Trung Quốc chỉ trích ích kỷ, cảnh báo chiến lược mới “thiệt mình hại người”, Nga tố Mỹ xây dựng đế chế độc quyền.
Sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chiến lược an ninh quốc gia mới có nội dung thay đổi hoàn toàn về hợp tác với Nga và Trung Quốc, Bắc Kinh đã nhanh chóng đáp trả.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 19/12, người phát ngôn Hoa Xuân Doanh đã phản đối mạnh mẽ việc Mỹ xác định Trung Quốc là một trong những thách thức an ninh quốc gia của Mỹ.
“Bất cứ quốc gia nào, bất cứ báo cáo nào đưa ra những thông tin sai lệch, ý đồ xấu đều là lỗi thời. Trung Quốc mong Mỹ thuận theo xu thế của thời đại, nhìn nhận và đánh giá khách quan các vấn đề hiện nay trong đó có quan hệ hai nước, cùng với Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh và ổn định” – bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh.
Bà Hoa cho rằng, với vai trò là hai nước lớn trên thế giới, việc 2 nước tồn tại mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi, Mỹ và Trung Quốc cần phải xử lý ổn thỏa các vấn đề trên cơ sở tôn trọng lợi ích cốt lõi và các vấn đề mà mỗi bên quan tâm.
“Chúng tôi đốc thúc Mỹ dừng ngay các ý đồ chiến lược đánh giá sai lệch về Trung Quốc, từ bỏ quan điểm về tư duy chiến tranh lạnh đã lỗi thời, nếu không sẽ chỉ vừa thiệt mình vừa hại người” – bà Hoa nói.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cũng cho rằng Mỹ vô cùng mâu thuẫn khi một mặt muốn phát triển quan hệ đối tác với Trung Quốc nhưng mặt khác lại đặt Trung Quốc vào vị trí đối thủ.
Một bài bình luận được xuất bản bởi hãng tin Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc cho rằng, “hùng biện kiểu Mỹ” sẽ chỉ mở rộng khoảng cách niềm tin và đặt ra nhiều “rào cản” giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ.
Bài viết cũng trích dẫn động thái Jerusalem gần đây của Trump và rút ra khỏi Hiệp định Paris về thay đổi khí hậu như là những ví dụ về những cách tiếp cận nguy hiểm khác của Washington.
Nga nói thẳng ‘bộ mặt thật đế quốc’
Trong khi đó, Nga cũng đáp trả việc Mỹ có những bước đi thể hiện rõ “bộ mặt thật” của Mỹ.
Tuyên bố trước các phóng viên hôm 19/12, phát ngôn viên Kremlin Dmitry Peskov nói: “Đọc hết bản chiến lược, đặc biệt là những phần liên quan tới nước Nga, ai cũng có thể thấy bản chất đế quốc của tài liệu này cũng như sự ngoan cố của Mỹ trong việc níu giữ ý tưởng về một thế giới đơn cực và không chấp nhận thế giới đa cực”.
Ông Peskov nhấn mạnh, Moscow hoàn toàn không đồng ý với lập trường của Washington về Nga được thể hiện trong tài liệu trên, vốn coi Nga là mối đe dọa với an ninh Mỹ.
Tuy nhiên, ông vẫn chỉ ra những điểm tích cực của chiến lược trên, như việc Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga trong những lĩnh vực có lợi cho Washington.
“Moscow cũng đang tìm kiếm sự hợp tác với Mỹ có lợi cho chúng tôi, và miễn là các đối tác Mỹ sẵn sàng”, ông Peskov nói và dẫn ví dụ về việc Mỹ và Nga hợp tác chống khủng bố, giúp ngăn chặn các vụ tấn công ở St. Petersburg mới đây.
Thư ký Tổng thống Nga Dmitry Peskov. |
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại quốc tế, ông Leonid Slutsky thì đánh giá: “Chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ nhằm mục đích độc quyền khôi phục lại quyền bá chủ của Mỹ và đường hướng xây dựng một thế giới một cực”.
Ông Slutsky nói thêm rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi ấn bản mới của tài liệu có tên là Nga và Trung Quốc trong số những thách thức lớn và đe dọa tới an ninh của Mỹ, nhưng đây tiếp tục là những cáo buộc không có bằng chứng.
Người đứng đầu ủy ban đối ngoại cấp cao, Thượng nghị sĩ Konstantin Kosachev, đã bày tỏ quan điểm tương tự trong một bài đăng trên Facebook: “Tình hình có vẻ khá đáng lo ngại. Mỹ rõ ràng đặt cược vào lực lượng trong tất cả các lĩnh vực, từ nền kinh tế đến quốc phòng, và nguyên tắc “Mỹ đầu tiên” có nghĩa là “nước Mỹ là nước mạnh nhất và do đó nó đúng”.
Trong bản báo cáo chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nga và Trung Quốc được mô tả đã “thách thức sức mạnh, sự ảnh hưởng cùng các lợi ích của Mỹ, có ý đồ làm xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ”.
Ngoài cảnh báo “Nga muốn làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, chia rẽ Washington với các đồng minh và đối tác”, tài liệu này còn cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách “thay thế Mỹ” ở châu Á, liệt kê hàng loạt vấn đề như thâm hụt thương mại, trộm cắp dữ liệu.