Gần đây, tình hình khu vực Trung Đông có những biến động lớn, hàng loạt hành động của Saudi Arabia chính là chìa khóa để tìm hiểu cả khu vực Trung Đông. Một loạt những sự kiện phức tạp xảy ra tại các nước Trung Đông trong những tháng gần đây không chỉ ảnh hưởng đến ổn định khu vực, ổn định toàn cầu mà còn có những tác động tiêu cực tới bố cục “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Saudi Arabia và Iran: Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shiite
Trước tiên, sự bành trướng của thế lực Hồi giáo Sunni do Saudi Arabia đứng đầu và thế lực Hồi giáo Shiite sẽ tiếp tục ảnh hưởng lâu dài tới cả khu vực. Tranh chấp giữa hai nước trên thực tế không phải là mới xảy ra. Nhưng năm 2016, sau khi đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran được xác nhận và tín đồ Hồi giáo Shiite bị sát hại, mâu thuẫn dần công khai hóa. Phiến quân Houthi tại Yemen tiếp sau vụ dùng tên lửa tấn công thành phố Mecca, thánh địa Hồi giáo, ở miền Tây Saudi Arabia, đầu tháng 11/2017 lại một lần nữa dùng tên lửa tấn công sân bay Thành phố Riyadh, Thủ đô của Saudi Arabia.
Tên lửa của phiến quân Houthi cả hai lần đều bị Saudi Arabia đánh chặn thành công, không gây tổn hại về người cho Saudi Arabia. Ban đầu, Saudi Arabia tuyên bố có tính đối ngoại rằng tên lửa phiến quân Houthi sử dụng đều do Iran sản xuất. Thái tử Saudi Arabia, Mohammad Bin Salman còn hùng hồn tuyên bố, động thái này của Iran là hành động thách thức theo kiểu chiến tranh xâm lược trực tiếp. Vì thế Saudi Arabia có thể phong tỏa toàn diện vùng biển, đất liền và không phận của Yemen bất kỳ lúc nào, nhằm ngặn chặn trang bị vũ khí quân sự của Iran lọt vào tay phiến quân Houthi. Tiếp sau đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia thông qua mạng thông tin hữu tuyến của Mỹ tuyên bố rằng, tên lửa là do lực lượng Hezbollah của Liban trực tiếp phóng đi, địa điểm phóng tên lửa là lãnh thổ Yemen do phiến quân Houthi kiểm soát. Do Saudi Arabia tin rằng, Iran đứng phía sau ủng hộ thế lực Hezbollah của Liban, cho nên tại Cairo, Liên đoàn Arập đã đưa ra tuyên bố, lên án Hezbollah ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, còn Saudi Arabia trực tiếp phê phán Iran chính là kẻ đứng phía sau phá hoại ổn định của khu vực.
Chiến tuyến từ Yemen đến Liban
Cục diện đối đầu giữa các giáo phái tại Trung Đông khiến các nước nhỏ trong khu vực buộc phải lựa chọn một bên và bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh, trở thành chiến trường của cuộc chiến giữa Saudi Arabia và Iran. Những năm gần đây khi truyền thông và tổ chức cứu trợ phương Tây đưa tin và quan tâm đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria, tình trạng xấu nhất tại Syria vẫn là có được sự cung cấp cơ bản về lương thực, nước uống và thuốc men chữa bệnh. Đưa ra so sánh, sau khi Yemen bị “Liên quân 10 nước” đứng đầu là Saudi Arabia tấn công, truyền thông và các tổ chức cứu trợ quốc tế không thể đưa tin và tiến hành viện trợ nhân đạo đối với nhân dân Yemen. Quan chức và nhân viên tuyến đầu của Liên hợp quốc đã sớm chỉ rõ, trên toàn cầu không có một nước nào giống như Yemen rơi vào tình trạng nạn đói tiếp cận cấp độ số 5, cấp độ cao nhất. Tình hình tại Yemen vô cùng nguy kịch. Saudi Arabia tuyên bố phong tỏa vùng biển, đất liền và không phận Yemen đã vài tuần nay, đến gần đây Liên hợp quốc mới thành công trong việc khuyên giải Saudi Arabia chấm dứt phong tỏa Yemen, đồng thời chở chuyến hàng viện trợ đầu tiên đến Yemen. Bởi vì, tiếp tục phong tỏa sẽ đẩy nhân dân Yemen đến chỗ chết. Người dân Yemen cho rằng, hành động này của Saudi Arabia là do hành động quân sự của phiến quân Houthi liên lụy đến toàn dân Yemen, khiến họ bị trừng phạt. Có thể tưởng tượng, thiếu hụt lương thực và bệnh dịch lây lan sẽ chỉ khiến cho càng nhiều hơn trẻ em Yemen bị chết. Trên thực tế, Yemen đã sớm trở thành chiến trường của Saudi Arabia và Iran. Trước đó, Saudi Arabia đã từng với lý do tương tự, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Điều đáng chú ý là vài tuần trước, khi tới thăm Saudi Arabia, Thủ tướng Liban, Saad Hariri đã tuyên bố từ chức (sau đó Saad Hariri bày tỏ tạm thời gác lại vấn đề từ chức), tố cáo Iran can thiệp, ủng hộ Hezbollah, ảnh hưởng đến an ninh của Liban và an ninh của khu vực. Saad Hariri từng cho biết sau khi trở về nước có thể sẽ bị ám sát, cho nên ở lại Saudi Arabia và kín tiếng một thời gian. Nhưng trước sức ép của cộng đồng quốc tế và sau khi được Pháp điều đình, Saad Hariri đã sáng Pháp và quay trở về Liban tổ chức chào mừng ngày độc lập của Liban. Nhưng bất kể là Saad Hariri tự nguyện hay không tự nguyện từ chức và lưu lại ở Saudi Arabia, việc một nguyên thủ quốc gia trong khu vực Trung Đông “bị mời” ở lại là điều hiếm thấy. Tổng thống Yemen Mansour Hadi luôn bị Saudi Arabia “giam lỏng”. Trong khi đó, Liban cũng bắt đầu bị cuốn vào vòng xoáy đấu tranh khu vực, trở thành chiến trường tiếp sau Yemen và Qatar.
Liên minh khu vực mới Saudi Arabia – Israel
Ngoài phân hóa giáo phái và xung đột khu vực, tình hình Trung Đông trên thực tế còn “sản sinh” ra liên minh và thỏa hiệp khu vực mới. Mới đây, Ngoại trưởng Saudi Arabia công khai thừa nhận biết rõ Israel, luôn phản đối đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran, có thể là đối tác hợp tác. Có tin Saudi Arabia bắt đầu tiến hành tiếp xúc kín với Israel, đồng thời triển khai phối hợp thông tin tình báo đối phó với kẻ thù chung là Iran.
Cần phải nêu rõ, từ ngày lập nước đến nay, Saudi Arabia luôn theo đuổi lập trường chống Do thái của Hồi giáo bảo thủ, phản đối người Do thái chiếm lĩnh Palestine. Ngoài ra, hai năm trước, Ngoại trưởng Saudi Arabia luôn nhấn mạnh, Saudi Arabia không có trao đổi chính thức với Israel, cũng không có tiếp xúc theo kênh bí mật. Thế nhưng hiện nay, để có thêm “quân bài” đối phó với thế lực Hồi giáo Shiite của Iran, nguyên tắc quan trọng này có lẽ đã tạm thời thỏa hiệp. Có điều, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các bên tấn công Iran hùng mạnh, Saudi Arabia chủ động làm tan băng trong quan hệ với Israel, cái giá phải trả về lâu dài có thể sẽ là Saudi Arabia nhượng bộ trong vấn đề Palestine lập nước, kích động chủ nghĩa dân túy trỗi dậy, hoặc là không thể đoán trước được.
Nguy cơ trong ngoài của Saudi Arabia
Trong tương lai gần, Thái tử Saudi Arabia Mohammad Bin Salman liệu có thể thuận lợi kế nhiệm trở thành quốc vương Saudi Arabia, sẽ có những ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình cải cách trong nước và thế cân bằng khu vực. Thái tử Mohammad Bin Salman sau khi nắm quyền quốc gia, đưa ra phương án cải cách “Saudi Arabia – Tầm nhìn năm 2030”, gần đây còn phá vỡ truyền thống, cho phép phụ nữ Saudi Arabia lái xe và xem thi đấu bóng đá, đồng thời nêu rõ sẽ luôn theo đuổi phương châm chuyển hóa thuyết Hồi giáo Wahhabi thành Hồi giáo “ôn hòa”, để sửa chữa sai lầm của Iran từ năm 1979 đã dẫn dắt Hồi giáo cực đoan xâm nhập cả khu vực vùng Vịnh. Thế nhưng, Liên quân Sunni do Thái tử Mohammad Bin Salman lãnh đạo tấn công Yemen đã không thể tiêu diệt được phiến quân Houthi, còn cô lập Qatar đã có tác dụng ngược khiến nước này xích lại gần hơn trong quan hệ với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đây, Thái tử Mohammad Bin Salman còn thực hiện một loạt hành động cứng rắn, lấy danh nghĩa chống tham nhũng, bắt giam hàng chục thành viên hoàng gia, nhiều thành viên hoàng gia mất tích, thậm chí còn có một thành viên hoàng gia bị chết do tai nạn máy bay một cách khó hiểu.
Rất nhiều dấu hiệu cho thấy, Saudi Arabia tấn công hiểm họa bên ngoài, những bất lợi của Saudi Arabia khi cùng với Yemen và Qatar gây thù oán với Iran chỉ là “hư ảo bên ngoài”. Còn xác lập hoàng gia lãnh đạo, hòa hoãn đấu tranh nội bộ, Thái tử Mohammad Bin Salman củng cố quyền lực để ổn định tình hình trong nước mới là thực chất. Saudi Arabia gây thù với bên ngoài, chống tham nhũng trong nước chính là nước cờ thống nhất. Quan sát Thái tử Mohammad Bin Salman trong tương lai gần có thể thuận lợi kế nhiệm trở thành Vua Saudi Arabia mới là nhân tố mấu chốt làm thay đổi Saudi Arabia và khu vực Trung Đông.
Định vị “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc tại Trung Đông
Đứng trước tình hình biến động tại khu vực Trung Đông, chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc sẽ được thúc đẩy như thế nào tại khu vực Trung Đông? Gần đây, giữa lúc Saudi Arabia về đối ngoại, quan hệ với Iran và Liban căng thẳng, về đối nội tiến hành chống tham nhũng, triển khai bắt giam nhiều quan chức cấp bộ trưởng và thành viên hoàng gia, hồi tháng 11/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc diện đàm với Quốc vương Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz Al Saud, nhấn mạnh quyết tâm của Trung Quốc về khơi sâu quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước là không thay đổi. Trung Quốc ủng hộ Saudi Arabia bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước. Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud cam kết, Saudi Arabia trở thành đối tác quan trọng trong chiến lược “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc về lĩnh vực năng lượng và tài chính.
Mặc dù Chính phủ và nhà đầu tư Trung Quốc hoàn toàn có thể từ lập trường phi chính trị “không can thiệp nội bộ nước khác” đặt chân đến các nước Trung Đông tiến hành trao đổi thương mại, nhưng đối đầu giữa các giáo phái tại Trung Đông, mối đe dọa liên tiếp từ các nước Hồi giáo, đã khiến tình hình thay đổi không phải kẻ thù cũng không phải bạn hữu đã vượt xa quan hệ song phương giữa quốc gia với quốc gia lấy chủ quyền làm biên giới. Đối mặt với khu vực đa giáo phái phức tạp, Chính phủ và nhà đầu tư Trung Quốc liệu có tiếp tục với lập trường trung lập, hành động trên tuyến lửa giữa Hồi giáo Sunni và Hồi giáo Shiite? Điều này chính là thách thức đối với Trung Quốc trong việc đưa ra phán đoán và định vị chiến lược “Vành đai và Con đường” tại khu vực Trung Đông