Kế hoạch 5 năm phát triển sông Mekong thuộc cơ chế Hợp tác Mekong – Lan Thương (LMC) do Trung Quốc khởi xướng đang gây lo ngại trong giới chuyên gia, đặc biệt là về động cơ chính trị của Bắc Kinh.
Tháng 12-2017, ngoại trưởng 6 nước khu vực sông Mekong nhóm họp ở thành phố Đại Lý thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để thông qua đề cương kế hoạch 5 năm phát triển dòng sông này. Dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ chốt lại đề xuất trong cuộc họp dự kiến diễn ra cuối tháng 1-2018 ở Campuchia.
Phát biểu kết thúc hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong – Lan Thương (LMC), Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố dưới sự dẫn dắt của Trung Quốc, LMC có thể “thúc đẩy phát triển kinh tế” ở tất cả 6 nước khu vực Mekong, dẫn chứng rằng Bắc Kinh đã chi tiền cho hàng chục dự án dọc theo con sông này.
Tham gia họp báo cùng ông Vương là Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn – người đã lên tiếng “cảm ơn” Bắc Kinh vì vai trò dẫn dắt trong LMC và mô tả những gì tổ chức này đạt được là “chưa từng có tiền lệ”.
Nhưng chỉ đến đó là ngừng, ngoại trưởng Trung Quốc không bình luận gì về những quan ngại môi trường liên quan đến hoạt động phát triển bừa bãi trên sông Mekong, theo báo South China Morning Post của Hong Kong.
Khởi nguồn từ khối băng tuyết trên cao nguyên Tây Tạng, sông Mekong (tiếng Quan Thoại là Lan Thương) chảy qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông.
Dòng sông này tạo sinh kế cho khoảng 60 triệu người sống ở hạ lưu, nơi dòng chảy của nó hình thành nên một trong những vùng đất phì nhiêu nhất thế giới, thích hợp cho nông nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.
Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng kiểm soát sông Mekong cũng đồng nghĩa kiểm soát phần lớn nền kinh tế Đông Nam Á.
Đại diện 6 nước thuộc cơ chế Hợp tác Mekong – Lan Thương tại Trung Quốc tháng 12-2017 – Ảnh: REUTERS
Lợi ích nước lớn
Bắc Kinh thành lập LMC năm 2015 và tổ chức này bị nhiều người xem là “đối thủ” của Ủy ban sông Mekong (MRC) vốn đã tồn tại hơn 60 năm qua. Thành phần của MRC cũng tương tự LMC, chỉ trừ Trung Quốc và Myanmar.
Trung Quốc từng được mời tham gia MRC nhưng Bắc Kinh chỉ chọn vai trò “đối tác đối thoại”, Myanmar cũng vậy. Điều này đồng nghĩa Bắc Kinh thoát được quy định ràng buộc của MRC, rằng quốc gia thành viên nào muốn xây đập trên dòng Mekong đều phải trình đề xuất để tất cả thảo luận.
Dù LMC được thiết kế như một nền tảng liên lạc và phát triển, hiệu quả vẫn chưa rõ ràng trong khi dư luận đã râm ran về động cơ địa chính trị của tổ chức này. Các dự án thủy điện của Trung Quốc và một số nước khiến tương lai sông Mekong và các quốc gia lệ thuộc trở nên mờ mịt.
Đối với các cộng đồng dưới hạ nguồn, các con đập trên thượng nguồn thay đổi dữ dội chu kỳ lũ – hạn hán và chặn sự vận chuyển phù sa. Điều rõ ràng gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Một số tác động đến mực nước và nghề cá đã được ghi nhận dọc theo đường biên giới Thái Lan – Lào”
Bà Pianporn Deetes – điều phối viên tại Thái Lan cho tổ chức International Rivers
Từ khi Trung Quốc khánh thành đập Mạn Loan trên dòng chính của sông Mekong năm 1995, họ đã xây thêm 7 đập thủy điện và đang xây dựng/lên kế hoạch hơn 20 đập khác ở Tây Tạng, Vân Nam và Thanh Hải, theo bà Pianporn Deetes – điều phối viên tại Thái Lan cho tổ chức International Rivers.
Dù Bắc Kinh luôn miệng nói “phát triển”, các chuyên gia môi trường nhận xét Bắc Kinh không thèm tham vấn các nước láng giềng hạ nguồn Mekong và đánh giá tác động môi trường của các công trình họ xây. Hiển nhiên điều này sẽ tác động đến con sông và chính sự “phát triển” của khu vực.
Tranh thủ LMC thu hút ít sự chú ý của truyền thông quốc tế, Bắc Kinh đã lặng lẽ thúc đẩy nghị trình của họ thông qua cơ chế này, khẳng định đây là “một trong những cách tốt nhất” để tăng cường quan hệ với ASEAN.
“Việc thành lập LMC phản ánh một sự công nhận chậm trễ, rằng chính sách của Trung Quốc liên quan đến sông Lan Thương/Mekong trước đó không đoái hoài gì đến lợi ích của các quốc gia hạ nguồn” – ông Milton Osborne, cựu viên chức ngoại giao Úc kiêm chuyên gia về Đông Nam Á, nhận xét.
