Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDonald Trump muốn đánh Triều Tiên, Rex Tilleson thích đàm phán với...

Donald Trump muốn đánh Triều Tiên, Rex Tilleson thích đàm phán với Bình Nhưỡng?

Nói cách khác, nếu không có một tư duy độc lập mà chỉ biết ăn theo nói leo, không thể trở thành nhà tham mưu xứng đáng.

The Guardian, Anh quốc ngày 1/8 (tức ngày 2/8 giờ Hà Nội) đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định: Washington không tìm cách thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng, không đổ lỗi cho Bắc Kinh. [1]

Mỹ sẽ hoan nghênh các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên, chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ nằm trong bàn đàm phán để đi tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo, trong khi Mỹ sẽ đảm bảo về mặt an ninh.

Áp lực ôn hòa

Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết (tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ):

“Chúng ta đã bắt đầu chiến dịch duy trì, tiếp tục và tăng cường những gì mà tôi muốn gọi là áp lực ôn hòa, vì các lựa chọn có sẵn cho chúng ta là rất hạn chế.

Chúng tôi cảm thấy điều thích hợp đầu tiên là tìm kiếm áp lực ôn hòa lên chế độ Bắc Triều Tiên, để họ sẵn sàng ngồi nói chuyện với chúng ta và những nước khác

Nhưng điều này diễn ra với một sự hiểu biết rõ ràng rằng, điều kiện của những cuộc đàm phán đó là, không có chuyện Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân trong tương lai, hoặc có khả năng cung cấp vũ khí hạt nhân cho bất cứ ai.

Chúng ta không tìm cách thay đổi chế độ, chúng ta không tìm kiếm sự sụp đổ của chế độ này. Chúng ta không tìm kiếm một sự thống nhất bán đảo nhanh chóng.

Chúng ta không tìm kiếm một cái cớ để điều quân đội của mình vượt qua vĩ tuyến 38.

Chúng ta chắc chắn không đổ lỗi cho Trung Quốc về tình hình ở Bắc Triều Tiên. Chỉ có Triều Tiên là phải chịu trách nhiệm cho tình trạng này.”

Ông Rex Tillerson sẽ có chuyến công du Đông Á vào cuối tuần này. [1]

Tờ New York Post ngày hôm nay cũng dẫn lời ông Rex Tillerson phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, rằng:

“Chúng ta đang cố gắng truyền đạt để Bắc Triều Tiên hiểu rằng, chúng tôi không phải là kẻ thù của bạn, chúng tôi không phải mối đe dọa của bạn.

Nhưng các bạn đang đưa ra một mối đe dọa không thể chấp nhận đối với chúng tôi, do đó chúng tôi phải phản ứng.

Và chúng ta hy vọng rằng, vào một thời điểm nào đó, họ sẽ bắt đầu hiểu điều này và sau đó chúng ta ngồi vào bàn đối thoại với họ về tương lai.

Chúng ta đảm bảo sự an toàn cũng như thịnh vượng kinh tế trong tương lai cho Bắc Triều Tiên, cái mà họ đang tìm kiếm.” [2]

Nếu phải chiến tranh, nó sẽ xảy ra ở bán đảo Triều Tiên chứ không phải nước Mỹ

Phát biểu trên chương trình truyền hình Today (Ngày nay) của đài NBC, Hoa Kỳ ngày 1/8 (tức 2/8 giờ Hà Nội), Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho biết:

Tổng thống Donald Trump nói với ông rằng, cuộc chiến sẽ nổ ra giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên nếu chính phủ của ông Kim Jong-un tiếp tục phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể tấn công nước Mỹ.

“Có một lựa chọn quân sự để phá hủy chương trình tên lửa của Bắc Triều Tiên và chính Bắc Triều Tiên.

Nếu có một cuộc chiến để ngăn chặn họ, nó sẽ diễn ra ở đó (bán đảo Triều Tiên).

Nếu có hàng ngàn người chết, họ sẽ chết ở đó, không phải ở đây (Hoa Kỳ), và (Donald Trump) đã nói điều đó trước mặt tôi.

Ông ấy nói với tôi điều này. Tôi tin ông ấy. Nếu tôi là Trung Quốc, tôi cũng sẽ tin ông ấy và làm gì đó.” [2] [3]

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cùng ngày cho biết, tất cả các lựa chọn vẫn nằm trên bàn. Tuy nhiên chính phủ Mỹ sẽ không tiết lộ trước bất kỳ hành động nào có thể.

CNN ngày hôm nay tường thuật lời bà Sarah Huckabee Sanders:

“Tổng thống đã rất quyết liệt về sự cần thiết phải ngăn chặn Bắc Triều Tiên. Chúng tôi đã rất tập trung vào việc ngăn chặn chương trình thử nghiệm hạt nhân, tên lửa của họ.

Việc đó vẫn tiếp tục là trọng tâm và chúng tôi đang giữ tất cả các lựa chọn trên bàn để có thể làm được điều này.” [4]

Khác biệt và mâu thuẫn

Ngoại trưởng Rex Tillerson đã lên tiếng về sự khác biệt, mà dư luận đang xem như mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Donald Trump, nhất là những phát ngôn của ông và Tổng thống về Triều Tiên mấy ngày qua.

The Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ cho biết:

“Nếu chúng tôi không có sự khác biệt đó, tôi đã không phục vụ ông ấy (Tổng thống Donald Trump).

Chúng tôi có một mối quan hệ tốt đẹp. Ông thường gọi tôi đến vào những ngày cuối tuần.

