bắn máy bay kích thước lớn và đường bay lặp lại. Thực tế chiến trường từ Nam Tư, Iraq, Syria… cho thấy nước chủ nhà gần như chỉ “nằm im chịu trận”.
Tuy rằng lợi thế áp đảo thuộc về Mỹ, nhưng nếu Tổng thống Donald Trump quyết định hành động tương tự như tại Syria, ông cần phải cân nhắc tới khả năng Triều Tiên tung đòn trả đũa với hai đồng minh thân thiết của mình là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Leo thang xung đột với Bình Nhưỡng, theo nhiều chuyên gia sẽ mang lại hậu quả lớn và đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế cho Tokyo cũng như Seoul, thậm chí nguy cơ bất ổn còn lan ra khắp khu vực, kéo dài tới cả đảo Đài Loan cũng như xuống dưới biển Đông.
Do vậy hơn lúc nào hết, thế giới đang rất cần những “cái đầu lạnh” của các nhà lãnh đạo.