Một hồ chứa nước cạn kiệt ở vùng đông bắc Thái Lan trong đợt hạn hán năm 2016 – Ảnh: PHÚC LONG
Trong 2 năm từ khi LMC thành lập (2015), Trung Quốc đã tổ chức ba hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao và chi nhiều tỉ USD cho 45 dự án thuộc cơ chế này, từ trung tâm nghiên cứu nguồn nước cho đến dự án kết nối, năng lực công nghiệp, giao thương biên giới, nông nghiệp…
Xuất phát từ nhu cầu năng lượng cao của khu vực, một số quốc gia dọc sông Mekong đã “phấn khởi” đi theo Trung Quốc. Lào là một ví dụ. Với mục tiêu trở thành “cục pin của Đông Nam Á” nhờ thủy điện, Vientiane đang thúc đẩy kế hoạch xây con đập thứ 3 trên sông Mekong mặc cho sự phản đối của MRC.
“Các công ty Trung Quốc đầu tư trực tiếp vào hơn 6 con đập trên dòng chính khu vực Hạ Mekong, bao gồm Don Sahong và Pak Beng ở Lào. Các dự án này không tuân theo thông lệ quốc tế trong việc cân nhắc, tránh và giảm thiểu tác động xã hội, môi trường” – bà Deetes phê phán.
Năm 2016, Việt Nam trải qua trận hạn hán tồi tệ nhất trong 90 năm, dẫn đến hoa màu chết khô và thiếu nước sinh hoạt. Dù nguyên nhân chính là trận El Niño mạnh khác thường, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cũng chịu một phần trách nhiệm vì các đập chứa nước của họ làm tăng tốc độ bốc hơi trên thượng nguồn.
Những cảnh báo không thể bỏ qua
Theo một số nhà quan sát, hi vọng duy nhất LMC mang lại là cơ chế này có thể đạt được những mục tiêu quan trọng MRC không làm được, chẳng hạn như kiểm soát hoạt động xây đập trên dòng chính sông Mekong.
Chuyên gia Osborne cho rằng các nước hạ nguồn Mekong sẽ có lợi nếu Trung Quốc đồng ý tham gia một thỏa thuận cảnh báo sớm về việc xả nước từ các đập thượng nguồn, mặc dù đến nay Bắc Kinh chưa đả động gì vấn đề này.
Ông Marc Goichot, cố vấn Chương trình Mekong của Quỹ Thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF), nhận xét các vấn đề của MRC tạo lý do cho sự tồn tại của LMC.
“Vấn đề nằm ở chỗ Ủy ban sông Mekong có quá nhiều hạn chế, đáng chú ý nhất là nó chỉ có 4/6 quốc gia liên quan tham gia. Thẩm quyền của MRC chỉ giới hạn ở tài nguyên nước, trong khi sông ngòi không chỉ có thế. Các nhà hoạch định kinh tế, đầu tư và khối tư nhân cần phải can dự sâu hơn nữa” – ông Goichot giải thích.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khu vực khác cho rằng dù Trung Quốc nỗ lực chứng tỏ vai trò “nhân đạo”, LMC sẽ không giúp các nước ASEAN thôi lo lắng về động cơ địa chính trị của Bắc Kinh.
Nhà nghiên cứu độc lập Elliot Brennan dự báo sông Mekong có khả năng trở thành điểm xung đột lớn nhất giữa Trung Quốc và ASEAN sau Biển Đông, và Bắc Kinh xem việc kiểm soát con sông này là mục tiêu chiến lược.
“Sau hơn một thập kỷ ngoại giao vụng về, Bắc Kinh cuối cùng đã học được cách dùng cây gậy và củ cà rốt. Bắc Kinh hiểu tốt hơn bao giờ hết những gì các nước ASEAN cần… Nếu họ tìm cách kiểm soát được hoạt động phát triển sông Mekong, nó sẽ nhanh chóng trở thành động mạch quan trọng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc và xuất khẩu sức ảnh hưởng sang ASEAN” – ông Brennan phân tích.
Còn ông Thitinan Pongsudhirak, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn (Bangkok), so sánh động thái của Trung Quốc liên quan đến sông Mekong “tương tự” với chiến lược của Bắc Kinh trong tranh chấp Biển Đông.
“LMC là cách cho thấy Trung Quốc chỉ chơi theo luật của họ. Bắc Kinh tạo ra sự đã rồi bằng cách xây đập trên thượng nguồn gây thiệt hại cho các nước hạ nguồn, rồi sau đó dựng lên một tổ chức quản lý riêng nhằm phủ nhận MRC” – ông Pongsudhirak nói.
“Trung Quốc đối phó với từng nước Mekong riêng rẽ để các nước này không thể đoàn kết đối phó họ trong tư cách một tổ chức khu vực” – vị chuyên gia Thái Lan vạch trần.
Chuyên gia Brennan đánh giá các cuộc thảo luận hiện tại về việc bảo vệ môi trường và sức khỏe sông Mekong không tương xứng với tầm quan trọng thực tế.
“Vì những lý do này, Trung Quốc có mọi cái lợi trong khi các nước ASEAN sẽ mất tất cả trong hợp tác Mekong. ASEAN không thể quay lưng lại với thực tế địa chính trị và phải đấu tranh để có một hình thức hợp tác đúng đắn” – vị chuyên gia cho lời khuyên.