Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông 2015: Trung Quốc tiếp tục vai trò kẻ gây rối?

Biển Đông 2015: Trung Quốc tiếp tục vai trò kẻ gây rối?

Trung Quoc gay roiBienDong.Net: Trước thềm năm mới câu hỏi đặt ra đối với những người quan tâm thời cuộc Châu Á: Tình hình Biển Đông sẽ ra sao?

Có những ý kiến bi quan và cả những người lạc quan trước câu hỏi này. Tuy nhiên, tất cả phụ thuộc vào một ẩn số: Trung Quốc sẽ hành xử ra sao.

Sau tất cả những gì đã xảy ra xung quanh Biển Đông, điều rõ ràng là tình hình khu vực này yên bình hay bất ổn sẽ phụ thuộc phần lớn vào ứng xử của Trung Quốc, quốc gia có sức mạnh áp đảo trong khu vực và đang nuôi tham vọng độc chiếm vùng biển này. Theo ghi nhận của hầu hết các nhà phân tích, tương tự như trong năm 2014, Trung Quốc sẽ tiếp tục vai trò kẻ gây rối tại Biển Đông.

Trung Quoc gay roi

Tàu Trung Quốc (trái) dùng vòi rồng phun nước tấn công tàu Việt Nam tại Biển Đông trong vụ giàn khoan HD – 981.DR

Theo bài viết trên báo mạng Nhật Bản The Diplomat, Biển Đông tiếp tục được xếp vào trong số 10 diễn biến tại Đông Nam Á cần phải theo dõi trong năm 2015. Tác giả Prashanth Parameswaran cho rằng năm 2015 rất có thể sẽ tiếp tục là một năm đầy sóng gió, nếu căn cứ vào xu thế hiện nay.

« Với những gì đã xảy ra trong vài năm qua, ta không nên gạt Biển Đông ra khỏi danh sách (những sự kiện cần chú ý), mặc dù rất khó dự đoán chính xác sự việc sẽ diễn biến ra sao », Parameswaran nhận định.

Ông cũng cho rằng có hai vấn đề cần đặc biệt theo dõi, một là nước Đông Nam Á trong khối ASEAN – cả các nước có tranh chấp lẫn không có tranh chấp – sẽ điều chỉnh phản ứng của họ ra sao trước chiến lược ngày càng rõ ràng của Trung Quốc là vừa bành trướng trên biển bằng cách dần dần thay đổi hiện trạng Biển Đông, vừa gắn kết với khu vực Đông Nam Á trên bình diện kinh tế

Hai là cần chú ý theo dõi phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines nhắm vào Trung Quốc, sớm nhất là sau ngày 16/06/2015 là thời hạn chót mà Tòa án đã dành cho Bắc Kinh để trả lời luận chứng bổ sung mà Tòa đã yêu cầu Manila phải nộp trước ngày 15/03/2015.

Theo Parameswaran, phán quyết của cơ chế trọng tài của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển có thể ảnh hưởng đến các diễn biến trên hiện trường, đặc biệt là đến việc các bên sử dụng công cụ pháp lý để tìm giải pháp cho các tranh chấp đang diễn ra.

Trung tâm nghiên cứu Mỹ CSIS: Biển Đông vẫn là điểm nóng

Dự đoán của The Diplomat cũng có phần tương đồn với nhận xét của một loạt chuyên gia Mỹ về Biển Đông. Trên tạp chí của nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á châu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington số ra gần đây, rất nhiều chuyên gia về Biển Đông quả quyết rằng Biển Đông sẽ tiếp tục là một điểm nóng trong năm 2015.

Trung Quoc gay roi 2

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc của CSIS

Chuyên gia về Trung quốc, bà Bonnie Glaser cho rằng bãi Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), ở vùng quần đảo Trường Sa – đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc nhưng hiện do Philippines kiểm soát – rất có thể trở thành điểm nóng.