Đó là một mối quan hệ rất cởi mở và đó là điều tôi cảm thấy khá thoải mái khi nói với ông ấy về quan điểm của tôi.” [1]

Còn bản tin của CNN hôm nay cho biết, trong cuộc trao đổi gần đây với Thượng nghị sĩ Lindsey Graham ở Đồi Capitol, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã đưa ra một lập trường “đặc biệt bất thường” về chính sách quân sự của Mỹ.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, ảnh: Washington Examiner.

Ông Lindsey Graham hỏi: 

“Có phải chính sách của chính quyền Donald Trump đã phủ nhận khả năng Triều Tiên có thể phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa tấn công được nước Mỹ với đầu đạn hạt nhân hay không?” 

Ông Mattis đáp: “Vâng!” [4]

Theo New York Post, Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận về việc đánh giá tên lửa Triều Tiên, ngoại trừ việc thừa nhận vụ thử tên lửa hôm 28/7 có tầm bắn xa nhất từ trước đến nay.

Đại diện Bộ Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ Jeff Davis nói với báo giới:

“Chi tiết đánh giá của chúng tôi được bảo mật vì lý do gì, tôi hy vọng các bạn hiểu.”

Trong khi đó, Bình Nhưỡng đã cho thấy mức độ hoạt động “không bình thường và chưa từng có tiền lệ” của lực lượng tàu ngầm với những bằng chứng về một cuộc thử nghiệm phóng hỏa lực ngay sau khi bắn tên lửa hôm thứ Sáu tuần trước. [5]

Những thử nghiệm này để đánh giá một hệ thống phóng tên lửa, sử dụng hơi nước áp suất cao để phóng một quả tên lửa khỏi ống phóng tàu ngầm trước khi động cơ bị đốt cháy.

Quá trình này ngăn chặn khả năng ngọn lửa và nhiệt từ động cơ tên lửa làm hỏng tàu ngầm hoặc xà lan được sử dụng làm bệ phóng.

Trong một động thái khác có liên quan, Yonhap News ngày 1/8 cho biết, Mỹ sẽ điều thêm 12 chiến đấu cơ F-16 cùng 200 phi công từ phi đội chiến đấu số 176 Không lực Hoa Kỳ từ Wisconsin tới bố trí tại Hàn Quốc trong vòng 4 tháng. [6]

Seoul vừa tiếp tục kêu gọi đối thoại, vừa xem xét phát triển vũ khí hạt nhân

Hôm thứ Ba 1/8, Hàn Quốc đã kêu gọi Triều Tiên chấp nhân đề xuất mới nhất của Seoul về đối thoại, cam kết tiếp tục các nỗ lực nhiều chiều để đoàn tụ các gia đình ly tán do chiến tranh, và giảm căng thẳng biên giới.

Cũng trong ngày 1/8, chính phủ Hàn Quốc đã đề nghị tổ chức các cuộc hội đàm giữa hội Chữ Thập Đỏ hai miền về đoàn tụ gia đình.

Trước đó miền Nam cũng đề nghị mở các cuộc đàm phán quân sự với miền Bắc bán đảo Triều Tiên để giảm căng thẳng biên giới hôm 21/7, nhưng Bình Nhưỡng im lặng.

Chính phủ Hàn Quốc cũng bác bỏ thông tin rằng nước này từ chối xem xét dành khoảng 6 triệu USD hỗ trợ các hoạt động này vì vụ thử tên lửa của Triều Tiên. [7]

Trong khi đó, tờ Independent, Anh quốc ngày hôm nay đưa tin, các chính trị gia Hàn Quốc đã tuyên bố, đất nước họ nên phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình để đối phó với Bình Nhưỡng.

Họ cho rằng không thể tin vào chiếc ô an ninh của Mỹ dưới thời Donald Trump. 

Ông Moon Chung-in, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Moon Jae-in cho rằng:

Chính sách “nước Mỹ trên hết” của Donald Trump đã gây ra tình trạng nhiều người muốn Hàn Quốc có vũ khí hạt nhân, cho dù ông chống lại các kêu gọi ấy.

Cá nhân người viết cho rằng, tất cả những “mâu thuẫn” hay phát biểu khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về chính sách của Hoa Kỳ với Triều Tiên, ở chừng mực nào đó phản ánh các phương án ứng phó được các cơ quan tham mưu đặt lên bàn Tổng thống.

Giám đốc CIA muốn lật đổ, Ngoại trưởng muốn đối thoại, Tổng thống sẵn sàng tấn công quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng và các tướng lĩnh hàng đầu thì đặc biệt thận trọng không tiết lộ các khả năng hành động quân sự.

Nhìn bề ngoài có cảm giác mâu thuẫn giữa các cá nhân lãnh đạo hay nội bộ Nhà Trắng, nhưng người viết cho rằng ông Rex Tillerson đã nói một câu rất sâu sắc:

Nếu không có sự khác biệt với Donald Trump thì ông đã không làm Ngoại trưởng trong nội các của ông ấy. 

Nói cách khác, nếu không có một tư duy độc lập mà chỉ biết ăn theo nói leo, không thể trở thành nhà tham mưu xứng đáng.

Mặt khác, minh bạch thông tin luôn luôn là đòi hỏi của dư luận, nhất là từ phía các nhà lập pháp Hoa Kỳ. Nhưng bảo mật thông tin, đặc biệt là về quân sự, là điều tối quan trọng đối với Nhà Trắng, Lầu Năm Góc.

Khi ứng phó với các đối thủ giấu mình như Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, thì với Tổng thống Donald Trump, “thiên cơ bất khả lộ” là điều dễ hiểu.

RELATED ARTICLES

Tin mới