Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThất bại tất yếu của một chính sách lỗi thời

Thất bại tất yếu của một chính sách lỗi thời

altaltNhững năm cuối của thập kỷ đầu của thế kỷ 21 chứng kiến sự trỗi dậy đến kinh ngạc của một Trung Quốc mới. Trong khi Mỹ, Nhật và các nước phát triển Tây Âu khốn đốn trước bão táp của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì Trung Quốc dễ dàng vượt qua thách thức, trở thành một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sức mạnh của sự giàu có ngày càng tăng đã khích lệ quốc gia to lớn này vội vã tìm kiếm một vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Trong ánh sáng của hào quang, thế hệ lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đã quên một lời khuyên sáng suốt của Đặng Tiểu Bình là “giấu mình chờ thời”. Họ cho rằng thời cơ đã đến để bước nhanh trên con đường trở thành một siêu cường hạng nhất, và có thể, trở thành một nhà lãnh đạo mới của thế giới.

Nhưng tiếc thay, khi mới chỉ là một cường quốc hạng hai Trung Quốc đã sớm lộ rõ tham vọng bá quyền, và dường như, lựa chọn chính sách pháo thuyền để thực hiện tham vọng này, bắt đầu từ khu vực Biển Đông. Tháng 5 năm 2009, Trung Quốc chính thức gửi lên Liên hợp quốc tấm bản đồ với đường lưỡi bò (đường chữ U đứt khúc), khẳng định vùng nước bên trong đường lưỡi bò  là “vùng nước lịch sử” mà họ đã thực thi chủ quyền từ cách đây hơn 2000 năm. Với diện tích đại khái khoảng 2 triệu km2, vùng nước này bao trùm hầu hết cả khu vực Biển Đông, trong đó có cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam và một số nước khác trong khu vực cũng tuyên bố chủ quyền, lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước láng giềng. Tháng 3 năm nay, Trung Quốc tiến thêm một bước mới.  Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Thôi Thiên Khai tuyên bố với các quan chức Mỹ rằng bây giờ Trung Quốc xem đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông rộng hơn 2 triệu km2 ngang tầm với yêu sách của họ đối với vùng Tây Tạng và Đài Loan. Việc các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc kiên quyết nâng tầm quan trọng của Biển Đông thành “lợi ích cốt lõi” hàm ý rằng Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực để bảo vệ chủ quyền của họ. Bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 26 tháng 7 năm 2010 khẳng định : “Thái độ khoan dung của Trung Quốc đôi khi đã bị các nước láng giềng lợi dụng để chiếm giữ các hòn đảo không người ở cướp lấy tài nguyên thiên nhiên thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Không nên ngộ nhận chiến lược dài hạn của Trung Quốc với một thế yếu. Rõ ràng là xung đột quân sự có hậu quả xấu cho tất cả các nước tham chiến trong khu vực, nhưng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền dùng phương tiện quân sự để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình.” Chưa cần đợi đến khi đưa chính thức yêu sách đường lưỡi bò ra trước thế giới, từ đầu năm 2007, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các hoạt động hiếu chiến như nhằm triển khai từng bước trên thực tế việc thực thi chủ quyền của họ trong vùng nước đường lưỡi bò, làm cho tình hình khu vực hết sức căng thẳng, đe doạ nghiêm trọng đến hoà bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Những tuyên bố hung hăng và hành động hiếu chiến của Trung Quốc gây ra phản ứng mạnh của các nước trong và ngoài khu vực. Sự lo sợ đối với chính sách pháo thuyền của Trung Quốc đã đẩy các nước trong khu vực lại gần với Mỹ để đối trọng với người láng giềng khổng lồ. Họ cảm thấy rằng sự hiện diện của Mỹ ở khu vực chính là yếu tố để bảo đảm ổn định. Họ tăng cường phối hợp, hợp tác với nhau và tiến hành chiến lược cân bằng các cường quốc lớn ngoài khu vực để tăng cường khả năng ngăn chặn Trung Quốc. Họ đẩy mạnh việc hiện đại hoá lực lượng hải quân và không quân để tăng cường khả năng phòng thủ biển. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, nhập khẩu vũ khí của Indonesia đã tăng 49%, Singapore 146% và Malaysia là 722%. Việt Nam và Thái Lan cũng bỏ ra nhiều tỉ USD để mua tầu ngầm, tàu chiến, máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa để đối phó với sự gia tăng quân sự của Trung Quốc.

Với lý do là Mỹ có “lợi ích quốc gia” đối với tự do hàng hải và sự tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông, và vì “lợi ích quốc gia” này đang bị đe doạ, Mỹ chớp lấy thời cơ hiếm có để can thiệp vào khu vực, tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ và tiến hành các hoạt động hải quân để bảo đảm quyền tự do hàng hải, nhằm ngăn ngừa các căng thẳng trên Biển Đông có thể tiến triển thành mối đe doạ tới các lợi ích của Mỹ, và quan trọng nhất là, kiềm chế Trung Quốc. Mỹ tuyên bố thẳng thừng là yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Biển Đông là vô lý, không có giá trị, và không thể chấp nhận được. Mỹ yêu cầu tất cả các nước tranh chấp tôn trọng luật biển, đặc biệt là Công ước luật biển 1982 và thúc giục các nước liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình thông qua giải pháp đa phương. Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương tuyên bố với AP : Quân đội Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tại Hội nghị an ninh khu vực ARF vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng khẳng định : Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc giúp giải quyết những tranh chấp “thông qua tiến trình ngoại giao”. Bà Ngoại trưởng cũng tuyên bố Mỹ phản đối bất kỳ quốc gia nào sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực ở vùng biển quan trọng này. Bà nhấn mạnh  yêu sách chủ quyền và các quyền kèm theo của các bên tranh chấp tại Biển Đông phải phù hợp với Công ước luật biển 1982.

Các nước lớn khác ngoài khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ và Nga cũng vào cuộc. Nhật Bản mở rộng Hiệp ước hỗ trợ an ninh với Mỹ đối với cả các đảo tranh chấp với Trung Quốc. Ấn Độ nhanh chóng tăng cường đối thoại để thắt chặt hợp tác quốc phòng với Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Cùng với Mỹ, Ấn Độ tuyên bố công khai là có lợi ích về các căn cứ hải quân ở Việt Nam. Nga trở thành một đối tác quốc phòng quan trọng và là nước cung cấp vũ khí hiện đại lớn cho Việt Nam và một số nước khác trong khu vực.

Tại các cuộc họp cấp cao của ASEAN vừa qua, các nước trong khu vực, trong đó có bốn thành viên ASEAN tuyên bố chủ quyền là Brunei, Malaysia, Philipin và Việt Nam cùng với Singapore và Indonesia, và nhiều nước ngoài khu vực, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu, Úc và Nhật Bản đã mặc nhiên thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Với những hành động hiếu chiến trong thời gian vừa qua, Trung Quốc đã làm tổn hại chính mình. Hình ảnh của Trung Quốc như là một đối tác ôn hoà với các nước láng giềng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Biển Đông trở thành một vấn đề quốc tế, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Chủ trương của Trung Quốc chỉ giải quyết song phương các tranh chấp Biển Đông không được các nước ủng hộ. Chính sách chia rẽ các nước ASEAN để trị không thành công. Một liên minh mềm giữa các nước trong và ngoài khu vực đối trọng với Trung Quốc và kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông nghiễm nhiên hình thành, chặn đứng tham vọng tham vọng bành trướng và chính sách pháo thuyền của Trung Quốc tại khu vực biển này.

Sử dụng chính sách pháo thuyền để thực hiện tham vọng bành trướng chắc chắn sẽ thất bại. Bởi vì, chiến lược bành trướng và chính sách pháo thuyền đã lỗi thời; đi ngược lại xu thế của khu vực và thời đại là hoà bình, hợp tác và phát triển; trái với luật biển quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển 1982. Không ai cho phép Trung Quốc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp chủ quyền và chiếm toàn bộ Biển Đông. Đó là thông điệp chung của cả cộng đồng quốc tế gửi đến cho Bắc Kinh thông qua các cuộc họp cấp cao của ASEAN trong thời gian vừa qua.

Chỉ có đàm phán ngoại giao trên cơ sở luật biển quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển 1982, để giải quyết các tranh chấp chủ quyền, hành xử và tăng cường hợp tác với nhau trong khuôn khổ Tuyên bố chung về ứng xử trên Biển Đông (DOC) mới là cách tiếp cận hiệu quả nhất hiện nay để bảo đảm hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực, góp phần tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi cho hợp tác, phát triển và thịnh vượng cho tất cả các nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc./.

Nguyễn Nghiêm 

RELATED ARTICLES

Tin mới