Tuesday, April 30, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChính phủ Mỹ cần có đối sách toàn diện với Trung Quốc...

Chính phủ Mỹ cần có đối sách toàn diện với Trung Quốc ở Biển Đông

my trung

BienDong.Net: Trong thời gian ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc từ 7/4 đến 10/4/2015, báo chí Trung Quốc, từ báo đảng đến báo mạng, chắc là theo chỉ đạo, đều không có bài viết, bình luận nào với những lời lẽ thô thiển, bịa đặt chống Việt Nam như thời gian trước đó. Thậm chí nhiều báo còn đăng những tin, bài rất “hữu nghị” với Việt Nam.



Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc từng đi đầu trong việc đăng các bài chống phá, đả kích Việt Nam, khiêu khích, kêu gọi đối đầu… bỗng nhiên chuyển giọng dùng những lời lẽ có cánh như: Ca ngợi chuyến thăm của ông Trọng “mang theo làn gió ấm” và “mong quan hệ Việt – Trung chào đón mùa xuân tươi đẹp”… mô tả “hai bên đã có những phát biểu đầy nhiệt tình về quan hệ hai nước”…

Vậy nhưng ngay chính giữa thời gian chuyến thăm của ông Trọng, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên giải thích trơ tráo về hành động xây dựng ồ ạt các đảo nhân tạo tại chính các vị trí mà Trung Quốc cướp cạn của Việt Nam trước đây. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 9/4/2015, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng các hoạt động này là việc làm “hợp tình, hợp lý và hợp pháp trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”; “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và khu vực phụ cận”; “Chính phủ Trung Quốc tiến hành xây dựng và cải tạo Trường Sa là nhằm: Hoàn thiện các công năng trên đảo; Cải thiện điều kiện công tác và cuộc sống của binh lính đồn trú; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển của Trung Quốc; tiến hành các hoạt động tìm kiếm cứu hộ trên biển, quan sát khí tượng, bảo vệ môi trường, an ninh hàng hải và nghề cá…”. Hoa Xuân Oánh tiếp tục thách thức dư luận rằng, “đất Trung Quốc, Trung Quốc cứ xây, không nước nào có quyền nói này nói nọ”!!!

Báo chí Trung Quốc ngày 13/4/2015 không những công khai thừa nhận Trung Quốc đang cải tạo, xây dựng bất hợp pháp, biến bảy bãi đá và rạn san hô mà nước này cướp cạn của Việt Nam vào năm 1988 ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo mà còn công khai tính toán, chỉ xây thô thôi, chi phí cho mỗi đảo cũng phải mất 73,6 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 1,2 tỷ đô la Mỹ.

Hành động và phát biểu công khai, thách thức dư luận, thách thức pháp luật quốc tế của Bắc Kinh chắc chắn sẽ làm tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, căng thẳng, an ninh hàng hải, hòa bình, thịnh vượng của cả khu vực Đông Nam Á vẫn đặt dưới nguy cơ khôn lường. Bắc Kinh không hề cho thấy một dấu hiệu “chùn tay” nào trước những phản ứng dữ dội, liên tục của Mỹ, Nhật Bản, EU, Việt Nam, Philippines và cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh đang muốn tỏ cho thế giới thấy không nước nào có thể thách thức họ ở Biển Đông, làm tăng áp lực lên các nước đang có vấn đề về chủ quyền với Trung Quốc như Việt Nam, Philippines…

Để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc trên Biển Đông, dư luận quốc tế cho rằng một cường quốc lớn như Mỹ cần hành động kiên quyết hơn, hiệu quả hơn, can dự sâu hơn và cần có một chiến lược tổng thể, lâu dài đối với khu vực này, thực hiện có hiệu quả chiến lược “tái cân bằng” xoay trục sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, vì lợi ích to lớn của Mỹ tại khu vực này.

Ngày 19/3 vừa qua, bốn nghị sĩ tại Thượng viện Mỹ là TNS John McCain, Chủ tịch tiểu ban Quân lực, TNS Bob Corker, thuộc đảng Cộng hoà, Chủ tịch tiểu ban Đối ngoại và hai người thuộc đảng Dân chủ đồng ký tên là các ông Jack Reed và Bob Menendez, cũng là thành viên ở vị trí Phó Chủ tịch của hai tiểu ban nói trên, đã công bố một bức thư gửi đích danh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry, báo động về mối đe dọa mà các hành động “không có tiền lệ” của Trung Quốc tại Biển Đông đang gây ra cho chính nước Mỹ cũng như cho các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực.

Các TNS đã yêu cầu Washington phải có ngay một chính sách toàn diện để đối phó với hiểm họa đó, đồng thời đề nghị một số biện pháp cụ thể có thể được áp dụng trong đối sách chống lại các hành vi quá đáng của Trung Quốc trên biển Châu Á.

Trong bức thư, các TNS nêu rõ: “Các hoạt động cải tạo đất và xây dựng của Trung Quốc trên vô số hòn đảo ở quần đảo Trường Sa, và các năng lực tiềm tàng về chỉ huy, điều hành, giám sát, khống chế quân sự mà các khoảnh đất mới này mang lại, là một thách thức trực tiếp, không chỉ đối với lợi ích của Mỹ và khu vực, mà còn đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế”.

Các TNS đã kêu gọi chính quyền Mỹ “thức tỉnh” trước tình hình ở Biển Đông “Nếu không có một chiến lược toàn diện để giải quyết chính sách rộng lớn và các hành xử của Trung Quốc, lợi ích lâu dài của Mỹ, cũng như của các đồng minh và đối tác sẽ đứng trước nguy cơ đáng kể”. Các tác giả của bức thư còn đề nghị một số biện pháp cụ thể mà Chính phủ Mỹ nên áp dụng, đó là:

– Đưa ra một cách đồng đều hơn các thông tin tình báo về những hoạt động gây mất an ninh của Trung Quốc nhằm gặt hái được những kết quả tích cực thông qua dư luận trong và ngoài nước.

– Xem xét lại các hình thức hợp tác an ninh với Trung Quốc, nên duy trì hình thức nào nếu Trung Quốc ngừng xây cất và nên chấm dứt hình thức nào hay có hình thức nào mới để trừng phạt Trung Quốc nếu Trung Quốc tiếp tục các hoạt động bồi đắp và xây dựng trên các đảo.

– Tìm cách giúp các đối tác trong khu vực Biển Đông tăng cường khả năng bảo vệ an ninh cho chính họ và cho khu vực cũng như thế giới.

– Thúc đẩy thêm quan hệ ngoại giao với các nước ASEAN và những nước khác trên thế giới để ủng hộ thông thương trên biển cả trong khu vực Ấn Độ Dương lẫn Thái Bình Dương.

Căn cứ vào tư cách của bốn tác giả bức thư, có thể hiểu rằng ý kiến nêu lên cũng là ý kiến của toàn thể Thượng viện Mỹ, chứ không đơn thuần chỉ là quan điểm cá nhân của những người ký tên.

Còn nhớ, trong chuyến thăm tới Australia năm 2011, Tổng thống Obama đã nói: “Vậy hãy đừng nghi ngờ nữa: Ở Châu Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ 21, Mỹ luôn nỗ lực hết mình”. Nếu Mỹ luôn “nỗ lực hết mình” trong sự tái cân bằng của mình sang Châu Á – Thái Bình Dương, chính quyền Obama phải tìm kiếm những cách thức hiệu quả hơn khi Bắc Kinh đang ráo riết đẩy mạnh các hoạt động khẳng định lợi ích và tầm ảnh hưởng của mình ở vùng biển Châu Á, trong đó có Biển Đông và biển Hoa Đông.

Chỉ huy Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry B. Harris, trước khi được chấp thuận, đã từng điều trần trước Quốc hội Mỹ rằng “Sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc quân sự khu vực và kinh tế toàn cầu, và đặc biệt, công cuộc hiện đại hóa quân sự nhanh chóng và hành vi quyết đoán của nước này đối với các nước láng giềng khu vực đặt ra những cơ hội và thách thức cần phải được xử lý một cách hiệu quả. Đây là thách thức lâu dài nhất của chúng ta”. Đô đốc Harris đề xuất “Để đối phó với thách thức này, Hải quân Mỹ nên thăm dò việc thiết lập một Trung tâm Tác chiến trên biển quốc tế (IMOC) đặt trụ sở ở Indonesia để thể hiện cam kết của Hải quân Mỹ đối với Châu Á – Thái Bình Dương, theo dõi những diễn biến trên biển ở Biển Đông và Ấn Độ Dương cũng như đóng vai trò là một cơ chế mới để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Bởi theo Đô đốc Harris, việc Bắc Kinh tạo ra hơn 4 km2 “Vạn lý Trường thành bằng cát” ở Biển Đông hoàn toàn chưa có tiền lệ.

Trước những diễn biến mới liên quan đến chính sách của Mỹ đối với Biển Đông, Việt Nam có thể làm gì? Giáo sư Ngô Vĩnh Long đến từ Đại học Maine (Mỹ) đưa ra nhận xét: “Muốn chống lại chiến lược bồi đắp đảo nhân tạo để chiếm ngự Biển Đông thì Việt Nam, một nước bị thiệt hại lớn nhất, phải liên tục dùng dư luận quần chúng trong và ngoài nước gây áp lực đối với Trung Quốc. Việt Nam lên tiếng mạnh và liên tục thì mới tạo cơ hội cho các nước khác có thể lên tiếng cùng với Việt Nam và đóng vai trò tích cực cùng với Việt Nam”.

Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long: “Việt Nam không nên tiếp tục phản ứng với những lập luận nhẹ nhàng như: “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam; Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này là không thể chối cãi”. Vấn đề không phải là chủ quyền không ai chối cãi mà là có ai muốn bỏ công sức giúp đỡ Việt Nam chỉ vì chủ quyền và quyền lợi riêng của Việt Nam hay không”./.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới