Monday, September 9, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnHội thảo quốc tế Biển Đông lần 2 và yêu sách “đường...

Hội thảo quốc tế Biển Đông lần 2 và yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc

Hội thảo Quốc tế về Biển Đông thứ hai với tiêu đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” do Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã diễn ra từ ngày 11 đến 12 tháng 11 năm 2010. Hơn 50 học giả quốc tế hàng đầu về vấn đề Biển Đông và luật pháp quốc tế của nhiều nước đến từ nhiều châu lục, trong đó có Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Úc và đại biểu của tất cả 10 nước ASEAN cùng hàng trăm học giả chuyên nghiên cứu biển Đông trong nước đã đến dự.  Bên cạnh những chủ đề trọng tâm như tầm quan trọng của Biển Đông trong môi trường chiến lược đang thay đổi; những diễn biến gần đây ở Biển Đông; những khía cạnh luật pháp quốc tế của tranh chấp tại Biển Đông, các học giả đã phát biểu tranh luận nhiều về yêu sách “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra.

Phát biểu của học giả Trung Quốc

Ông Tô Hạo, Giáo sư Trường đại học Ngoại giao, Bắc Kinh giải thích vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là vùng nước lịch sử;  Công ước luật biển 1982 cũng thừa nhận về các vùng nước lịch sử. Học giả này viện dẫn vùng nước lịch sử trong vụ giải quyết phân định vùng biển giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để biện minh cho tính hợp pháp trong yêu sách của Trung Quốc. Giải thích của ông Tô Hạo không có gì mới. Trước đây, một số học giả Trung Quốc khác cũng đã viện dẫn một số trường hợp yêu sách vùng nước lịch sử trong thực tiễn quốc tế để  lý giải tính hợp pháp của yêu sách “đường lưỡi bò” như yêu sách “vùng nước lịch sử” của Lybi ngày 11 tháng 10 năm 1973 tại vịnh Sidra.

Ông Tô Hạo và một số học giả Trung Quốc khác muốn lấy các ví dụ trên để chứng minh rằng trong luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển 1982, và thực tiễn quốc tế các vùng nước lịch sử đã có được một quy chế pháp lý riêng biệt và như vậy yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là hợp pháp. Biện minh của ông Tô Hạo và một số học giả Trung Quốc cho yêu sách “đường lưỡi bò” bộc lộ một số điểm yếu chí tử. Một là, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển 1982, không quy định quy chế pháp lý riêng biệt cho vùng nước lịch sử. Điều 7 khoản 6 của Công ước năm 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp và điều 10 khoản 6 của Công ước luật biển 1982 chỉ đề cập đến khái niệm vịnh lịch sử. Hai là, trong thực tiễn quốc tế có tồn tại khái niệm vùng nước lịch sử có chế độ pháp lý như nội thuỷ. Tuy vậy, người ta chưa hề biết đến một vùng nước lịch sử lớn như vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” với diện tích hơn 2 triệu km2. Khi Lybi chỉ khép Vịnh Sidra thành một vịnh lịch sử với diện tích 22.000 hải lý vuông bằng một đường thẳng dài 300 hải lý đã bị các nước phản đối mạnh, nhất là Hoa Kỳ và các cường quốc hàng hải. Ba là, một vùng nước hay một vịnh chỉ được coi là vùng nước lịch sử hay vịnh lịch sử khi đáp ứng được ba điều kiện : i/ quốc gia ven biển thực hiện một cách thực sự chủ quyền của mình trong vùng nước đó; ii/ chủ quyền đối với vùng nước đó được thực hiện một cách liên tục, hoà bình và lâu dài; và iii/ được cộng đồng quốc tế chấp nhận công khai hoặc công nhận công khai hoặc sự im lặng không phản đối của các quốc gia quan tâm, đặc biệt là các quốc gia láng giềng và có quyền lợi tại vùng biển đó. Yêu sách “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đưa ra không thoả mãn được bất kỳ điều kiện nào được nói đến ở trên. Tháng 5 năm 2009, Trung Quốc lần đầu tiên công khai đưa ra Liên hợp quốc và bị không chỉ các nước trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ. Lý do đơn giản là Trung Quốc chưa hề thực thi chủ quyền tại vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” và các nước trong khu vực Biển Đông, và cả các nước ngoài khu vực cũng không cho phép Trung Quốc làm như vậy. Do đó, yêu sách “đường lưỡi bò” đơn giản chỉ là tham vọng của Trung Quốc, muốn biến Biển Đông thành cái ao nhà của mình.

