Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSự phi lý và dối trá của “đường lưỡi bò”

Sự phi lý và dối trá của “đường lưỡi bò”

BienDong.Net: Từ khi hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc không những bị truyền thông, chuyên gia quốc tế chỉ trích về hành động ngang ngược này mà ngay cả sự phi lý và dối trá của “đường lưỡi bò” được Bắc Kinh dùng để tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông cũng bị vạch trần.

 Từ trước đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được cơ sở pháp lý cho “đường lưỡi bò” mà chỉ viện đến cái gọi là “cơ sở lịch sử”. Tuy nhiên, ngay cả những “cơ sở lịch sử” do họ đưa ra cũng dựa trên sự dối trá trắng trợn. 

Mới đây, thẩm phán kỳ cựu Antonio T.Carpio thuộc Tòa án tối cao Philippines khẳng định việc Trung Quốc tuyên bố có “quyền lịch sử” đối với vùng biển trong đường lưỡi bò là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.


Trong bài phát biểu tại Đại học De La Salle (Philippines) với chủ đề: “Yếu tố lịch sử, những sự dối trá lịch sử và quyền lịch sử ở Biển Đông”, thẩm phán Carpio còn dùng chính những bản đồ của Trung Quốc để bác tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này dựa trên “yếu tố lịch sử”. 

Ông Carpio cho hay đã kiểm tra “yếu tố lịch sử” của Trung Quốc bằng cách xem nhiều bản đồ cổ của Trung Quốc và cả các bản đồ của Philippines và một số nước khác. 

“Tất cả bản đồ cổ này cho thấy kể từ khi những bản đồ tiếng Hoa đầu tiên xuất hiện, phần lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc luôn luôn chỉ có đảo Hải Nam, với tên gọi thời cổ của nó lần lượt được đổi từ Châu Nhai, Quỳnh Nhai và Quỳnh Châu. Đảo Hải Nam trong nhiều thế kỷ là một phần của tỉnh Quảng Đông và chỉ đến năm 1988 mới được tách thành một tỉnh riêng ”.

Ông Carpio khẳng định: “Thật ra, các bản đồ chính thức trong các triều đại Nguyên, Minh và Thanh đặt biên giới cực Nam của Trung Quốc ở đảo Hải Nam. Không có bản đồ nào thời phong kiến của Trung Quốc đề cập các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi ngầm Scarborough và đường chín đoạn. Những yếu tố lịch sử cơ bản và thật sự ở Biển Đông hoàn toàn khác với những gì Trung Quốc cho là bằng chứng lịch sử mà họ đã đưa ra”.

Thẩm phán Carpio cũng nhắc lại rằng khi Philippines bắt đầu kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông hồi tháng 1/2013, Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố “yếu tố lịch sử” là một căn cứ cho tuyên bố chủ quyền đó. 

Thẩm phán Carpio nêu rõ: “Các chuyến hải hành của Đô đốc Trịnh Hòa trong giai đoạn 1405 – 1433 không bao giờ là căn cứ cho bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào ở Biển Đông. Các tên mang tính lịch sử cũng không thể làm cơ sở cho tuyên bố chủ quyền đối với biển và đại dương. Thậm chí, tên biển là do người Châu Âu đặt, chứ không phải người Trung Quốc”. 

Từ đó, ông Carpio khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “sự dối trá trắng trợn, không thống nhất với các yếu tố lịch sử và những tuyên bố của chính họ”.

Ngoài ra, vị thẩm phán từ Tòa án tối cao Philippines còn lên án vụ Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, đá Chữ Thập năm 1988, đá Vành Khăn năm 1995 và bãi Scarborough năm 2012 là hành động xâm lược, vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Trước tình trạng này, thẩm phán Carpio khẳng định: “Thế giới bây giờ quen với những thiết kế mang tính bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự xâm chiếm dần dần của Trung Quốc đối với các đảo, bãi đá, đá ngầm cũng như các khu vực ở Biển Đông đang gia tăng thông qua vũ lực và các hành vi hung hăng thường nhật, khi hải quân Trung Quốc ngày càng vượt trội hơn so hải quân của những quốc gia ven biển khác”.

Tiến sĩ William Choong, chuyên gia về Châu Á – Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đưa ra những phân tích về tình hình Biển Đông như sau: Vấn đề mang tính mấu chốt ở Biển Đông lúc này là mỗi bên đều đưa ra những lý lẽ riêng. Câu chuyện cuối cùng trở thành cuộc đua ai là kẻ mạnh hơn. Cuộc đua của những con số. Cứ thử nhìn Trung Quốc, số tàu của họ là bao nhiêu? 130 tàu. Của Việt Nam là bao nhiêu? 30 – 40 tàu. Nếu nhìn thế này thì các lựa chọn là khó cho Việt Nam. Thứ nhất, chọn tòa quốc tế hay tòa trọng tài? Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu việc ra hầu kiện theo UNCLOS. Trung Quốc muốn duy trì sự mập mờ về các tuyên bố chủ quyền. Nếu tòa có quyết định cho Việt Nam thắng kiện thì cũng khó có khả năng để ép Trung Quốc thực hiện phán quyết của tòa. Thứ hai, việc sử dụng sức mạnh quân sự để khẳng định chủ quyền không phải là lựa chọn của Việt Nam. Thứ ba, tại ASEAN vừa rồi các Ngoại trưởng đã ra được tuyên bố riêng về tình hình ở Biển Đông, bước tiến lớn so với năm 2012. Nhưng ASEAN, với cơ chế của nó, sẽ không thể hiệu quả trên thực tế (để giải quyết tình hình khủng hoảng hiện tại). Giàn khoan ở đó giống như muốn mời gọi thách thức từ các nước. Mới đây, đô đốc hải quân Samuel Locklear III, tư lệnh Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, có nhắc về khả năng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, nhưng tôi nghĩ đó là câu chuyện sẽ còn xa và còn lâu mới tiến đến một liên minh Mỹ – Việt như kiểu Mỹ – Philippines. Tôi không nghĩ đến viễn cảnh Việt Nam sẽ cho quân Mỹ vào sử dụng hay điều hành các căn cứ quân sự của mình (như Philippines).

Tôi không phủ nhận ý nghĩa của việc đi kiện tại tòa trọng tài. Cách Philippines làm là rất khôn ngoan. Họ thuê những luật sư rất giỏi và nhiều kinh nghiệm của Mỹ và Anh để làm vụ kiện. Tòa trọng tài dù vậy sẽ không quyết định chuyện chủ quyền mà chỉ xác định là đường 9 đoạn của Trung Quốc có áp dụng luật của UNCLOS hay không. Và thực tế là đường 9 đoạn chẳng dựa trên cơ sở nào của UNCLOS – nhưng Trung Quốc đã từ chối việc ra tòa này. Đương nhiên Philippines ít nhất có thể giành thắng lợi về mặt tinh thần. Điều có thể buộc Trung Quốc phải làm rõ hơn là cơ sở nào để đưa ra đường 9 đoạn…

Về vai trò các nước lớn ở khu vực đối với cuộc khủng hoảng ở Biển Đông hiện nay, Tiến sĩ Ely Ratner, thành viên của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ nhận xét: Nên hiểu mối quan hệ quan trọng nhất ở khu vực, nếu không nói là quan trọng nhất toàn cầu, lúc này chính là cặp quan hệ Mỹ – Trung. Dù Mỹ có tìm cách kiềm chế, răn đe, quan hệ thương mại, chính trị… giữa họ lúc này vẫn là quan trọng nhất. Với các nước nhỏ, cách tốt nhất có lẽ là hình thành một cấu trúc an ninh khu vực đủ mạnh, đủ ổn định để có thể cùng bảo vệ nhau. ASEAN còn rất lâu mới đạt tới mức độ này.

Các nước cũng muốn Mỹ – Trung duy trì mối quan hệ ổn định, nhưng cũng không ai muốn quan hệ Mỹ – Trung quá nồng ấm, vì quá nồng ấm cũng không tốt cho các nước nhỏ ở khu vực. Mỹ sẽ đẩy chiến lược tái cân bằng đến đâu hay sẽ nhượng bộ để chia sẻ khu vực ảnh hưởng với Trung Quốc, đến giờ chưa ai rõ. Trong tái cân bằng, một trong những trụ cột yếu nhất của Mỹ chính là trụ cột kinh tế tài chính. Mỹ hoàn toàn thua sút so với Trung Quốc trong trụ cột này ở khu vực. Chính nhờ thị trường khổng lồ này mà Trung Quốc đã lớn mạnh, vì vậy thúc đẩy hoàn tất TPP nên là ưu tiên của Washington.

Về lối thoát cho cuộc khủng hoảng trên Biển Đông, tiến sĩ Ely Ratner gợi ý: Với ASEAN, thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử trêm Biển Đông (COC) có thể là một giải pháp – dù Trung Quốc luôn trì hoãn việc này. Bởi Trung Quốc sẽ rất khó chấp nhận một thỏa thuận mà chính bản thân họ bị ràng buộc trên biển. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Danny Russel đã yêu cầu Trung Quốc phải làm rõ cơ sở của đường 9 đoạn. Đây cũng là điều rất khó để Trung Quốc thực hiện, vì không rõ ràng như hiện tại có lợi nhiều hơn cho Bắc Kinh. Nếu mọi thứ mà rõ trắng đen, sẽ có vô số lỗ hổng trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc đang đưa ra hiện tại.

BDN (theo Chinhphu.Vn)

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới