Trong số 11 tội ác chiến tranh được quốc tế ghi nhận, chỉ có một tội ác mà chính quyền Triều Tiên chưa phạm phải.
Ông Thomas Buergenthal, một cựu thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế, nói rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ bị xét xử vì tội ác chống lại loài người sau những chính sách tàn bạo của mình, theo Washington Post.
Là một người từng bị đưa vào ba trại tập trung Auschwitz, Sachsenhausen và Kielce của chế độ phát xít, ông Buergenthal cho biết: “Tôi tin rằng điều kiện sống trong các trại tù của Triều Tiên là khủng khiếp bằng, hoặc thậm chí tồi tệ hơn, so với những điều tôi đã thấy và trải qua khi còn nhỏ ở trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã và trong sự nghiệp lâu năm của tôi ở lĩnh vực nhân quyền”.
Ông Buergenthal là một trong ba thành viên của một Ban hội thẩm về tình trạng nhân quyền của Triều Tiên, được tổ chức bởi Hiệp hội Luật sư Quốc tế (IBA). Hai thành viên khác bao gồm bà Navi Pillay, một thẩm phán Nam Phi, người từng là Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, và ông Mark Harmon, một thẩm phán Mỹ, người từng làm việc về các vụ tội ác chiến tranh ở Nam Tư và Campuchia.
Sau khi nghe lời khai của các cựu tù nhân và lính gác Triều Tiên cho biết thông tin về nước này trong giai đoạn từ năm 1970 đến năm 2006, Ban hội thẩm kết luận rằng các trại giam của ông Kim vi phạm 10 trong số 11 tội ác chiến tranh được quốc tế ghi nhận, trong đó có tội giết người, nô lệ và bạo lực tình dục. Tội duy nhất mà chính phủ Triều Tiên không phạm phải là phân biệt chủng tộc.
Bà Pillay nói: “Đây thực sự là một hành động tàn ác ở mức tối đa, nơi mà toàn bộ dân chúng bị đe dọa.” Bà nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới phải nghiêm túc xem xét về tội ác của chính quyền Triều Tiên. Bà nói: “Điều này đặc biệt đáng sợ, nó được duy trì quá lâu, mà người dân Triều Tiên không nhận được sự giúp đỡ nào từ thế giới.”
Hàng triệu trẻ em Triều Tiên còi cọc, trái ngược với hình ảnh phương phi của lãnh đạo Kim Jong Un (Ảnh: News.com.au)
Các chuyên gia ước tính có khoảng 130.000 người Triều Tiên bị giam giữ trong bốn trại lớn ở Triều Tiên, nơi họ buộc phải lao động nặng nhọc, thường ở trong các hầm mỏ, và nhận được rất ít lương thực, bị tra tấn, thậm chí giết hại. Những người từng trải qua cảnh tù đày ở Triều Tiên cho biết phần lớn các tù nhân bị bắt giữ một cách tùy tiện, hành vi phạm tội của họ có thể là để ảnh của nhà “lãnh đạo tối cao” bị bụi bẩn, hay theo một tôn giáo nào đó hoặc nghe đài nước ngoài.
Triều Tiên là một trong hai chính quyền trên thế giới bị so sánh với Đức Quốc Xã. Trung Quốc, quốc gia láng giềng và đồng minh quan trọng của Bình Nhưỡng, cũng nhiều lần bị lên án về những tội ác chống lại loài người.
Các nhà điều tra kết luận chính quyền Trung Quốc duy trì một hệ thống mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm, tức những người vô tội bị bắt giữ vì bày tỏ niềm tin theo lương tâm một cách không bạo động. Nhóm nạn nhân phổ biến nhất của tội ác này là những người tập Pháp Luân Công, hay Pháp Luân Đại Pháp, môn khí công được khen ngợi ở nhiều nước, nhưng bị đàn áp theo lệnh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân từ năm 1999.
“Những lợi ích về thể chất và tinh thần của Pháp Luân Đại Pháp khiến môn này phổ biến tới 114 quốc gia với hơn 100 triệu người theo tập”, trích bản Tuyên bố của thành phố North Bay, Canada nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2017.
Nói về nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc, cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour bình luận trong bộ phim tài liệu Human Harvest (tạm dịch: Thu hoạch Nhân thể): “Chính quyền Trung Quốc đang làm một điều kinh khủng có thể so sánh với những gì mà Đức Quốc Xã đã làm”.
Cùng chung nhận định này, giáo sư Paul Macneill thuộc Trung tâm Đạo đức Y tế của Đại học Sydney, Australia, cho biết: “Thật quá rõ ràng và không thể làm ngơ về sự tương đồng của tội ác này với những điều đã xảy ra với các tù nhân Do Thái và những người khác trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã.”
Trong Thế chiến thứ II, phát xít Đức và đồng minh đã giết hại khoảng 6 triệu người Do Thái một cách có hệ thống từ năm 1941 đến năm 1945. Khi đó, nhiều người sống trong tuyên truyền của Đức Quốc Xã đã không nhận ra đây là một tội ác. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
“Cũng như thời Thế chiến, Đức Quốc Xã gán cho người Do Thái các đặc điểm riêng để cô lập và tàn sát họ. Điều tương tự đang xảy ra với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Đó là lý do tại sao tôi gọi đây là tội diệt chủng và nó vô cùng nghiêm trọng”, theo ông Edward McMillan-Scott, nguyên Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, phát biểu trong cuộc họp với các đồng nghiệp vào năm 2010.
Cũng giống như ông Kim Jong Un của Triều Tiên, cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và các quan chức liên đới đang đối mặt với làn sóng yêu cầu đưa họ ra xét xử về tội ác chống lại loài người.
Hàng trăm học viên Pháp Luân Công từ nhiều nước tập luyện tại Công viên Trung tâm, thành phố New York, Mỹ, ngày 27/8/2011 (Ảnh: Minh Huệ)