“Tranh chấp ở Biển Đông không phải là một cuộc tranh giành năng lượng”, Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh và là cố vấn cho Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết. “Đây là một cuộc tranh chấp vùng biển và không có thỏa hiệp giữa các nước tuyên bố chủ quyền chồng lấn”, ông nói thêm.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 4/5 diện tích Biển Đông, dựa trên yêu sách đường 9 đoạn được vẽ trên một bản đồ từ năm 1940, vòng xuống giống như hình lưỡi bò, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 1.800 km về phía nam. Các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với khu vực này.
Giàn khoan Hải Dương 981 năm ngoái là ví dụ rõ ràng cho căng thẳng này. Khi giàn khoan lần đầu tiên được triển khai cho công tác thăm dò vào năm 2012, Chủ tịch Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) Vương Nghi Lâm mô tả giàn khoan nước sâu là “lãnh thổ quốc gia di động và vũ khí chiến lược để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi của đất nước”.
Động cơ cơ bản
Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan ở vùng biển tranh chấp với Việt Nam vào tháng 5 năm ngoái, một làn sóng phản đối Trung Quốc đã nổ ra ở Việt Nam. Mỹ cũng gọi động thái của Trung Quốc là “khiêu khích”. Giàn khoan Trung Quốc được rút vào tháng 7, một tháng trước dự kiến. Cơ quan chủ quản của dự án, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, tuyên bố đã phát hiện dầu và khí đốt tại khu vực, nhưng không cung cấp chi tiết cụ thể.
“Câu hỏi đặt ra là động cơ cơ bản của Trung Quốc vào năm ngoái là gì?”, Philip Andrews-Speed, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Singapore nói. “Nếu bạn tin rằng đó là động thái chính trị chỉ xuất hiện một lần để tuyên bố ‘chúng tôi có thể làm được điều này’ thì giá dầu sẽ không tạo ra sự khác biệt’.
Dòng sản lượng chậm và nhỏ giọt từ khu vực càng củng cố quan điểm cho rằng Trung Quốc chủ yếu quan tâm đến việc có thể tự do triển khai lực lượng hải quân để bảo vệ các tuyến đường thương mại của mình, và tìm cách đạt được yêu sách chủ quyền. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hồi cuối tháng 5 mô tả Biển Đông là ”một huyết mạch hàng hải”.
Chênh lệch lớn trong ước tính trữ lượng
“Hàng hóa đi qua Biển Đông quan trọng hơn những gì nằm dưới đáy biển”, Bill Hayton, tác giả cuốnBiển Đông: Tranh giành quyền lực ở châu Ácho biết. Trung Quốc sử dụng dầu khí “như một cái cớ để hiện thực hóa và biện minh yêu sách chủ quyền, với tuyên bố rằng vùng biển này có nhiều dầu”.
Khoảng 14 triệu thùng dầu mỗi ngày đi qua Biển Đông, tương đương một phần ba lượng dầu thô toàn cầu, theo cục Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Theo EIA, các nước quanh Biển Đông năm 2011 sản xuất khoảng 1,26 triệu thùng dầu/ngày, chỉ bằng 1,4% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu là 89 triệu thùng/ngày.
Những uớc tính về tiềm năng phát hiện dầu ở Biển Đông có sự chênh lệch rất lớn. EIA cho biết khu vực này đã được thăm dò và có thể có trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và hơn 5,3 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên.
Hầu hết các mỏ dầu chưa được khám phá nằm ở vùng ven biển không có tranh chấp, theo EIA. Cơ quan này cho rằng ngoài căng thẳng địa chính trị, các khu vực có tranh chấp còn phải đối mặt với những thách thức về mặt địa chất và công nghệ, nhất là độ sâu của nước và tần suất xảy ra giông bão.
Trong khi đó, ước tính của Trung Quốc lại lớn hơn EIA rất nhiều. Chủ tịch CNOOC năm 2012 ước tính khu vực này nắm giữ khoảng 125 tỷ thùng dầu và hơn 14,1 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên,Financial Timesđưa tin. Khi được yêu cầu xác nhận những số liệu này, CNOOC hôm 14/1 cho biết trong một e-mail rằng công ty chỉ tiết lộ trữ lượng tự thăm dò được tại Biển Đông.
Những con số này bị bác bỏ bởi một số nhà quan sát phương Tây, trong đó có Hayton. Ông cho rằng số liệu được dựa trên các ước tính từ những năm 1990, khi Trung Quốc không còn có thể tự cung tự cấp dầu khí, và nền kinh tế nước này bắt đầu phát triển mạnh.
“Khi các nguồn tin chính thức đã tuyên bố những con số này là đúng thì rất khó cho các cơ quan chính thức khác đưa ra tuyên bố ngược lại”, Hayton viết trong cuốn sách của ông. CNOOC trở thành “tiếng nói mạnh mẽ trong hệ thống và đã thổi phồng tiềm năng của vùng biển. Trữ lượng càng có vẻ nhiều hơn, thì càng dễ có được thêm kinh phí từ nhà nước hơn”.
Những người khác cho rằng Trung Quốc có thể không phóng đại số liệu. “Tôi không nghĩ có bất kỳ lý do để họ ‘đổ tiền xuống biển’ nếu họ không tin vào điều đó”, Gordon Kwan, người đứng đầu công ty nghiên cứu dầu khí Nomura Holdings tại Hong Kong cho biết.
Trong khi Kwan không cho rằng các nhà thăm dò dầu Trung Quốc sẽ giảm đáng kể công việc trong Biển Đông, ông cũng không dự đoán họ sẽ thúc đẩy đầu tư khi giá dầu giảm gần 50% so với năm ngoái.
“Chắc chắn dòng tiền hạn chế sẽ làm giảm chi phí đầu tư của họ và họ phải cân nhắc liệu việc thăm dò nước sâu có còn đáng giá hay không”, ông nói. “Nếu họ tin rằng giá dầu sẽ tăng trở lại vào thời điểm các dự án nước sâu bắt đầu có sản lượng, họ có thể có một cái nhìn khác”.
Yếu tố khác
Trong thời gian đó, các công ty dầu khí lớn trên thế giới vẫn đang đứng ngoài cuộc. “Hiện đã có hoạt động thăm dò trong khu vực có tranh chấp nhưng vẫn còn hạn chế. Việc này sẽ chỉ tăng nếu như Trung Quốc và các nước có tranh chấp đạt được thỏa thuận”, Andrew Harwood, một nhà nghiên cứu cao cấp của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie ở Singapore cho biết.
“Phần lớn Biển Đông được coi là có tiềm năng khai thác cao, điều đó có nghĩa là nó có rủi ro và chi phí cao, nhưng lợi ích tiềm năng cũng rất cao”.
Cũng có những điểm nóng khác ở Biển Đông, nơi có đủ cá để chiếm khoảng 10% tổng số đánh bắt toàn cầu, theo Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á.
Cơ quan Hành pháp Hàng hải Malaysia ngày 7/1 cho biết đã bắt giữ một tàu cá của Indonesia và 4 thủy thủ đoàn bị nghi ngờ đánh bắt cá trong vùng biển Malaysia. Vài ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết họ sẵn sàng thảo luận về vụ Indonesia đánh chìm tàu đánh cá bất hợp pháp của Malaysia.Trung Quốc ngày 7/1 cũng truy đuổi và làm hư hỏng ba thuyền cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa trong các vụ việc riêng biệt.
Việt Nam ngày 22/1 yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xây dựng các công trình ở Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, nơi Bắc Kinh ngang nhiên tiến hành nhiều hoạt động cải tạo, thay đổi nguyên trạng. Trung Quốc hồi tháng 8 từ chối nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về việc “đóng băng” các động thái có thể gây căng thẳng ở vùng biển này.
“Mặc dù quan niệm cho rằng Biển Đông giàu tài nguyên năng lượng vẫn là một động lực chính dẫn đến tranh chấp, còn nhiều yếu tố khác tác động đến việc này”, Ian Storey, chuyên viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho biết. “Chủ nghĩa dân tộc, nỗ lực thực thi tuyên bố chủ quyền về lịch sử và tài phán, và cạnh tranh địa chiến lược sẽ giữ cho vấn đề này ở vị trí đầu hoặc gần đầu bảng trong chương trình nghị sự an ninh khu vực”.