Giới phân tích nhận định dù Nga – Trung hiện chưa thể thiết lập quan hệ liên minh quân sự hoặc kinh tế thân thiết nhưng mọi chuyện sẽ khác nếu Mỹ chọn con đường đối đầu với Bắc Kinh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đại sứ Trung Quốc tại Nga ca ngợi mối quan hệ Nga – Trung là “tốt đẹp nhất trên thế giới”. Song theo giới phân tích, Nga – Trung vẫn chưa thể thiết lập quan hệ liên minh quân sự hoặc kinh tế thân thiết. Nhưng mọi chuyện sẽ thay đổi một khi Washington chọn con đường đối đầu với Bắc Kinh.
Hiện tại, Nga và Trung Quốc được xem có cùng quan điểm không muốn Mỹ tiếp tục giữ vị thế số 1 thế giới. Đây chính là lý do, trong thời gian qua, Nga – Trung luôn đồng tình với nhau trong cách giải quyết nhiều vấn đề như cuộc chiến ở Syria, khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên hay phản đối truyền thống của Mỹ dùng vũ lực để giành được các mục tiêu địa chiến lược.
Bình luận về mối quan hệ Nga – Trung, mới đây, đại sứ Trung Quốc tại Nga, ông Li Hui cho hay, “mối quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện là những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới và cũng là những mối quan hệ tốt đẹp nhất giữa Nga – Trung”.
“Đây chỉ là một dạng ngôn ngữ ngoại giao. Trung Quốc có mối quan hệ mật thiết với rất nhiều quốc gia. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc là đa phương do đó khi Trung Quốc nói quan hệ mật thiết với một quốc gia khác là điều quan trọng nhất thì hoàn toàn là không đúng”, RT dẫn lời nhà kinh tế học Sergey Lukonin tại Viện Các mối quan hệ quốc tế và Kinh tế thế giới.
Thực tế, mối quan hệ Nga – Trung vẫn còn thiếu khía cạnh hợp tác kinh tế. Trong năm 2016, Nga chỉ chiếm 1,8% hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc và 2% mặt hàng Trung Quốc nhập xuất phát từ Nga. Trong khi đó, con số này lần lượt với Mỹ là 18,4% và 8,5%. Nói cách khác, Mỹ là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc. Do đó, theo ông Lukonin, thị trường và hàng hóa của Nga có thể quan trọng với Nga nhưng vẫn chưa thể sánh với vị trí của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
“Quan hệ Nga – Trung hiện được gọi là ‘đối tác chiến lược’. Nhưng khi ở mức chiến lược, quan hệ Nga – Trung cần phải ở một đẳng cấp thực sự cao. Ở mức đối tác, quan hệ này còn cao hơn nữa. Còn thực tế, Nga – Trung vẫn chưa thể vượt qua mốc 100 tỷ USD tổng thương mại song phương hàng năm trong những năm qua.
Nói cách khác, quan hệ Nga – Trung mới chỉ ấm ở phần trên còn phần dưới lại nguội lạnh”, ông Yuri Tavrovsky, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Quan hệ quần chúng Nga ám chỉ tới sự nhiệt tình cải thiện quan hệ của hai nhà lãnh đạo là Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dù hai nước vẫn chưa thiết lập mối quan hệ kinh tế nền tảng.
Song trên mặt trận chính trị, Nga và Trung Quốc lại nghiêng về hợp tác khi cùng có chung quan điểm trong các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Quân đội hai nước cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung như cuộc diễn tập tấn công tên lửa mới được tổ chức tại Bắc Kinh. Hành động này thể hiện sự tin tưởng giữa quân đội hai nước trong phương thức giải quyết các mối đe dọa chung.
Bên cạnh đó, Nga – Trung còn hợp tác để loại bỏ việc sử dụng đồng đô la trong hoạt động thương mại song phương. Động thái này khiến ưu thế của đồng đô la Mỹ bị suy giảm trong hệ thống tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, sự tham gia của Nga vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nằm trong chiến lược “Vành đai và con đường” đã giúp Bắc Kinh mở đường tiến vào thị trường châu Âu cũng như phá vỡ thế phòng tỏa trên các tuyến đường biển thương mại.
Không thể phủ nhận thực tế, Moscos – Bắc Kinh vẫn còn tồn tại một vài điểm bất đồng tại khu vực Trung Á cũng như việc Nga mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Viễn Đông của Nga.
Song nhà nghiên cứu Andrew K P Leung tại Hong Kong cho rằng, việc hình thành quan hệ mật thiết Nga – Trung sẽ tạo ra nhiều ưu thế chiến lược giúp hai nước đối phó với mối đe dọa chung là nước Mỹ và sự khó đoán của Tổng thống Donald Trump.
“Trung Quốc vẫn xem chiến lược của Mỹ là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Điển hình, chính sách trục châu Á của Mỹ tập trung vào chuyển 60% vũ khí hải quân trên toàn cầu về châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ cũng nắm quyền kiểm soát eo biển Malacca, nơi các chuyến tàu hàng thương mại và chở dầu của Trung Quốc qua lại thường xuyên. Quân đội Mỹ cũng hiện diện với số lượng lớn ở chuỗi đảo thứ nhất và thế hai bao vây Trung Quốc. Mỹ còn tăng cường quan hệ liên minh quân sự với các nước láng giềng sát Trung Quốc như Nhật Bản và Australia”, RT dẫn lời ông Leung.
Tuy nhiên, ông Leung nhấn mạnh dù cùng chịu sức ép từ phía Mỹ, Nga và Trung Quốc sẽ không thiết lập mối quan hệ liên minh quân sự.
“Mô hình liên minh quân sự Nga – Trung dưới thời Chiến tranh Lạnh không còn phát huy hiệu quả trong thời đại thế giới kết nối và tương tác lẫn nhau ngày nay. Các nước cần chấp nhận thực tế sự đối đầu và hợp tác cùng tồn tại”, ông Leung nói.
Nói cách khác, theo ông Tavrovsky, Nga và Trung Quốc có thể sẽ thiết lập một tổ chức hoạt động kiểu NATO. Đây sẽ là liên minh chính trị và quân sự của Nga – Trung nếu như Mỹ cố tình gia tăng sức ép với Bắc Kinh để giành được những mục tiêu trong tương lai.