Trên bãi cạn này có xác một chiếc tàu cũ do Hải quân Philippines cố tình cho mắc cạn vào năm 1999 để làm chỗ đóng quân cho một toán lính Thủy đánh bộ làm nhiệm vụ canh gác. Trong năm 2014, lực lượng Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn không cho Philippines mang vật liệu xây dựng đến nơi này để gia cố chiếc tàu và tiếp tế cho lực lượng đồn trú tại đây.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia Glaser nhận định rằng, trong trường hợp chiếc tàu bị mục nát và không trụ nổi nữa, lực lượng Trung Quốc có thể thừa cơ tiến chiếm luôn bãi cạn này, và họ sẽ vấp phải sự chống đối của hải quân Philippines.

Một số chuyên gia khác cho rằng Biển Đông cũng có nguy cơ bị khuấy động do việc Trung Quốc đưa giàn khoan trở lại.

Về khả năng Trung Quốc thiết lập Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, bà Bonnie Glaser cho rằng câu hỏi đặt ra không phải là “liệu có hay không”, mà là “khi nào thì việc này xảy ra”.

Theo RFA, phát biểu trong hội thảo có chủ đề Châu Á – Thái Bình Dương, những dự báo cho năm 2015 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược CSIS tổ chức sáng 29/1 tại Washington D.C, Bà Bonnie Glaser nói: Quan chức Quốc phòng Trung Quốc liên tục khẳng định rằng tình hình an ninh ở Biển Đông không có gì đáng ngại, và vì thế trong thời điểm này họ không tiến tới việc tuyên bố một khu vực ADIZ. Vì thế, nếu Trung Quốc thay đổi đánh giá của họ về tình hinh an ninh, hoặc khi họ có khả năng thiết lập ADIZ thì họ có thể sẵn sàng thay đổi đánh giá về tình hình an ninh và sẽ tuyên bố dựng ADIZ. Tôi từng nghe các quan chức quân đội cao cấp của Trung Quốc thẳng thừng nói rằng thực thế đây là một phần trong sách lược của họ. Không quân Trung Quốc chắc chắn muốn có sự hiện diện của ADIZ ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Hoàng Hải. Rõ ràng, họ có kế hoạch cho điều này.

Tuy nhiên, bà Bonnie Glaser cho rằng Bắc Kinh sẽ thận trọng hơn đối với Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển. Bà nói: Tôi nghĩ là Trung Quốc thấy giật mình trước những làn sóng phản ứng dữ dội từ phía Việt Nam khi họ triển khai dàn khoan dầu – Hải Dương 981 ở Hoàng Sa và vào khu vực chủ quyền kinh tế của Việt Nam. Vì thế, Trung Quốc sẽ thận trọng và nhạy cảm hơn đối với các mối quan ngại của Việt Nam …Bắc Kinh lo ngại rằng hành vi của họ đã bắt đầu đẩy Việt Nam tiến lại gần Mỹ hơn, một điều mà họ không hề muốn thấy. Chẳng hạn, Trung Quốc có thể gây sức ép về kinh tế, quân sự lên một số nước trong khu vực, nhưng việc đặt một giàn khoan dầu trong vùng biển Việt Nam là điều khó có khả năng xảy ra.

Bàn về vai trò của Washington, bà Bonnie Glaser cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục giữ lập trường trung dung trong tranh chấp ở khu vực này. Cùng lúc đó, Washington sẽ hỗ trợ các nước, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, trong vấn đề hàng hải, đồng thời gây một chút áp lực lên Trung Quốc nhằm khiến nước này hợp tác với ASEAN trong việc hoàn tất bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông.

Trong khi đó, Giáo sư Thayer, chuyên gia về Biển Đông cho rằng trong năm 2015 sẽ khó có khả năng ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) mang tính ràng buộc tại Biển Đông. Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, ông nói: “Cho đến nay các cuộc đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc chỉ thống nhất về hình thức chung cho bộ quy tắc này. Các điều khoản chi tiết vẫn còn đang được bàn bạc. ASEAN thì muốn có một COC mang tính ràng buộc, tuy nhiên, đây là điều mà ít có khả năng Trung Quốc chấp nhận”, giáo sư nhận định..