Quan điểm của học giả các nước khác

Quan điểm của học giả các nước tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 2 khác hẳn với quan điểm của học giả Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò”. Học giả của nhiều nước cũng đã sử dụng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển 1982, để chứng minh tính phi lý trong yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đặc biệt, Giáo sư người Bỉ, ông Erik Franckx, Chủ nhiệm khoa luật quốc tế và luật châu Âu, Đại học Vrie, Bỉ, đã dùng Công ước luật biển 1982, thực tiễn giải quyết các vụ tranh chấp trên biển và những vấn đề về kỹ thuật bản đồ để chứng minh rằng “đường lưỡi bò” không có giá trị pháp lý. Ông chỉ ra sáu điểm yếu của yêu sách “đường lưỡi bò” được thể hiện trên bản đồ, đó là:

– Việc Trung Quốc lấy một tấm bản đồ để chứng minh chủ quyền có giá trị pháp lý rất hạn chế. Theo thực tiễn và quy định của luật pháp quốc tế, bản đồ chỉ có thể coi là một chứng cứ phụ trợ, không phải là cơ sở chủ yếu để chứng minh chủ quyền;

– Những bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc phát hành rất khác nhau và thậm chí mâu thuẫn nhau, vì vậy, không có độ tin cậy;

– Các đường, ký hiệu trong bản đồ không nhất quán và mơ hồ (đầu tiên là 11 đoạn, nay thành 9 đoạn);

– Chủ định của Trung Quốc khi vẽ bản đồ này là không rõ ràng;

– Các tấm bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” không chuẩn xác theo các quy định về ký hiệu bản đồ; không có nội hàm chuẩn xác và thống nhất, các khái niệm sử dụng để nói về về quy chế pháp lý của các vùng nước trong “đường lưỡi bò” đều không đúng khái niệm luật pháp quốc tế; kỹ thuật vẽ thiếu chính xác, tuỳ tiện.

Ông kết luận cả Trung Quốc và Đài Loan đều không đáp ứng đủ các điều kiện để coi vùng nước trong “đường lưỡi bò” là vùng nước lịch sử của mình.

Giáo sư Nauy Stein Tonnessen, thuộc Viện Nghiên cứu Hoà bình Oslo, nhấn mạnh rằng khái niệm “vịnh nước lịch sử” trong Công ước luật biển 1982 được hiểu rất hẹp, trong hoàn cảnh đặc thù, chứ không như yêu sách của Trung Quốc.

Tướng Daniel Schaeffer đến từ Trung tâm nghiên cứu châu Á 21 (Pháp) cho rằng việc Trung Quốc chính thức đưa ra đường đứt khúc 9 đoạn là một điểm đáng chú ý nhất ở khu vực trong 2 năm qua. Theo ông, Trung Quốc nên công khai và làm rõ ý định của mình, đối thoại với các nước trong khu vực về các khác biệt nảy sinh. Ông Daniel cũng cho rằng, nếu đối thoại giữa các bên để giải quyết xung đột không có tiến triển, cần tính đưa các tranh chấp khu vực ra Tòa án luật biển hoặc Tòa án Công lý quốc tế. Tại Hội thảo Biển Đông lần thứ nhất tại Hà Nội, Tướng Danel Schaeffer đã thể hiện rõ quan điểm của mình của “đường lưỡi bò”, cho đó là sự hoang đường, phi lý và trái với luật pháp quốc tế. Lần này, ông nhấn mạnh thêm : nếu thế giới chấp nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc thì có thể xé bỏ Công ước luật biển 1982.

Giáo sư Robert Beckman từ Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét với phóng viên tại Hội thảo rằng nói quan niệm "vùng nước lịch sử" là hoang đường thì hơi quá, nhưng thực sự, qua nghiên cứu của ông, nó chẳng có cơ sở gì cả.

Còn nhà ngoại giao kỳ cựu, Giáo sư Hasjim Djalal, Giấm đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (Indonesia) nêu thẳng trong tham luận của mình rằng Trung Quốc cần phải làm rõ yêu sách của mình ở Biển Đông, nhất là “đường lưỡi bò”. Giáo sư DJalal nhắc lại vụ việc năm 1994 Indonesia đã gửi công hàm chính thức đề nghị Trung Quốc làm rõ toạ độ của “đường lưỡi bò”; quy chế pháp lý của nó và quy chế pháp lý của vùng nước cũng như các đảo, đá bên trong “đường lưỡi bò”. Nhưng Trung Quốc đã không trả lời. Được biết, ngày 8 tháng 7 năm 2010, Phái đoàn thường trực của nước Cộng hoà Indonesia tại Liên hợp quốc đã gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên hợp quốc để phản đối tấm  bản đồ yêu sách hình chữ U (hay còn gọi là đường lưỡi bò) trong đó khẳng định : bản đồ đường đứt đoạn “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra rõ ràng là  “thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại các quy định của của Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc.”

Tóm lại, các học giả tham dự Hội thảo Biển Đông lần thứ 2 coi yêu sách “đường lưỡi bò” là phi lý, không có cơ sở pháp lý quốc lý. Việc Trung Quốc khư bám lấy một yêu sách như vậy chỉ làm phức tạp thêm tình hình, làm tăng thêm nghi ngại của các nước trong và ngoài khu vực. Muốn nhận được sự tôn trọng và được lắng nghe từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tốt nhất nên từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của mình./.

Nguyễn Nghiêm 

RELATED ARTICLES

Tin mới