Theo báo chí trong nước, vào khoảng 15 giờ chiều 29/5 (giờ VN) một tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc mang số hiệu 534 hung hãn áp sát tàu cảnh sát biển Việt Nam rồi tăng tốc lao về phía các tàu cá Việt Nam.
Hàng trăm tàu cá Trung Quốc có trọng tải lớn bao quanh giàn khoan không hề có hoạt động đánh bắt mà chỉ túc trực để lao ra cản phá, đâm húc vào các tàu kiểm ngư và tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Giàn khoan Hải Dương 981 đang gây sóng gió trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam
Các tàu này dàn hàng mỗi tốp khoảng ba chục chiếc, có một tàu chỉ huy trong khi các tàu quân sự Trung Quốc bảo vệ giàn khoan cả vòng trong lẫn vòng ngoài. Phi cơ chiến đấu của Bắc Kinh cũng liên tục xuất hiện, nhiều lần hạ thấp và gầm rú để uy hiếp các tàu Việt Nam.
Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Ngư cho AFP biết: «Khi chúng tôi tiến lại gần các tàu chiến Trung Quốc bảo vệ giàn khoan, họ đã mở bạt che súng, quay và chĩa súng vào các tàu Việt Nam».
Không chỉ hăm dọa, phía Trung Quốc còn sử dụng nhiều mánh khóe để gài bẫy. Ban đêm họ tắt các đèn tín hiệu và thả trôi để gây nguy hiểm cho tàu Việt. Hôm 28/5 cảnh sát biển Việt Nam phát hiện hai tàu quét mìn Trung Quốc và hai tàu hộ vệ tên lửa được thả trôi tự do ở phía đông giàn khoan. Tàu cá của họ đi sát tàu kiểm ngư Việt Nam, cố tình tạo những cú đâm va để chụp ảnh, quay phim vu khống. Thậm chí hôm 28/5 còn diễn ra hiện tượng kỳ lạ là hai tàu hải cảnh Trung Quốc tự phun nước vào nhau.
Một phóng viên của báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun, có mặt tại hiện trường cũng cho biết một tàu của Trung Quốc đã tiến sát tàu Việt Nam và khi chỉ cách khoảng 200 mét thì chĩa súng về phía tàu Việt Nam.
Theo nguồn tin này, có ít nhất khoảng 100 tàu Trung Quốc có mặt trong khu vực giàn khoan.
Ngày 27/05, Hà Nội tố cáo tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam.
Các vụ đối đầu giữa các tàu Trung Quốc và Việt Nam đã làm 12 người Việt Nam bị thương và có ít nhất 30 tàu của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm, gây hư hỏng.
Trung Quốc có thể di chuyển giàn khoan tới khu vực khác ở Biển Đông
Theo Reuters, một số chuyên gia công nghiệp Trung Quốc cho rằng giàn khoan Hải Dương – 981 (Haiyang 981), được Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) gọi là “lãnh thổ quốc gia di động”, sẽ được di chuyển tới khu vực khác trên Biển Đông sau khi hoàn tất hoạt động thăm dò gần quần đảo Hoàng Sa.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng của Đại học Hạ Môn kiêm cố vấn Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, ông Lâm Bá Cường (Lin Boqiang) cho biết: “Giàn khoan này được chế tạo để khai thác dầu ở Biển Đông. Nó sẽ di chuyển tới vùng nước sâu tại các khu vực khác trên Biển Đông”.
Trong khi đó, ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông – một tổ chức cố vấn của chính phủ Trung Quốc trên đảo Hải Nam, khẳng định: “Tại thời điểm này, đã phát hiện nơi giàn khoan đang hoạt động nhiều khả năng là một mỏ khí đốt. Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát địa chất ba chiều (3D) trước khi đưa giàn khoan tới đó”.
Theo ông Ngô, Bắc Kinh đang gửi một tín hiệu rõ ràng tới cộng đồng quốc tế rằng họ có khả năng thực hiện khai thác ở vùng nước sâu.
Tổng thống Mỹ cảnh báo những hành động hung hăng ở Biển Đông
Tổng thống Barack Obama ngày 28/5 cảnh báo Mỹ có thể sẽ điều quân đến Biển Đông nếu đồng minh của mình tại đó bị ảnh hưởng bởi “sự hung hăng mất kiểm soát”.
Trong bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại tại Học viện Quân sự West Point, Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ cần phải tẩy chay chủ nghĩa biệt lập và quân đội Mỹ phải được chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng.
“Sự hung hăng mất kiểm soát trong khu vực, dù ở Ukraine, trên Biển Đông hoặc bất kỳ nơi nào trên thế giới cuối cùng cũng sẽ ảnh hưởng đến đồng minh của chúng ta và có thể buộc quân đội của chúng ta can thiệp. Chúng ta không thể làm ngơ trước những gì diễn ra ngoài lằn ranh biên giới mình”, ông Obama nói.
Mặc dù không nêu đích danh quốc gia nào nhưng theo AFP, ông Obama đang ám chỉ những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây mà Washington từng lên án là “khiêu khích”. Philippines và Nhật Bản, hai đồng minh của Mỹ, đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Cũng trong ngày 28/5, tại buổi họp báo ở thủ đô Hà Nội, Thượng nghị sĩ Benjamin Cardin, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, tuyên bố Mỹ phản đối hành động “gây hấn” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong khi đó, phát biểu bên lề Diễn đàn Internet Stockholm 2014 diễn ra từ 27/5 – 28/5 về căng thẳng hiện thời tại Biển Đông, ngoại trưởng Thụy Điển ông Carl Bildt nhấn mạnh: Các xung đột thế này cần phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế.
Theo ngoại trưởng Thụy điển, có nhiều luật, thí dụ như Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển, hay các văn bản pháp lý quốc tế khác mà các nước cần phải tuân thủ một cách minh bạch và thực chất để có thể giải quyết các vấn đề một cách hòa bình.
Căng thẳng giữa Việt Nam, Trung Quốc, và cả các nước xung quanh khác cần phải được giải quyết giống như các nước tại các khu vực khác đã từng làm, ông Bildt nói.
Chúng tôi đã chứng kiến nhiều bất đồng thí dụ tại biển Baltic hay biển Bắc, Bắc Đại Tây Dương… các tranh chấp bất đồng đó đều đã được giải tỏa theo luật pháp quốc tế.
Thụy Điển không đứng về phía nước nào mà chúng tôi muốn đóng vai trò trung gian thúc đẩy cách giải quyết bằng luật pháp quốc tế, ông Carl Bildt nhấn mạnh.
BDN