Saturday, December 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiASEAN ra tiếng nói thống nhất về Biển Đông

ASEAN ra tiếng nói thống nhất về Biển Đông

Ngày 10.8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) tại Nay Piy Taw (Myanmar) đã công bố thông cáo chung với 9 điểm nói rõ quan điểm của các Ngoại trưởng ASEAN liên quan đến vấn đề Biển Đông. Phía Mỹ cho rằng đây là một tiếng nói mạnh mẽ về Biển Đông.

BDN xin giới thiệu bài phân tích về vấn đề này do báo quốc nội Lao Động thực hiện.

Nhấn mạnh Biển Đông

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: Các Ngoại trưởng ASEAN tiếp tục bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.


ASEAN thúc giục các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh các hành động gây phức tạp tình hình và làm phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bao gồm đối thoại thân thiện, tham vấn và thương lượng, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.

Các Ngoại trưởng nhất trí tăng cường tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm bảo đảm và tăng cường hơn nữa việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC một cách tổng thể, nhất là Điều 4 và Điều 5, cũng như đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Các Ngoại trưởng giao các quan chức làm việc với phía TQ hoàn tất về các mục tiêu và cấu trúc cũng như cụ thể hóa các thành phần của COC, bao gồm các thành tố cụ thể nhằm thúc đẩy tin cậy và lòng tin, ngăn chặn sự cố, quản lý sự cố khi xảy ra.

Thông cáo của các Ngoại trưởng ASEAN cũng ghi nhận tài liệu về Kế hoạch hành động 3 bước (TAP) do Philippines giới thiệu và các đề xuất khác liên quan Điều 5 được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN khác đưa ra về vấn đề Biển Đông.

Cái bẫy thất bại

Thực ra, việc ban hành tuyên bố đã bị trì hoãn bởi một vài bất đồng giữa các thành viên ASEAN về ngôn từ liên quan đến vấn đề Biển Đông và quan hệ với TQ. TQ đã không hề muốn kế hoạch của Philippines được nhắc trong thông cáo chung. Ý định của TQ, theo giáo sư người Australia Carl Thayer, là cản trở về mặt ngoại giao và khiến ASEAN mắc kẹt trong cái bẫy đàm phán không có hồi kết thúc. Theo ông Thayer, Philippines đã để lộ bài của mình khi công bố kế hoạch 3 điểm trước khi AMM diễn ra, và TQ đã có thời gian chuẩn bị ứng phó.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, mặc dù tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN khá thận trọng để tránh đối kháng với TQ, nhưng sự lo ngại của ASEAN với các hành động của TQ trên Biển Đông “cao hơn bất kỳ lúc nào”, theo như các cuộc thảo luận kín.

 

Quan chức này nói rằng ngôn từ trong thông cáo chung của hội nghị là sự lên án mới và mạnh mẽ đối với những hành động gần đây của TQ: “Ngôn từ trong thông cáo thể hiện một bước lùi đáng kể đối với những nỗ lực của TQ nhằm câu giờ và thay đổi chủ đề”. Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố cho biết, Mỹ đã đóng vai trò như một chất xúc tác để ASEAN ra được tuyên bố thống nhất đề cập vấn đề Biển Đông.

Cho dù TQ có cố gắng diễn giải các bước đi của ASEAN và các nội dung của DOC phù hợp với lợi ích của họ, và cố gắng ngăn chặn các cường quốc đối thủ như Mỹ gây ảnh hưởng đến tiến trình giải quyết căng thẳng Biển Đông, song như một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các thành viên ASEAN đã cho thấy họ “ngày càng lo lắng hơn về cách cư xử mang tính leo thang” của TQ. “Có thể TQ cũng cảm thấy sức nóng của vấn đề. Điều đó thể hiện ở chỗ, các cuộc thảo luận mang tính vuốt ve giữa ASEAN và TQ đã chuyển hướng thành thực sự liên quan đến vấn đề Biển Đông”.

“Đóng băng” để hạ nhiệt

Tại diễn đàn An ninh Khu vực (ARF) ngày 10.8, vấn đề Biển Đông đã được thảo luận sôi nổi. Phát biểu trước các Ngoại trưởng ASEAN và TQ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hy vọng rằng ASEAN và TQ “sẽ thúc đẩy đàm phán một COC có ý nghĩa”. Nhưng ông cho rằng như vậy là không đủ nếu chỉ ngồi chờ một giải pháp. “Các mối nguy hiểm đang nổi lên trong thời gian chờ đợi. Các bên tuyên bố chủ quyền cần có bước đi ngay bây giờ để hạ nhiệt”.

Trước đó, sáng 9.8, Philippines đã chính thức đưa ra tại AMM kế hoạch 3 điểm về giảm căng thẳng Biển Đông, bao gồm đóng băng các hoạt động gây leo thang căng thẳng, nhanh chóng đi tới kết thúc đàm phán COC và thúc giục đàm phán phải giải quyết thông qua trọng tài hoặc luật quốc tế. Song không ngoài dự đoán, TQ khước từ đề xuất này.

Ngoại trưởng TQ Vương Nghị nói rằng vấn đề Biển Đông đã bị thổi phồng, và ông đổ lỗi cho các bên khác: “TQ sẵn sàng lắng nghe các đề xuất thiện chí về Biển Đông của tất cả các bên, nhưng các đề xuất này cần khách quan, công bằng và mang tính xây dựng, hơn là tạo ra những vấn đề mới hoặc có động cơ ngầm”.

Song, rõ ràng Trung Quốc đang có tiếng nói lạc điệu với ASEAN và các đối tác khác của ASEAN. Các thành viên ASEAN, theo Ngoại trưởng Singapore, ủng hộ kế hoạch 3 điểm của Philippines: “Tôi có thể nói các nước ASEAN tuyên bố chủ quyền đều ủng hộ kế hoạch. Họ thấy một phần kế hoạch là khả thi, phần khác cần làm rõ hơn”.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng, kế hoạch của Philippines tuân thủ các nguyên tắc của DOC mà chính TQ đã ký: “Lẽ ra họ không nên thấy kế hoạch có vấn đề gì. Đó là một kế hoạch tích cực, xây dựng, toàn diện. Nếu TQ không chấp thuận kế hoạch này, thì nghĩa là họ đã phản đối chính thỏa thuận mà họ đã ký”.

Mỹ cũng ủng hộ mạnh mẽ đề xuất của Philippines. Một quan chức Mỹ nói rằng, bất cứ đề xuất nào khuyến khích việc kiềm chế và giảm căng thẳng đều tốt cả. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng căng thẳng Biển Đông ảnh hưởng không chỉ đến các nước trong khu vực và Mỹ, mà toàn thế giới. Tại cuộc họp báo ngày 10.8, ông Kerry nói rằng, đề xuất “đóng băng” các công trình xây dựng trên Biển Đông “là cách để thực sự thực hiện lời hứa các bên đã đề ra”.

Ông Kerry cũng nói thêm: “Chúng tôi không muốn đối đầu với Trung Quốc. Nhưng chúng tôi có hàng loạt lợi ích và nguyên tắc để thúc đẩy sự tiếp cận của chúng tôi ở một khu vực đang có bất đồng với TQ”.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới