Thursday, November 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiXuất khẩu sang TQ tăng mạnh: Mối lo hiện hữu

Xuất khẩu sang TQ tăng mạnh: Mối lo hiện hữu

”Chúng ta có quá nhiều bài học trong nông nghiệp với Trung Quốc. Khi rơi vào tình trạng phụ thuộc, nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng ép giá”

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan vừa công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước thành viên APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương) từ đầu năm 2017 đến hết tháng 10/2017 đạt  265,31 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước, gần bằng kim ngạch của cả năm 2016.

Theo cơ quan hải quan, trong 10 tháng qua, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong các thành viên APEC, với kim ngạch 34,53 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 28,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang APEC.

Đứng thứ 2 là Trung Quốc với kim ngạch 26,47 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh 52,9%, chiếm tỷ trọng 22%.

Đây cũng là một trong những mức tăng trưởng xuất khẩu cao của Việt Nam sang các nước thành viên của APEC.

Xuất khẩu Nông nghiệp phụ thuộc quá lớn

Việc tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc tăng đến 52,9% so với cùng kỳ năm ngoái khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Bởi lẽ, nếu việc xuất khẩu không đi kèm những điều kiện ràng buộc, chính sách cụ thể thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Thực tế, Trung Quốc là một thị trường lớn nhưng không phải là thị trường ổn định. Các sản phẩm của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu của thị trường này. Đã có nhiều bài học đắt giá, khiến người dân điêu đứng như xuất khẩu lợn, thanh long, dưa hấu… sang Trung Quốc.

Tuy về tổng thể xuất khẩu không lệ thuộc, nhưng đi vào nhóm ngành nông nghiệp thì lại lệ thuộc rất lớn và thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2016, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 4,88 triệu tấn, trong đó, xuất sang Trung Quốc chiếm đến 35,9%.

Trong quí 1/2017, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của nước ta khi chiếm đến trên 35% giá trị xuất khẩu của toàn ngành (1,28 triệu tấn).

Với ngành rau quả, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước trong năm 2016 đạt 2,5 tỉ đô la Mỹ, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,74 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 70%.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về nông- thủy sản của Việt Nam, EU thứ hai và sau đó là Mỹ.

Cảnh báo

Từng trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới cho biết:

”Việt Nam thường có thói quen cứ sản xuất hàng hóa rồi mới đi tìm thị trường. Điều này khiến cho nhiều mặt hàng không đáp ứng được các tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu. Vì thế doanh nghiệp trong nước lại phải tìm mọi cách để tiêu thụ sản phẩm sang các thị trường khác”

Vị chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam không khắc phục những hạn chế và tồn tại trên thì khả năng mở rộng giao lưu thương mại vào các thị trường khó tính như Mỹ sẽ vô cùng khó khăn.

Khi Mỹ và châu Âu quay lưng với hàng hóa Việt, các doanh nghiệp trong nước bắt buộc phải tìm kiếm thị trường khác để xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Sơn đây chỉ là biện pháp tạm thời, không mang tính lâu dài và tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

”Chúng ta không nên trông chờ vào một thị trường như Trung Quốc. Chúng ta phải thay đổi, nâng cấp để duy trì quan hệ thương mại với các châu Âu và Mỹ. Nếu phụ thuộc Trung Quốc kiểu gì doanh nghiệp cũng nắm chắc phần thiệt.

Chúng ta có quá nhiều bài học trong nông nghiệp với Trung Quốc. Khi rơi vào tình trạng phụ thuộc, nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng ép giá”, ông Sơn cảnh báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới