Các bức ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho các căn cứ không quân và hải quân trên một số hòn đảo ở Biển Đông, theo hãng tin Deutsche Welle (DW).
Trong một báo cáo ngày 14/12, Sáng kiến Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã xây dựng nhiều nhà chứa máy bay, kho chứa ngầm, hầm tránh tên lửa, hệ thống radar và các cơ sở hạ tầng khác ở Biển Đông.
Những công trình này theo sau hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc vốn đã được hoàn tất tại quần đảo Trường Sa vào năm 2016. Bắc Kinh liên tục triển khai các hoạt động xây dựng phi pháp ở Biển Đông, bất chấp thực tế là tòa án quốc tế đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực.
Lầu Năm Góc của Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc đã bổ sung khoảng 1.300 hecta đất trên 7 vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng trong khu vực.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các thiết bị radar và các kho chứa ngầm trên bãi Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa (Ảnh: AMTI)
Theo AMTI, Trung Quốc đã triển khai các máy bay quân sự mới tới khu vực, trong đó có máy bay chiến đấu J-11B được sử dụng trong các cuộc tập trận. Vào tháng 11, máy bay vận tải Y-8 được triển khai, có khả năng thu thập thông tin điện tử.
Tại quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh đã triển khai một chiếc máy bay trực thăng mới, các tuabin gió và những tòa tháp radar lớn.
Theo DW, Mỹ đã lên án Trung Quốc về các hoạt động quân sự hóa khu vực và thay đổi địa lý nhằm tăng cường chiếm đóng Biển Đông. Washington tin rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các hòn đảo và sự hiện diện quân sự của họ để kiểm soát các tuyến đường thủy chiến lược trong khu vực.
Nhiều lãnh đạo hải quân Mỹ phê phán chính sách mềm yếu của Tổng thống Barack Obama về Biển Đông. Cụ thể, ông Obama đã không cho phép các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015, theo tạp chí Hải quân (Navy Times) của Mỹ. Trong thời gian đó, Trung Quốc ra sức xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự, tạp chí này cho biết.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã thể hiện một số động thái cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông. Tháng 7, ông phê duyệt kế hoạch một năm cho phép hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi dưới thời Obama mỗi hoạt động như vậy phải xin phép từng lượt.
Tháng 5, tàu chiến Mỹ đã tiến hành ‘cuộc thao diễn’ trong phạm vi 12 hải lý của hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Động thái này chưa từng xảy ra dưới thời Obama và được cho là một thách thức trực tiếp đến hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại khu vực.
Trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam ngày 12/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.