Saturday, November 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTại sao học giả Trung Quốc phản đối Bắc Kinh? (Kỳ II)

Tại sao học giả Trung Quốc phản đối Bắc Kinh? (Kỳ II)

Ngày 21-5, trong bài viết “Bàn về việc quan chức Trung Quốc cần phải học tập sâu sắc UNCLOS”, học giả Lý Lệnh Hoa tiếp tục phê phán mạnh mẽ quan điểm, thái độ hai mặt của một số học giả, quan chức Trung Quốc về UNCLOS như Dị Tôn Lương, Vụ phó biên giới và các vấn đề hải dương thuộc Bộ Ngoại giao; Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải…

Kỳ II: Nhận định về UNCLOS

Ông Lý Lệnh Hoa cũng phê phán việc Trung Quốc lẩn tránh vụ kiện của Philippines về tranh chấp chủ quyền biển. Học giả Lý Lệnh Hoa cũng mạnh mẽ phê phán những luận điệu sai trái liên tục xuất hiện trên tờ Thời báo Hoàn cầu số ra gần đây. Bởi theo ông, một số nhà báo của Thời báo Hoàn cầu đã dẫn những quan điểm thiếu kiến thức cơ bản về luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS của một số chuyên gia và học giả, khi họ đề cập tới “điểm cơ bản, đường cơ bản của lãnh hải”, cũng như lý luận phân định ranh giới biển.

Ông Lý Lệnh Hoa nhấn mạnh, Trung Quốc và các nước ven Biển Đông đều đã ký UNCLOS, do đó việc giải quyết tranh chấp phải căn cứ theo tinh thần và các điều khoản của Công ước này, nếu không việc phân định biên giới biển của Trung Quốc sẽ kéo dài không biết tới khi nào mới giải quyết xong.
Trước đó, trong bài viết ngày 15-5-2014, học giả Lý Lệnh Hoa cho rằng: UNCLOS được ký đã hơn 30 năm. Các lý lẽ pháp luật và nguyên tắc của UNCLOS trên phạm vi thế giới đã được bổ sung và phát triển qua thực tiễn của nhiều quốc gia. Ngày 15-5-1996, Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS, do đó phải hành xử theo khuôn phép của các điều khoản cơ bản và tinh thần của Công ước này. Còn trong bài viết trên blog cá nhân tối 6-5-2014 (đăng trên mạng sina.com), học giả Lý Lệnh Hoa cũng nhấn mạnh, Trung Quốc là một trong những quốc gia ký UNCLOS nên phải tuân theo điều thứ 74 và 83 của UNCLOS – phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh. Học giả Lý Lệnh Hoa đưa ra nhận định này sau khi phóng viên tờ Thời báo Hoàn cầu liên hệ hỏi quan điểm của ông về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến khoan và tác nghiệp tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Giàn khoan HD981 thời điểm được hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

Ông Lý Lệnh Hoa từng tuyên bố, một số quan chức, chuyên gia và học giả Trung Quốc lâu nay vẫn phiến diện kiên trì quan điểm về thềm lục địa kéo dài tự nhiên và chủ trương về “đường lưỡi bò”, không đếm xỉa đến nước khác. Họ xem thường sự phát triển nội hàm của tinh thần UNCLOS trong hơn 30 năm qua. Điều đó đã làm hạn chế, gây khó khăn chồng chất cho công tác hoạch định ranh giới biển của Trung Quốc. Theo học giả Lý Lệnh Hoa, năm 1949, chính quyền Tưởng Giới Thạch thất bại, rút ra đảo Đài Loan, và từ đó, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời và cho ấn hành một bản đồ có “đường lưỡi bò” được thể hiện giống như bản đồ của Trung Hoa dân quốc xuất bản tháng 2-1948. Khi đó, Vụ Biên giới và Lãnh thổ thuộc Bộ Nội vụ của Trung Hoa dân quốc cho xuất bản tấm bản đồ với tên gọi Nam hải chư đảo vị trí đồ, được thể hiện bằng đường đứt khúc 11 đoạn. Đó là bản đồ đầu tiên thể hiện “đường lưỡi bò”. Sau đó, bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xuất bản chỉ còn 9 đoạn.
Học giả Lý Lệnh Hoa từng kiến nghị: Bắc Kinh cần đối thoại, đàm phán hữu hảo với các nước hữu quan trên cơ sở tất cả các điều khoản quy định của UNCLOS bởi Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông đều đã ký UNCLOS và điều cần thiết hiện nay là phải tạo bầu không khí hòa bình. Bên cạnh đó, Trung Quốc nên hình thành một vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị với các nước xung quanh, lấy chính sách hợp lý và dựa trên luật pháp quốc tế để xử lý những tranh chấp, bất đồng. Học giả Lý Lệnh Hoa từng khuyến cáo, những người không hiểu rõ về ý nghĩa to lớn của UNCLOS đối với nhân loại, cũng như chẳng biết xu hướng phát triển chủ đạo của thế giới, nhưng lại cổ xúy cho việc sử dụng vũ lực thì đúng là chỉ gây thêm rắc rối cho nhân dân và đất nước Trung Quốc.
Sau khi phê phán những quan điểm, hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông, học giả Lý Lệnh Hoa đã kêu gọi Bắc Kinh cần sớm chấm dứt xung đột tại khu vực này. Đồng thời nhấn mạnh, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, Việt Nam và các nước ven Biển Đông cần môi trường chính trị hòa bình, ổn định trên biển. Và Trung Quốc phải tích cực, chủ động giải quyết vấn đề Biển Đông, xác lập cơ chế đàm phán, thương lượng song phương và đa phương hữu hiệu, được các nước liên quan cùng chấp nhận. Bởi theo ông Lý Lệnh Hoa, giải quyết các vấn đề ở Biển Đông phải căn cứ vào tinh thần, cùng những điều khoản cụ thể của UNCLOS. Và chỉ khi đã xác định được đường ranh giới biển, việc khai thác biển mới có thể tiến hành thuận lợi.

RELATED ARTICLES

Tin mới