Trung Quốc đã tức giận lên tiếng phản pháo mạnh mẽ Mỹ về vấn đề Triều Tiên. Bắc Kinh tuyên bố họ không nên là nước duy nhất phải chịu trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang hôm 11/7 đã nói rằng, Trung Quốc không nên phải chịu trách nhiệm một mình trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên đồng thời cáo buộc các nước khác trốn tránh trách nhiệm trong nỗ lực làm dịu căng thẳng trong khu vực.
Những bất mãn nói trên của Trung Quốc được bày tỏ bằng ngôn ngữ cứng rắn và đanh thép một cách bất thường sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng này. Trong cuộc điện đàm đó, Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cảnh báo về “một số nhân tố tiêu cực” có thể làm phương hại đến mối quan hệ Mỹ-Trung. Điều này đã cho thấy mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đang gặp trục trặc sau những lạc quan nhất định ban đầu.
Phát ngôn viên Geng đã nói với báo giới rằng, Trung Quốc đang thực hiện nghĩa vụ theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong khi các nước khác tìm cách thổi bùng ngọn lửa căng thẳng trong cuộc khủng hoảng đồng thời phá hoại các lợi ích của Trung Quốc bằng hành động của họ.
“Trung Quốc không phải là nơi để họ đổ lỗi cho sự leo thang căng thẳng hiện nay. Trung Quốc cũng không phải là nước nắm chìa khóa giải quyết vấn đề”, ông Geng gay gắt cho biết tại cuộc họp báo.
“Nếu Trung Quốc đang tìm cách nỗ lực dập tắt ngọn lửa trong khi các nước khác tìm cách thổi bùng nó lên… làm thế nào những nỗ lực của Trung Quốc có thể đạt được kết quả như mong đợi? Làm sao mà căng thẳng có thể được hạ nhiệt? Làm thế nào mà vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết?”, ông Geng đặt ra hàng loạt câu hỏi như vậy.
Nói rằng một số phe phái không xác định đang lan truyền cái gọi là “thuyết trách nhiệm của Trung Quốc”, ông Geng cho biết, những phe phái đang đang hành động “với một động cơ được che giấu” và đang tìm cách chối bỏ, trốn tránh trách nhiệm của chính họ.
“Chối bỏ trách nhiệm là không ổn. Phá bỏ những cây cầu sau khi vượt qua sông là không ổn. Yêu cầu các nước khác nỗ lực nhưng bản thân không làm gì cũng là điều không ổn. Đâm sau lưng ai đó thậm chí còn tồi tệ hơn”, ông Geng đã dùng những lời lẽ gay gắt như vậy để chỉ trích các nước đang gây áp lực với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.
Trung Quốc luôn được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng luôn đứng ra bênh vực Triều Triêu trong những cuộc đối đầu của nước này với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Dù phản đối các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Bắc Kinh lâu nay vẫn cố gắng tránh không làm tổn thương mối quan hệ với Bình Nhưỡng bởi Triều Tiên có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc. Bởi nó có thể đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt.
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện tại đang phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ từ Mỹ đòi cường quốc Châu Á phải ảnh hưởng của mình nhằm buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân. Bắc Kinh cho rằng, quan niệm về việc họ là nước duy nhất có ảnh hưởng đủ mạnh với Triều Tiên rõ ràng là cường điệu, phóng đại.
Trung Quốc đã rất tức giận sau khi một trong những ngân hàng của họ gần đây bị cắt đứt kết nối với hệ thống tài chính của Mỹ vì bị cáo buộc hỗ trợ cho hoạt động rửa tiền của Bình Nhưỡng. Bắc Kinh cho rằng, luật của nước khác không nên được áp dụng với các thực thể của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng kịch liệt lên án việc Mỹ và Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng không tối tân THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc bởi Bắc Kinh tin rằng, hệ thống đó làm phương hại đến an ninh của họ do nó có thể giám sát các vụ phóng tên lửa cũng như nhiều hoạt động quân sự khác ở khu vực đông bắc Trung Quốc.