Bằng chứng về chủ
quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị Trung Quốc
xâm chiếm
Những
bằng chứng không thể chối cãi rằng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chủ quyền của mình
từ lâu: Cho đến thế kỷ XVII, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
là các đảo vô chủ. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức “đội Hoàng Sa” (Cát Vàng) lấy người từ xã
An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa thu lượm hàng hóa
của các tàu mắc cạn, đánh bắt hải sản quí hiếm mang về dâng nộp và còn đo vẽ,
trồng cây và dựng mốc trên hai quần đảo.
Hoàng Sa và Trường Sa được lưu lại không chỉ trong tài liệu lịch sử của nhiều
tác giả trong nước như “Toàn tập Thiên nam tứ
chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá tự Công Đạo (1686) hay “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (1776) mà còn được người nước
ngoài ghi chép lại khi họ đến làm ăn, sinh sống tại Việt Nam.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, Chính
phủ Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng
Sa mà họ coi là họ kế thừa danh nghĩa chủ quyền của triều đình phong kiến An
Nam. Từ những năm 1925 và 1927, Pháp đã tổ chức điều tra trên Hoàng Sa và duy
trì tuần tra trên quần đảo. Liên tục trong các năm 1930 – 1933, Pháp đã đưa quân đội ra đóng ở Trường Sa. Tiếp đó, để tiện quản lý, năm 1933, Pháp đã sáp nhập
quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa (Nam Kỳ)
và đến năm 1938 đã thành lập đơn vị hành chính ở Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa
Thiên. Bên cạnh các hoạt động đó,
Pháp còn cho đặt cột mốc, xây hải đăng, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện trên
hai quần đảo. Trong quan hệ quốc tế,
Pháp đã nhiều lần lên tiếng phản đối các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với
quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 14/10/1950, Pháp chính thức trao việc quản lý quần đảo Hoàng Sa cho
Chính phủ Bảo Đại. Tại Hội nghị San Francisco năm 1951, đại diện Chính phủ Bảo Đại đã khẳng định chủ quyền
từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo mà không bị bất cứ một quốc gia nào phản
đối.
Về hành
chính, năm 1956, Chính quyền Sài Gòn quyết định quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh
Phước Tuy và năm 1961, chuyển quần đảo Hoàng Sa từ tỉnh Thừa Thiên vào tỉnh Quảng
Nam.
Có thể khẳng định rằng Việt Nam là Nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và là Quốc
gia duy nhất quản lý liên tục, hoà bình, phù hợp với các quy định của Luật pháp
quốc tế đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ nhiều thế kỷ
qua. Trong khi đó Trung quốc đã dùng lực lượng quân sự đến chiếm đóng quần đảo
Hoàng Sa và một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, thực hiện mưu đồ bành trướng
của mình khắp Biển Đông.
Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một
số điểm đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Năm 1956, lợi dụng
tình hình Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc cho quân đội ra chiếm nhóm phía Đông
quần đảo Hoàng Sa, Đài Loan cho quân đội ra chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba) trên
quần đảo Trường Sa. Tháng 1-1974, lợi dụng tình hình Mỹ phải rút khỏi Đông
Dương, Trung Quốc dùng lực lượng hải quân, không quân quan trọng đánh chiếm
nhóm phía tây quần đảo Hoàng Sa khi đó do quân đội của chính quyền Sài Gòn bảo
vệ. Năm 1988, Trung Quốc lại huy động lực lượng không quân, hải quân tấn công
chiếm sáu điểm trên quần đảo Trường Sa.
Từ đó đến nay, Trung Quốc vẫn ráo riết thực hiện ý đồ xâm chiếm hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bằng cách ra sức củng cố thế chiếm đóng trên
quần đảo Hoàng Sa; làm sân bay, xây dựng căn cứ hải quân, lập đường hàng hải
thường kỳ giữa Hải Nam và Hoàng Sa; xây dựng đài truyền hình chuyển tiếp trên
quần đảo, công bố 4 vùng nguy hiểm trong đó có vùng sát ngay quần đảo Hoàng Sa
buộc các nước có máy bay bay qua vùng này phải tuân theo quy định của Trung
Quốc để chứng minh rằng Trung Quốc có chủ quyền ở vùng này… Trung Quốc thành
lập các đơn vị hành chính sáp nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào tỉnh Hải Nam. Trung Quốc liên tiếp khẳng
định chủ quyền trên cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và huy động mọi công
cụ, lợi dụng mọi cơ hội, mọi diễn đàn quốc tế để “hợp pháp hóa” hành động xâm lược
đối với quần đảo Hoàng Sa đồng thời chuẩn bị dư luận và tăng cường lực lượng hải
quân chuẩn bị cho việc xâm chiếm quần đảo Trường Sa.
Phản đối
của chính quyền Việt Nam
đối với việc Trung Quốc xâm chiếm
Ngay sau
khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm toàn bộ các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa
do Việt Nam quản lý, ngày 19-1-1974 và 14-2-1974 chính quyền Sài Gòn đã ra
tuyên cáo về việc Trung Quốc “xâm lăng trắng trợn bằng quân sự” và tái khẳng
định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Ngày
20-1-1974, Ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn cũng đã gọi điện và gửi thư cho chủ
tịch Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký Liên Hợp quốc đề nghị những biện pháp cần
thiết trước tình hình khẩn cấp Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa.
Trong khi
đó, ngày 26-1-1974, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
cũng đã ra tuyên bố phản đối hành động xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc và
công bố lập trường “về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam.
Sau ngày
miền Nam giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã
nhiều lần tuyên bố khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Và ngày 5-6-1976, người
phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ những
thông tin xuyên tạc về Hoàng Sa – Trường Sa và khẳng định hai quần đảo này là
thuộc chủ quyền Việt Nam, từ trước đến nay đều do người Việt Nam quản lý.
Các năm 1979, 1984, 1988 Bộ Ngoại
giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều xuất bản sách trắng nêu rõ hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Thực
chất vấn đề không phải là tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà chỉ là
Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một số điểm đảo tại quần đảo
Trường Sa của Việt Nam, đồng thời ngang ngược đòi quần đảo Trường Sa là của
Trung Quốc.
Những hành động
chiếm đoạt bằng sức mạnh, bạo lực có thể đạt được một kết quả nhất thời, nhưng
cuối cùng bao giờ cũng thất bại. Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm các đảo của
Việt Nam
là một sự vi phạm những
điều luật cơ bản nhất của quốc tế. Trung Quốc một mặt vẫn hô hào tôn trọng luật
quốc tế, và đề nghị thương thuyết song phương, nhưng lời nói của Trung Quốc
không bao giờ đi đôi với việc làm. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa không
chỉ là một sự xâm phạm đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, mà còn
là một sự đe doạ đối với hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á; đe doạ đối với quyền
lợi không chỉ các nước ở khu vực Biển Đông mà còn của cả các nước khác trên thế
giới.
Công Minh
Comments are closed.