Hai trong số những chiếc chiến đấu cơ tối tân nhất của Lực lượng Không quân Mỹ – máy bay tàng hình F-35 hôm qua (25/4) đã lần đầu tiên hạ cánh ở Estonia để tham gia vào cuộc tập trận dương oai diễn võ ở khu vực sân sau của Nga. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga với NATO nói chung và với một số nước láng giềng, trong đó có Estonia, nói riêng đang leo thang từng ngày.
Chiến đấu cơ F-35.
Giới chức quốc phòng Estonia coi việc triển khai F-35 của Mỹ là một bước đi thể hiện cam kết của Washington đối với các đối tác trong NATO.
“Việc triển khai những chiếc chiến đấu cơ hiện đại nhất của Mỹ đến Châu Âu là sự bảo đảm chủ quyền cho tất cả các quốc gia thành viên NATO”, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Margus Tsahkna cho hãng tin Baltic News Service biết.
“Chúng tôi chia sẻ các giá trị chung và sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của các quốc gia thành viên NATO khỏi bất kỳ kiểu hành động gây hấn hay xâm lược nào”, Bộ trưởng Tsahkna cho biết thêm khi phát biểu tại căn cứ không quân Amari của Estonia. Đây là nơi hai chiếc chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-35 của Mỹ vừa hạ cánh.
Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.
Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ, tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời. F-35 có 3 phiên bản khác nhau gồm F-35A, F-35B và F-35C. Trong đó, F-35A có khả năng cất và hạ cánh như máy bay chiến đấu thông thường; F-35B cất và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng và F-35C triển khai trên các tàu sân bay.
Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920 km/h. Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 khẩu pháo GAU-12/U 25 mm – gắn từ 180 quả đạn đến 220 quả đạn tùy phiên bản nâng cấp. F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.
Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ từng tự tin tuyên bố loại máy bay tiêm kích tàng hình F-35 mới của họ có thể tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga – một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất trên thế giới. Vì thế, F-35 được rất nhiều nước thèm muốn. Tất cả các phiên bản của F-35 đều được trang bị công nghệ tàng hình siêu việt, có khả năng tránh radar, đạt tốc độ siêu âm và gắn camera giúp phi công có thể quan sát 360 độ từ buồng lái xuống mặt đất.
Tuy nhiên, dự án phát triển F-35 cũng là dự án vũ khí gây tranh cãi nhất, là dự án vũ khí đắt đỏ nhất lịch sử nước Mỹ và cũng nhiều trục trặc nhất.
Không quân Mỹ hồi đầu tháng này cũng từng triển khai một loạt chiến đấu cơ đa năng F-35 đến tham gia một cuộc tập trận với các đối tác NATO.
“Tôi cho rằng, vai trò của hoạt động triển khai huấn luyện mà Không quân Mỹ đang thực hiện là nhằm để thể hiện năng lực có một không hai của loại chiến đấu cơ F-35 khi họ bắt đầu hội nhập vào chiến dịch của Châu Âu cùng với toàn bộ các đối tác NATO và Châu Âu”, Tướng Stuart Evans – Phó Chỉ huy Bộ Chỉ huy Không quân NATO (AIRCOM), đã phát biểu như vậy.
NATO gần đây cũng đã lần đầu tiên triển khai 4 tiểu đoàn tới Ba Lan và các nước Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania như một biện pháp nhằm răn đe Nga.
Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.