Trung Quoc gay roi 3

Giáo sư Thayer tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông tháng 6/2014 ở Đà Nẵng (Ảnh BienDong.Net)

Đề cập về vai trò của Mỹ ở Biển Đông, giáo sư Thayer cho rằng Washington sẽ không thay đổi chính sách về các vấn đề Biển Đông.

“Mỹ vẫn sẽ tiếp tục đứng trung lập đối với các tranh chấp chủ quyền. Washington sẽ tăng cường hỗ trợ lực lượng an ninh biển của Việt Nam. Mối quan tâm của Mỹ (trong khu vực) chỉ gói gọn về tự do hàng hải, các chuyến bay qua Biển Đông và các hoạt động thương mại. Mỹ vẫn sẽ phản đối các hành động dọa nạt của Trung Quốc, nhưng sẽ không can thiệp quân sự”, ông nói.

Cũng nhận định về triển vọng tình hình khu vực, trong bài phát biểu tại Trân Châu Cảng hôm 2/2, Đại tá Hải quân Mỹ James Fanell cho rằng đảng cầm quyền Trung Quốc đang” trẻ hóa” và chuẩn bị cho xung đột quân sự tại Châu Á.

Cho rằng chính sách “tái cân bằng” của chính quyền Tổng thống Obama, trong đó có chủ trương xoay trục về Châu Á – Thái Bình Dương là một kế hoạch tốt để đối đầu với sự bành trướng của Trung Quốc, James Fanell nói: Vấn đề hiện tại là làm sao để quan chức tình báo nói lên sự thật, thuyết phục các nhà lập pháp quốc gia nhận thức được rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc, nếu bị xao nhãng và lơ là, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của các nước đối tác, đồng minh và bạn hữu của Mỹ.

“Chúng ta không nên chờ đến khi súng nổ mới thừa nhận vấn đề và đưa ra các quyết định nghiêm túc”, ông Fanell nói.

Đánh giá về Hải quân Trung Quốc, Fanell cho rằng lực lượng này đang từng bước tiến tới các mục tiêu chiến lược bao gồm phục hồi cái mà Bắc Kinh gọi là ” chủ quyền lãnh thổ trên biển”, đặc biệt hàng ngàn dặm vuông bên trong cái gọi là chuỗi đảo đầu tiên – một chuỗi các đảo nằm ở Tây Thái Bình Dương ngoài khơi bờ biển Trung Quốc trải dài từ Đông Bắc Á tới Biển Đông.

Tranh chấp trên Biển Đông là đe dọa lớn nhất năm 2015

Đó là một trong những nội dung đã được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhắc tới tại cuộc thảo luận về chủ đề Địa chính trị, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ) hôm 23/1.

Về quan hệ Việt – Trung, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa hai bên có quan hệ tốt về mặt chính trị, kinh tế. Tuy nhiên, về vấn đề Biển Đông, hai nước vẫn còn nhiều vấn đề xảy ra tranh chấp.

Báo quốc nội Đất Việt dẫn lời ông Phạm BÌnh Minh nhận định Biển Đông là tuyến đường rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa đến Đông Á, và từ Đông Á đến các khu vực khác trên thế giới. Vì vậy, tranh chấp lãnh thổ hay bất kỳ vấn đề nào xảy ra tại đây cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và hoạt động tự do lưu chuyển hàng hóa và ngành hàng hải.

Trả lời về mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong năm, Phó thủ tướng thẳng thắn: “Tôi cho rằng tranh chấp lãnh thổ có thể xảy ra trên Biển Đông năm nay. Việc này có thể đe dọa sự ổn định trong khu vực”.

Khẳng định lại quan điểm của Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết: Quan điểm của Việt Nam là giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.

Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết vấn đề biên giới trên bộ sau 30 năm đàm phán. Vấn đề trên biển khó khăn hơn. Việc phân định biển cần nhiều thời gian nhưng hiện tại Việt Nam mong muốn duy trì nguyên trạng trên Biển Đông.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới